Ở nơi tã người lớn bán chạy hơn tã trẻ em

Tại Hàn Quốc, phòng khám sản phụ khoa dần biến mất, trường tiểu học ngày càng vắng lặng, trong khi các dịch vụ phục vụ người độc thân, nhóm cao tuổi ăn nên làm ra.

 Dân số Hàn Quốc đang già đi với tốc độ nhanh chóng.

Dân số Hàn Quốc đang già đi với tốc độ nhanh chóng.

Theo công bố hôm 14/2 của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, 112.000 tấn tã giấy dùng một lần dành cho người lớn đã được sản xuất và nhập khẩu vào năm 2021, tăng từ 86.000 tấn vào năm 2019.

Nhưng số liệu về tã lót trẻ em dùng một lần đã giảm từ 76.000 tấn vào năm 2019 xuống còn 69.000 tấn vào năm 2020 và hiện tiếp tục giảm. Do đó, tã người lớn bán chạy hơn tã trẻ em 1,6 lần vào năm 2021, theo Chosun Ilbo.

Bộ cho rằng hiện nay không chỉ những người bị bệnh không kiểm soát được, nhiều người cao tuổi không ngại mặc tã khi tham gia các hoạt động ngoài trời.

Các ngành công nghiệp phục vụ người lớn tuổi dự kiến phát triển nhanh chóng khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Hàn Quốc đạt mức 17,5% vào năm ngoái, ước tính đạt 46,4% vào năm 2070.

Trường tiểu học, phòng khám sản phụ khoa dần biến mất

Tính đến cuối năm 2021, phụ nữ Hàn Quốc chỉ sinh trung bình 0,81 con trong suốt cuộc đời. Đây là tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, giảm so với 0,84 của năm trước và là kỷ lục mới kể từ khi việc tổng hợp dữ liệu bắt đầu vào năm 1970.

Báo cáo được đưa ra khi chính phủ tìm cách đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm và cảnh báo rằng người Hàn Quốc “đang trên đà tuyệt chủng”.

Vào tháng 10/2022, dân số 51 triệu người của quốc gia đã giảm 9.104, đánh dấu tháng giảm thứ 36 liên tiếp. Quốc gia này báo cáo lần giảm dân số tự nhiên đầu tiên vào năm 2020.

Với số ca tử vong tiếp tục vượt qua số ca sinh và dân số từ 65 tuổi trở lên ngày càng tăng, số phận của nhiều thứ ở Hàn Quốc, bao gồm cả nền kinh tế, phụ thuộc vào cách quốc gia này đối phó với sự thay đổi nhân khẩu học.

 Ở Hàn Quốc, tã người lớn hiện bán chạy hơn tã trẻ em.

Ở Hàn Quốc, tã người lớn hiện bán chạy hơn tã trẻ em.

Khi tỷ lệ sinh giảm, các phòng khám phụ sản khoa dần biến mất, thị trường sản phẩm chăm sóc trẻ em ngày càng ảm đạm và các trường tiểu học đối mặt với những phòng học không người.

Lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các phòng khám sản phụ khoa. Nhiều bệnh viện đại học, chẳng hạn như ở Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Hanyang, đã chứng kiến tỷ lệ sinh con giảm 10-50%. "Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế trong quản lý, nhưng dường như không có biện pháp nào hiệu quả", viên chức bệnh viện cho biết.

Khi tỷ lệ sinh con giảm, các khoa phụ sản đóng cửa và nhiều bác sĩ gặp khó khăn. Các bác sĩ chuyên khoa buộc phải làm việc với tư cách là bác sĩ đa khoa, trong khi một số chuyển hướng hành nghề sang chuyên sâu vào các lĩnh vực khác như bệnh béo phì ở phụ nữ.

Tỷ lệ sinh giảm cũng có nghĩa là ít học sinh tiểu học hơn, đồng nghĩa với việc đóng cửa trường học. Không dưới 897 trường học đã đóng cửa kể từ năm 1999.

Doanh số bán các sản phẩm chăm sóc trẻ em như sữa bột, thức ăn và quần áo trẻ sơ sinh cũng đang giảm.

Ngành công nghiệp sữa công thức cho trẻ sơ sinh đã bị ảnh hưởng nặng nề. Namyang Dairy Products cho biết doanh thu của họ liên tục sụt giảm. Mức tiêu thụ sữa trung bình hàng năm của mỗi người đã giảm từ 30,8 kg năm 2000 xuống còn 26,6 kg vào năm 2017.

Cửa hàng bách hóa Hyundai đã cắt giảm không gian dành cho quần áo trẻ sơ sinh để tập trung nhiều hơn vào quần áo cho trẻ em trên 12 tuổi từ nhiều năm trước.

Cho Young-tae tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Đến năm 2020, thị trường sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi giảm xuống còn khoảng 75% so với mức được ghi nhận vào năm 2016, vì vậy đã đến lúc các công ty phải tính tới những thay đổi về nhân khẩu học để tồn tại trong bối cảnh kinh doanh mới".

Nền kinh tế độc thân

Các công ty Hàn Quốc đang mở rộng nhanh chóng dịch vụ và sản phẩm mới dành cho người sống một mình, khi số hộ gia đình độc thân tăng cao do tỷ lệ kết hôn giảm, nhiều cặp vợ chồng ly dị và dân số già hóa.

Điều này đã dẫn đến sự phát triển của các gói du lịch được thiết kế riêng cho một người, dịch vụ thú cưng đồng hành, người trợ giúp cho nhóm cao tuổi.

Ngành công nghiệp thú cưng có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho xu hướng này. Thị trường chăm sóc thú cưng tại Hàn Quốc đạt giá trị hơn 1.192 triệu USD vào năm 2021.

Trong khi đó, cứ ba du khách ở Hàn Quốc thì có một người đi nghỉ một mình.

"Khách du lịch một mình chiếm 40% tổng số khách du lịch Hàn Quốc, với sự gia tăng của các hãng hàng không giá rẻ và chương trình du lịch dành cho khách đi một mình", Nam Chang-im, quản lý của Interpark Tour, cho biết.

 Các dịch vụ phục vụ người cao tuổi ngày càng phát triển.

Các dịch vụ phục vụ người cao tuổi ngày càng phát triển.

Sự gia tăng của hộ gia đình độc thân cũng đang thay đổi cách các cửa hàng bách hóa lựa chọn và giới thiệu sản phẩm.

Lotte Department Store đã thay đổi cách bố trí khu ẩm thực, để hơn 40% diện tích được dành cho những chiếc bàn giống như quầy bar phục vụ người đến mua sắm một mình.

Khi dân số của đất nước già đi, các cửa hàng giao hộp cơm trưa cho người già sống một mình trở nên phát triển. Kang Byung-oh, nhà tư vấn kinh doanh ở Seoul, cho biết: "Rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình đã thay đổi khách hàng mục tiêu chính của họ từ phụ nữ đi làm sang người cao tuổi. Các công ty cung cấp dịch vụ giao hàng và chạy việc vặt khác cho hộ gia đình độc thân sẽ là mô hình thống trị trong ngành dịch vụ".

Lê Vy

Ảnh: The New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-noi-ta-nguoi-lon-ban-chay-hon-ta-tre-em-post1402191.html