Ô tô khách thành máy bay, tàu hỏa?

TP - Tại Hội nghị tập huấn triển khai các văn bản về quản lý vận tải do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức ngày 23 và 24-9, các doanh nghiệp vận tải đã phản ứng gay gắt về quy định không cho phép đón - trả khách dọc đường tại các điểm theo quy định trước đây vẫn thực hiện. Theo nhiều ý kiến, quy định này không chỉ làm khó doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách mà còn khiến hành khách chịu khổ.

Nhà xe tố bị hành Theo Thông tư 14 của Bộ GTVT, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phương tiện trên hành trình đã quy định, không được đón trả khách dọc đường. Chỉ được phép đón, trả khách tại bến xe tại hai đầu tuyến. Đối với hành khách đi xe chỉ được bắt đầu hành trình tại bến xe nơi đi và kết thúc hành trình tại bến xe nơi đến, không được lên xe dọc đường và yêu cầu nhà xe cho xuống xe dọc đường. Giải thích về quy định trên, ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, việc đón trả khách dọc đường là không cấm nhưng các xe phải vào các bến xe trên hành trình để thực hiện việc đón - trả khách. Nhưng muốn thực hiện thì phải đăng ký với cơ quan quản lý tuyến. Tuy nhiên, giải thích của ông Thành đã không nhận được sự đồng thuận từ các doanh nghiệp vận tải. Ông Hoàng Tòng - Chủ nhiệm HTX vận tải Phương Đông (Hòa Bình) cho rằng: Việc quy định không được đón- trả khách tại một số điểm dọc đường là bất hợp lý và không thực tế. Ví dụ một xe khách đi từ Sơn La xuống Hà Nội nếu muốn đón - trả khách thì phải vào Bến xe Hòa Bình trong khi hành khách có thể có nhu cầu xuống xe từ một vị trí cách đó hàng mấy chục cây số. Nếu muốn về đến nhà, họ chỉ còn cách đi xe buýt bởi, xe khách tuyến cố định không có điểm đỗ tại khu vực đó, trong khi đoạn tuyến này lại không có xe buýt. Không những thế, khi nhà xe vào Bến xe Hòa Bình thì chắc chắn phải mất phí vào bến. Trong trường hợp lấy khách tại bến xe Hòa Bình thì có xảy ra xung đột, liệu các doanh nghiệp vận tải Hòa Bình có cho phép như vậy? Theo ông Lương Văn Thưởng, Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải Khánh Thịnh (Thái Nguyên), việc dừng đón - trả khách dọc đường hay tại các trạm đón trả khách là nhu cầu thực tế giao thông của đất nước. Vì ở nước ta, các khu dân cư vẫn bám theo các trục đường. Hơn nữa, Nhà nước cũng đã lập ra hàng trăm điểm dừng đỗ đón, trả khách dọc đường nên người dân chỉ cần ra các điểm đó là có quyền bắt xe đi lại. Nay nếu Bộ chỉ cho phép xe bắt khách ở hai đầu điểm đầu và cuối bến là không khả thi. Nhất là ở vùng núi, có những người ở cách bến xe hàng chục, hàng trăm cây số, khi xe chạy qua nhà không được phép đón khách là bất hợp lý. Quản lý giao thông ở Việt Nam không thể áp dụng máy móc theo các nước có điều kiện giao thông tốt. Ở nước họ có đường cao tốc đạt chuẩn, xe chạy hàng trăm cây số mới có một cây xăng hay một điểm dừng đỗ, mật độ dân số thấp còn Việt Nam thì không thể. Hiệp hội Vận tải kiến nghị sửa thông tư Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Xin đừng đánh đồng loại hình vận tải ô tô như máy bay”. Khác với tàu hỏa, máy bay, thế mạnh của vận tải ô tô là linh động trong việc dừng đón, chuyên chở. Nay nếu thực hiện quy định trên thì thế mạnh của ô tô sẽ không còn nữa, người dân sẽ chuyển sang tham gia giao thông ở các loại hình khác. Hơn nữa, nếu cứ thực hiện quy định trên cũng đồng nghĩa là gần 500 điểm dừng đỗ, đón - trả khách mà Bộ GTVT và các địa phương lập ra sẽ trở thành các điểm bất hợp pháp và bị xóa sổ, gây thiệt hại lớn tiền của nhà nước. Tại cuộc họp này, ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cũng cho biết, tới đây sẽ xem xét và sửa đổi Nghị định 34 và Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh lại các quy định cắm biển hạn chế tải trọng cầu, sao cho vừa bảo vệ được công trình giao thông, vừa tạo thuận lợi cho các phương tiện qua lại, tránh xảy ra tình trạng ách tắc như thời gian vừa qua. Theo ông Thành, đến nay Bộ đã tổng hợp được 7 điểm bất hợp lý trong Nghị định 34 để xem xét báo cáo sửa đổi. Cũng theo ông Hùng, khi xây dựng dự thảo thông tư trên, Hiệp hội cũng đã kiến nghị không đưa quy định trên vào, nhưng ban soạn thảo không chấp nhận. “Việc giải thích của lãnh đạo Vụ Vận tải là vòng vo, gượng ép, không đúng với quy định của thông tư. “Quy định trong thông tư là rất rõ ràng, xe khách chỉ được đón, trả khách tại bến đi và bến đến. Như vậy, cũng có nghĩa, các xe khách, kể cả xe chạy tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tới đây khi đi qua các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Định đều không được phép dừng lại đón - trả khách. Nếu vào đón, trả khách là vi phạm và sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt ngay”- ông Hùng nói và đề nghị Bộ GTVT nên sửa thông tư trên để doanh nghiệp và người dân thực hiện. Trước những ý kiến gay gắt của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền- Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho rằng, đơn vị sẽ cố gắng đáp ứng kiến nghị của các doanh nghiệp. Trước mắt, ông Quyền hứa, sẽ báo cáo Bộ trưởng GTVT về ý kiến của các doanh nghiệp đối với việc cấm dừng đỗ đón - trả khách dọc đường để xem xét sửa đổi.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/513637/o-to-khach-thanh-may-bay-tau-hoa.html