Oằn vai gánh nợ xi măng

(baodautu.vn) Để giải tỏa nỗi ác mộng đối với các cổ đông và của chính Vinaconex, việc tính toán nhượng lại cổ phần của Xi măng Cẩm Phả đã được tính đến”

Xi măng Hạ Long: “quýt làm cam chịu”

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo đầu tư, Tập đoàn Sông Đà đang gặp khó khăn trong việc cân đối vốn trả nợ các ngân hàng nước ngoài, do một khoản nợ lớn từ đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long.

Trong giai đoạn trước năm 2008, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, cả nước trở thành đại công trường, đưa thị trường xi măng phát triển sôi động chưa từng thấy. Vì vậy, với những điều kiện, như cầu lớn, đá vôi sẵn tới mức “chỉ việc phá núi mà dùng”, than thì mua không hạn chế, nên việc đầu tư xây dựng nhà máy xi măng đã tạo nên một hấp lực khó cưỡng.

Với những lý do như vậy, Nhà máy Xi măng Hạ Long đã được tiến hành xây dựng. Tất nhiên, với xuất phát điểm của doanh nghiệp nhà nước, “khiêm tốn” là điều ai cũng biết, vậy nên, vay vốn đầu tư là chuyện tất yếu!

Nếu thực hiện đúng tiến độ, việc trả nợ vốn vay có thể không trở nên quá sức với Nhà máy Xi măng Hạ Long, tuy nhiên, do bị chậm tiến độ xây dựng 1 năm, nên ngoài việc chậm vận hành, việc lỡ nhịp thị trường xi măng đã khiến Nhà máy Xi măng Hạ Long lâm vào khó khăn.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau khi Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao đứng ra bảo lãnh cho Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long vay vốn nước ngoài, nhưng thực tế, Bộ Tài chính đã bảo lãnh cho Tổng công ty Sông Đà (nay đã sáp nhập, làm nòng cốt trong Tập đoàn Sông Đà) vay, sau đó, Tổng công ty Sông Đà ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long vay lại trên 3.335 tỷ đồng, bằng lãi suất vay của các ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long sau đó lại bị chậm tiến độ 1 năm và bước đầu sản xuất bị lỗ (năm 2009 lỗ 78 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 500 tỷ đồng) và đến nay đã đến kỳ trả nợ gốc cho ngân hàng nước ngoài. Theo số liệu chúng tôi có được, khoản cần phải thanh toán là khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo Đầu tư về tái cấu trúc Tập đoàn Sông Đà, ông Lê Văn Tốn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà không đề cập từng trường hợp cụ thể, nhưng cho biết, sẽ thành lập các tổng công ty cho các lĩnh vực riêng, như thủy điện, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng...

Với chiến lược tái cấu trúc như thế, có thể món nợ ngàn tỷ đó sẽ được chuyển đến cho một khổ chủ được chỉ định “làm nòng cốt” của tổng công ty này. Tuy vậy, ông Tốn khẳng định, Tập đoàn đang làm chủ tình thế, vì bản chất của sự việc là minh bạch.

Xi măng Cẩm Phả: Tan giấc mộng lớn

Công ty Xi măng Cẩm Phả (CPC) được thành lập tháng 4/2008, chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2009, hiện có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Ngoài những lợi thế về thương hiệu của Vinaconex, dây chuyền hiện đại, mỏ vật liệu, cảng chuyên dụng và lợi thế cung cấp nguyên liệu cho các công trình xây dựng theo phương thức “nội bộ” có quyền hy vọng về ngày mai tươi sáng.

Tuy vậy, khi mà ngày mai tươi sáng vẫn đang là ngày mai, thì CPC đã phải đối mặt với thực tế... rất không ổn! Trong khi các thế mạnh về công nghệ, vị trí địa lý và sự hỗ trợ của Tổng công ty mẹ, hai niên độ kế toán đầu tiên vẫn chưa thể hiện được ưu thế vượt trội cho CPC, thì tính đến cuối tháng 11/2011, CPC đã lỗ 1.200 tỷ đồng (nếu tính thêm chênh lệch tỷ giá, thì số lỗ lên tới 1.600 tỷ đồng). Cũng cần phải nhắc lại rằng, cách đây 4 năm, khi khánh thành Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, lãnh đạo Vinaconex đã từng kỳ vọng, đây sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho Tổng công ty.

Có nhiều lý do để giải thích cho những khó khăn của CPC. Chẳng hạn, CPC phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều thương hiệu mạnh, như Hoàng Thạch, Bút Sơn, Bỉm Sơn… đã quá quen thuộc và ăn vào tiềm thức nhiều người tiêu dùng; hệ thống bán hàng phân phối của các thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã được xác lập khép kín, khó có dư địa cho các tân binh như CPC. Cùng với khó khăn khách quan đó, việc CPC sử dụng đòn bẩy tài chính lớn trong đầu tư dự án cũng khiến suất đầu tư của CPC khá cao (150 USD/tấn thành phẩm). Hiệu quả hoạt động theo đó giảm sút.

Để giải tỏa nỗi ác mộng đối với các cổ đông và của chính Vinaconex, việc tính toán nhượng lại cổ phần của CPC đã được tính đến. Vậy ai sẽ là khách hàng tiềm năng để mua lại cổ phần của CPC?

Có thể thấy, cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều yêu cầu được tham gia mua cổ phần 51%. Với đối tác nước ngoài, do pháp luật Việt Nam chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ, nên muốn mua 51% doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. “Rào cản” đó không phải là không vượt qua được, nhưng dù sao đó cũng là khó khăn cần tính đến.

Với đối tác trong nước, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Vicem cho biết, với thế mạnh của thương hiệu Vicem, hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp, nhiều cơ sở sản xuất trên cả nước, nên việc điều vận clinker hợp lý có thể khiến giá thành hạ tới mức thấp nhất. Vì vậy, quan điểm của Vicem hiện nay là, “đầu tư tận dụng các nhà máy hiện có” và vì thế, Vicem đang quan tâm tới việc mua lại cổ phần của CPC.

Thế mạnh là vậy, quan điểm đầu tư là vậy, nhưng hiện việc mua bán cũng chỉ mới là ý tưởng, tất cả đều đang trong giai đoạn thương thảo, chờ chỉ đạo của Bộ Tài chính và của Chính phủ.

Lối thoát: chỉ có một

Đầu tư dự án, không phải ai cũng có thể mang lại những món lợi nhuận mơ ước, nhưng nếu hiệu quả của dự án không như ý muốn ban đầu của nhà đầu tư, thì việc đề ra các giải pháp khắc phục là bắt buộc. Tái cấu trúc đang là vấn đề nóng và càng nóng hơn với các nhà đầu tư trên.

Đối với trường hợp Xi măng Hạ Long, dù ai làm “quýt” để thay “cam” trong trường hợp này và dù đang làm chủ tình thế, thì món nợ ngàn tỷ đồng đó vẫn nhất định phải được một doanh nghiệp, mà chắc chắn đó phải là doanh nghiệp nhà nước, trả cho đến hết.

Còn đối với Xi măng Cẩm Phả, theo một nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, hiện các đối tác chỉ trả dưới mệnh giá (10.000 đồng) cho mỗi cổ phần CPC. Điều này đồng nghĩa với việc Vinaconex sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn khi tái cấu trúc.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/47588c1a7f0000010060bc2e8e00d720