Ðọc 'Sỏi đá hồn nhiên' của Ðỗ Kim NgưBóng dáng đời thườngCảm hứng huyền thoại

Tốt nghiệp Khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội, Đỗ Kim Ngư vào Nam – Thuận Hải (cũ), được phân công vào ngành văn hóa, vừa sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian địa phương, vừa sáng tác văn học. Sau chuyển hẳn sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho đến khi về hưu hơn 30 năm. Những sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian của anh chủ yếu phần truyện dân gian, đã in thành sách, xuất bản nhiều tập, nhưng sáng tác của anh đến 8 năm sau khi đã về hưu lần đầu tiên mới tuyển in thành tập: 'Sỏi đá hồn nhiên', dày 180 trang, chọn 19 truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, xuất bản quý IV, 2019.

Ðọc

Sức hút ấn tượng ở truyện Đỗ Kim Ngư là hiện thực đời thường thông qua lăng kính trải nghiệm. Đọc truyện Đỗ ta tưởng chừng đã gặp đâu đó những nhân vật gần như nguyên mẫu, những mảnh đời quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Dĩ nhiên hư cấu, nhưng từng hoàn cảnh, từng việc làm, qua cách kể, tính hiện thực hiện lên ghi dấu những con người một thời lịch sử xã hội. Con người trong “Sỏi đá hồn nhiên”, trong “A Chảy” hay “Tiếng biển vọng về”, “Cà phê cô Le”… không xa lạ với vùng quê – nhất là cái thị xã anh đang sống những năm sau 1975. Với nhân vật “tôi” thường là nhân vật chính, ta thấy nhiều khi như là tự truyện, bởi phía sau nhân vật thấp thoáng bóng hình tác giả. Điều đáng chú ý là cách nhìn trung thực của người cầm bút: “Để tồn tại, người ta có khi phải sống hai mặt. Ngày, gặp lính quốc gia xuống lục soát thì chỉ ra vườn: “Đêm qua Việt cộng về đông lắm, có quày chuối họ cũng chặt mang đi”. Nhưng đêm lại tố với cách mạng: “Nhà có con gà tính dành bồi dưỡng cho tụi bay, hồi hôm bị bọn lính bắt mất tiêu rồi”. Thật giả cũng khó phân định”. (Sỏi đá hồn nhiên). Cách nhìn ấy trước đó có thể nhiều người biết, nhưng chưa ai nói ra.

“Đêm nghe tiếng mưa rơi” là hồi ức những khoảnh đời với lối dẫn chuyện và hành văn tỉnh táo, lối biểu đạt dung dị, tự nhiên, nhưng thâu tóm cô đọng được những nghịch cảnh vô lý, éo le, khắc họa tính cách nhân vật đầy ấn tượng, buồn cười đến xót xa, đã đè lên thân phận làm người mà nhà văn đã từng trải nghiệm. Trong “Ngày về” – khi mọi người tưng bừng trong không khí sau những ngày đất nước giải phóng, nhân vật “tôi” lại nhận được điện khẩn: “Về nhà ngay, có chuyện quan trọng”. Đến nhà mới hay, người anh tử trận mấy ngày trước 30/4/1975, “mẹ đang ngồi canh nồi cám lợn” dưới bếp, không chịu lên nhà dự lễ truy điệu cho con. Những ai trong cuộc mới thấu nỗi lòng người mẹ, người em lúc này. Câu chuyện riêng nhưng gánh cả nỗi đau chung không ít gia đình cùng thời điểm ấy. “Anh Tâm” là chuyện cha con ở hai chiến tuyến đối địch từ thời chống Pháp sang chống Mỹ, rồi đến sau ngày miền Nam giải phóng. Một câu chuyện nhỏ, cách kể tự nhiên, nhưng đặt một dấu chấm than lơ lửng về nỗi niềm dân tộc. Còn “Làng Vạc”, nối kết chuyện xưa với chuyện bây giờ, thâm thúy đặt ra vấn đề nhân cách, lọc lừa biến chất của kẻ khốn nạn chối bỏ quê hương.

Trong “Tiếng tơ tiếng trúc”, khi đoàn văn công giải thể, thất nghiệp, các nghệ nhân tìm mọi cách để mưu sinh. Nhân vật Trúc sử dụng tài thổi sáo của mình để nhử chim sa bẫy kiếm sống. Nhưng rồi phẩm chất nhân đạo của người nghệ sĩ thực thụ ở Trúc trỗi dậy, không thể dùng nghệ thuật (tiếng sáo) để sát sinh, chuyển âm thanh tiếng sáo sang hoạt động địa hạt khác hữu ích cho đời, sáng bừng nét đẹp nhân văn. Cách kể “Gặp bạn ở Tràng An” tự nhiên, kết nối rất khéo hình ảnh con dê Ninh Thuận khi “tôi” và Toàn lần đầu vào Nam với con dê Ninh Bình mấy mươi năm sau khi Toàn đã về Bắc làm chủ quán dê núi ở Tràng An. Truyện cách điệu, biểu đạt dí dỏm, có duyên, nội dung gai góc, chuyển tải triết lý nhân sinh sâu sắc của một thời.

Bên những hiện thực đời thường, tôi rất chú ý đến cách sử dụng yếu tố huyền thoại của Đỗ Kim Ngư. Truyện “Miếu thầy” kể: “Bỗng trời nổi gió to, mây ở đâu ùn ùn kéo đến, chớp vạch ngang trời, sấm sét nổ ầm ầm, mưa như trút nước […] Dân Động Xá phát hiện lão phú ông bị sét đánh chết. (Về sau, có người bảo lão bị hổ trắng từ trên núi xuống giết chết trước khi bị sét đánh …)”. Những lắng đọng qua các cổ mẫu: mưa, sấm, sét, hổ trắng là những gửi gắm đi từ tâm cảm dân gian. Mưa, sấm, sét là hiện tượng của tự nhiên, với người nguyên thủy, mưa, sấm, sét là một thế lực siêu nhiên huyền bí, được phong thần, trở thành huyền thoại, xuất hiện rất nhiều trong các truyện thần thoại của các dân tộc trên thế giới. Trong thế giới thần linh, thần sét là vị thần hung dữ nhất, chuyên thi hành lệnh trời theo luật của thiên đình xử phạt những kẻ gây tội ác có hại đến nhân mạng mà khéo che đậy hoặc luật pháp trần gian không xét xử đến. Thần sét cũng đánh những ma quỷ, loài vật, cây cỏ tự luyện thành tinh rồi tìm cách hãm hại người trần(1). Còn hổ (cọp, hùm) là một loài vật hùng mạnh của muôn loài, mệnh danh “chúa tể sơn lâm”. Trong văn hóa loài người, hổ tượng trưng sự kiêu hãnh, lòng dũng cảm cùng sức mạnh tuyệt đối, nhất là các nước châu Á, hổ là hình tượng tô tem, mang yếu tố tâm linh, được sùng bái, thờ cúng. Ở Việt Nam, nhiều làng quê trong cả nước, người ta thường xây miếu - gọi là miếu ông cọp, hoặc vẽ hình, tạc tượng để thờ trong đình, dinh, cụ thể như ở miền Trung, trong điện thờ bà Thiên Y A Na, hay di tích văn hóa quốc gia điện Trường Bà, thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng, bên cạnh dinh thờ, còn có tượng và ngôi mộ hổ trắng mà người dân trong vùng kính cẩn gọi là ông Bạch Hổ. Huyền thoại về ông Bạch Hổ biểu hiện niềm mong ước của người dân vùng cao về một cuộc sống yên bình, sung túc...(2). Hổ trắng - bạch hổ, nằm trong bộ tứ tượng – tứ linh (Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ), là hình tượng trong khoa học thiên văn, triết học, phong thủy, cả thuyết âm dương phương Đông(3). Nhìn chung, từ xưa, hiện tượng mưa, sấm, sét, hình tượng hổ trắng đã là biểu tượng huyền thoại quý giá của nhân loại. Nó đi vào đời sống văn hóa tâm linh, ẩn sâu trong vô thức cộng đồng. Trong truyện “Miếu thày”, Đỗ Kim Ngư mượn mưa, sấm, sét, hổ trắng – bạch hổ, là đi vào khai thác sự lắng đọng văn hóa trong đáy sâu cảm thức dân gian, ước mơ thể hiện công lý của người bình dân, phán xét hành xử những thiện ác ở đời, đặc biệt khi cái ác sờ sờ ra đấy mà nhiều thế lực cố tình che đậy, khuất lấp, nếu luật lệ ở trần gian không xử được thì sẽ có thế lực thần linh huyền bí, hùng mạnh của đất trời xét xử. “Lưới trời lồng lộng”, đó là chân lý, cái ác không thể trốn thoát. Cách dẫn truyện rất khéo.

Đỗ Kim Ngư là cây bút trong bầu không khí văn học hậu chiến – đương đại, nhưng dụng ý rất nhiều về tác dụng cổ mẫu, nhằm vào sức mạnh ám dụ các yếu tố huyền thoại để bộc lộ tư tưởng tác phẩm. Trong “Mật ngọt”, ông Huy mơ thấy mình mọc cánh bay cùng “hàng đàn, hàng lũ ong mật cùng bay về hướng mặt trời”. Mượn hình ảnh ong đi tìm mật để nói lên hoạt động công phu không thể tưởng nổi của loài vật này, một phút nó vỗ cánh đến 11.000 lần, có thể bay cao đến 6 dặm (4) và nhanh 15 dặm một giờ, thường nó sẽ phải bay khoảng 90.000 dặm (ba lần vòng quanh trái đất) để làm ra một pound mật. Một chuyến đi hút mật của 1 con ong phải thăm từ 50 đến 100 bông hoa(5). Nhân hóa ong để thấy những thật giả đáng sợ trong quá trình tích lũy ra mật. Yếu tố huyền thoại này gợi cho người đọc cảm nhận cụ thể và sâu sắc giá trị công sức và tài năng của văn nghệ sĩ chân chính làm ra tác phẩm văn chương đích thực và ngược lại. Nhưng làm ra tác phẩm văn học nghệ thuật không thể bầy đàn.

Theo hướng huyền thoại ấy, thấy hợp lý khi anh đặt tác phẩm “Hoa khôi áo rách” ở cuối tập truyện. Tôi thích nhất cái kết không đóng của truyện ngắn này, bởi nó thả lửng tạo sức gợi thăng hoa nét đẹp tình yêu. Không lý luận về tình yêu, mà tình yêu làm sao lý luận, tác giả để nhân vật “hoa khôi áo rách” phản ứng trước nhóm đàn ông gọi là “văn nghệ sĩ”: “Các anh phải biết tôi là một con người, hơn nữa lại là một người đàn bà có nhan sắc. Tôi cần phải ăn, phải sống và sống có đàn ông. Thế mà các anh không mang đến cho tôi những thứ đó. Các anh chỉ giỏi tán gái, giỏi làm tình bằng ngòi bút, còn thực tế thì hèn nhát, bất lực, không đáng làm đàn ông”. Để rồi dẫn đến một cuộc hẹn nơi bãi biển, “đám văn nghệ” cùng nhảy xuống nước, theo cô từ từ bơi ra khơi, nhưng nhóm đàn ông ấy chợt ớn sợ, không dám bơi theo. Chỉ có mỗi Rạng – người mà nhóm đàn ông cùng xuống nước chưa xác định anh là ai, nhưng “hoa khôi áo rách” biết, hai người cứ thế rẽ sóng ra đi, tưởng chừng như xưa kia đức vua “cầm sừng tê bảy tất” rẽ sóng vào biển khơi, không biết họ về đâu trước mênh mông đất trời sóng nước, để lại giai thoại tình yêu ngọt ngào mà chẳng bình yên.

Võ Nguyên

(1) truyenxuatichcu.com; (2) Amazing Vi etnam-Cẩm Thư, Báo Quảng Ngãi online - 05/8/2018; (3) vi.wikipedia.org/wiki; (4)1 dặm = 1,609344 kilômét; (5) tinhxangocson.com/vi/news.

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa1/%C3%B0oc-soi-da-hon-nhien-cua-%C3%B0o-kim-ngu-131799.html