'Ôm' một nửa danh mục là cổ phiếu ngân hàng, 'cá mập' Pyn Elite hô nhóm này quá rẻ và còn tăng nữa

Năm nay sẽ là một năm tích cực cho ngành ngân hàng vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Các cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, vẫn ở mức định giá quá thấp trong một vài năm...

Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite Fund.

Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, Pyn Elite Fund cho rằng lý do để kỳ vọng lợi nhuận tốt từ Việt Nam trong năm 2024. Dựa trên diễn biến của chỉ số VN, nhà đầu tư trong nước đang quay trở lại bên mua. Giá trị cổ phiếu của PYN Elite đã tăng 10% kể từ đầu năm. Thị trường tiền tệ Việt Nam đã bình thường hóa, thanh khoản ngân hàng tốt và lãi suất giảm trở lại nhanh chóng.

Quỹ này tin rằng các công ty niêm yết của Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% vào năm 2024. Năm nay sẽ là một năm tích cực cho ngành ngân hàng vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Các cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, vẫn ở mức định giá quá thấp trong một vài năm.

"Tiềm năng tăng giá của những cổ phiếu này là rất lớn khi hoạt động kinh tế tiếp tục khởi sắc với chu kỳ thị trường tiền tệ thuận lợi", quỹ đến từ Phần Lan nhấn mạnh.

Trong báo cáo mới công bố, quỹ đầu tư Phần Lan Pyn Elite Fund cho biết hiệu suất tăng trưởng của quỹ trong tháng 1/2024 đạt 6,8%, vượt mức tăng 3% của VN-Index. Quỹ quản lý tổng tài sản (AUM) 702 triệu Euro, tương đương khoảng 17.900 tỷ đồng tại cuối tháng 1, đi ngang sau 1 tháng.

Danh mục có hiệu suất tăng trưởng 6,8% trong tháng đầu năm, tốt hơn mức tăng 3% của VN-Index. Trong đó, các mã diễn biến tốt nhất gồm ACV, MBB và CTG, cùng tăng 17%. Ngược lại SAB và CMG giảm trên 8%.

Top 10 khoản đầu tư lớn nhất cuối tháng có sự xuất hiện của Chứng khoán DNSE, với tỷ trọng 5,4%. Theo thông tin trước đó, Pyn Elite đã đồng ý sẽ nắm giữ 12% vốn của DNSE . Cổ phiếu DNSE trong danh mục hiện tại được đặt mua ở mức giá đợt IPO của công ty chứng khoán này kết thúc ngày 24/1.

Bên cạnh đó, quỹ ngoại sở hữu nhiều nhất tại STB, HDB, CTG, MBB, TPB, ACV, SHS, VEA và VHC. Ngược lại VRE và CMG với tỷ lệ sở hữu 4,7% và 3,1% danh mục tại cuối tháng 12/2023 đã không còn nằm trong Top 10 (thay thế là DNSE và VHC).

Theo quỹ này, trong quý IV/2022, vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đã gây áp lực ngắn hạn cho thị trường tài chính. Chính phủ đã quản lý tốt sự kiện này. Các ngân hàng niêm yết không liên quan, không bị ảnh hưởng, dự kiến sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng khả quan trong 2024.

Phân tích bối cảnh kinh tế vĩ mô, báo cáo của quỹ cũng cho thấy, hoạt động thương mại là động lực trong tháng 1 với kim ngạch xuất khẩu tăng 6,7% so với tháng trước, tăng 42% so với cùng kỳ; nhập khẩu tăng lần lượt 0,1% và 33%. PMI sản xuất đã tăng trở lại vùng tăng trưởng và đạt mức 50,3 trong tháng 1, được hỗ trợ bởi sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng và sản xuất mới.

FDI giải ngân tăng 9,6% so với cùng kỳ, trong khi FDI đăng ký tăng 40,2% so với cùng kỳ. Lạm phát giảm xuống 3,4% so với cùng kỳ từ mức 3,6% vào ngày 23/12. Lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu hơn trên diện rộng, xuống gần mức thấp nhất trong lịch sử.

Tuệ Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/om-mot-nua-danh-muc-la-co-phieu-ngan-hang-ca-map-pyn-elite-ho-nhom-nay-qua-re-va-con-tang-nua.htm