Ofo: Sau ô tô, xe đạp cũng có thể chia sẻ

Đối với Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, xe đạp đang là phương tiện giao thông được nhiều người lựa chọn nhờ tiết kiệm và cơ động hơn nhiều xe máy, ô tô. Nhưng việc sở hữu một chiếc xe đạp riêng cũng kéo theo khá nhiều vấn đề.

Ảnh minh họa.

Có thể thấy một trong những xu hướng về giao thông hiện nay trên thế giới là chia sẻ phương tiện. Đối với thị trường Việt Nam, nhu cầu lớn nhất lúc này là ô tô và xe máy đều đang được Uber và Grab cung cấp thì tại thị trường Trung Quốc, khách hàng tại đây lại có nhu cầu về xe đạp.

Xe đạp rẻ tiền hơn ô tô, chi phí sử dụng xe cũng thấp hơn nhiều khiến người dân tại đây, đặc biệt là những người sống tại khu vực thành thị ngày một ưa chuộng phương tiện thô sơ này. Xe đạp đang trở thành một phần của hệ sinh thái phương tiện của đất nước đông dân nhất thế giới.

Thế nhưng có xe đạp riêng cũng là một hình thức sở hữu phương tiện cá nhân và người dùng sẽ phải quan tâm đến hàng loạt vấn đề. Có thể đơn giản nhất là chỗ để xe đạp, sau đó là bảo dưỡng xe. Vậy nhiều người cùng sử dụng chung một chiếc xe đạp sẽ giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng xe và những dịch vụ cho thuê xe đạp tại Trung Quốc ra đời.

Ofo là một dịch vụ như vậy, khách hàng sẽ không cần mua một chiếc xe đạp. Thay vào đó là thuê xe theo giờ của dịch vụ này. Mỗi chiếc xe đạp đều có một khóa được đồng bộ với hệ thống. Khách hàng muốn thuê chiếc xe nào chỉ cần quét mã QR trên khóa xe. Ứng dụng sẽ trả về một mã để mở khóa xe và người dùng có thể lấy xe sử dụng. Sau khi dùng, khách hàng sẽ đưa chiếc xe vào nơi để, khóa lại và báo trên ứng dụng để kết thúc sử dụng. Giá thuê xe lúc này chỉ vào khoảng 4.000 đồng cho mỗi giờ sử dụng.

Khách hàng chỉ cần quét mã QR trên ổ khóa sẽ có mã để mở khóa xe

Chính nhờ sự tiện dụng này mà Ofo đã có một số thành công nhất định. Từ tháng 6 đến cuối tháng 7, dịch vụ đã cho thuê hơn 1 triệu lượt xe và tổng cộng hơn 20 triệu người dùng đăng ký.

Sau nhiều vòng gọi vốn, startup này đã có một danh sách dài các nhà đầu tư lớn bao gồm cả dịch vụ đi chung ô tô tương tự Uber tại Trung Quốc là Didi, Alibaba, Hony Capital...

Theo CNN, Ofo lúc này đang có dịch vụ ở 40 thành phố Trung Quốc và đang phát triển mới tại đại học Cambridge, Anh. Dịch vụ cũng đang được thử nghiệm tại Thung lũng Silicon và San Diego.

Khó khăn đến từ chính thị trường ban đầu

Thị trường lớn với nhu cầu dồi dào từ người dùng nhưng thực tế đây không phải là “thiên đường” cho các dịch vụ cho thuê xe đạp. Ngay tại Trung Quốc, Ofo đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Mobike, một dịch vụ tương tự được đầu tư bởi Tencent và Foxconn. Mobike hiện đang hoạt động tại 130 thành phố ở Trung Quốc và dự kiến đạt con số 200 thành phố vào cuối năm nay.

Thay vì sử dụng các điểm xe tập trung như Ofo, Mobike đang cho phép người dùng có thể thuê xe ở mọi cửa hàng ven đường, chỉ cần người trông coi cửa hàng sử dụng ứng dụng Mobike. Ofo cho biết cũng đang cố gắng phát triển dịch vụ tương tự.

Một vấn đề khác đối với các startup cho thuê xe đạp tại Trung Quốc đó là tình trạng mất xe. Khách hàng vẫn sử dụng ứng dụng để thuê xe của dịch vụ nhưng họ không bao giờ trả lại chiếc xe đã thuê. Nhiều startup nhỏ tại đây đã phải đóng cửa vì bị mất quá nhiều xe. Chưa có con số cụ thể Ofo và Mobike đã mất bao nhiêu chiếc xe đạp tuy nhiên vấn đề nằm ở ý thức của khách hàng.

Nghiên cứu của Roland Berger cho thấy, dịch vụ chia sẻ xe đạp có xu hướng trở thành một dịch vụ toàn cầu với hơn 1.000 nhà cung cấp đang hoạt động trên toàn thế giới. Dự kiến đến năm 2020, thị trường cho thuê xe đạp sẽ đạt mức 5,9 tỷ USD.

Với những thị trường ngoài Trung Quốc, nơi mà sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường được khuyến khích và thói quen khách hàng tích cực hơn, các startup cho thuê xe đạp từ Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành rào cản lớn với các nhà cung cấp dịch vụ tại chính nước đó.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/tekinsider-ofo-sau-o-to-xe-dap-cung-co-the-chia-se-3038845.html