Ô nhiễm từ làng thu gom phế liệu

Những năm qua, nghề thu gom, phân loại phế liệu ở thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã giúp hàng trăm hộ có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nghề này đang khiến khu vực này đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng.

Hơn chục năm qua, thôn Xà Cầu được xem là một trong những nơi tập kết phế liệu lớn ở Thủ đô. Mỗi ngày, hàng trăm xe chở phế liệu từ khắp nơi ùn ùn kéo về đây. Trên khắp trục đường vào thôn Xà Cầu, phế liệu chất thành núi. Thậm chí, phế liệu tràn ra cả đồng ruộng, ao hồ.

Phế liệu được để khắp đường làng thôn Xà Cầu

Từ 7h sáng, tiếng máy ép, máy băm nhựa chạy ầm ầm khắp thôn. Trên chiếc xe chở đầy những bao tải phế liệu được đưa về địa điểm tập kết, chị Nguyễn Thị P. nhanh chóng leo lên trên đỉnh dỡ từng bao tải xuống. Công việc của chị P. là phân loại phế liệu sau khi được chủ xưởng tái chế đưa về. Chị bảo, tuy có chút vất vả, độc hại nhưng thu nhập mỗi ngày cũng được 500.000- 600.000 đồng nên chị cũng đã theo nghề được 6 năm.

Gần trưa, tiếng máy trong thôn đã ngừng nhưng vợ chồng chị N.T.K. (thôn Xà Cầu) vẫn đang bốc dỡ xe hàng phế liệu. Chị K. cho biết, bốc xong xe này sẽ về nghỉ trưa, khoảng 14h thì làm tiếp. “Mỗi ngày, trừ chi phí vợ chồng tôi cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình đã tốt hơn, con cái được học hành đầy đủ”, chị K. nói.

Chị K. cho biết, trước đây làng có nghề làm hương đen. Thế nhưng, hơn chục năm trước một vài hộ dân ở thôn đã thu gom, mang phế liệu từ Hà Nội, Hưng Yên… về nhà phân loại rồi bán cho lái buôn. Thấy làm nghề này thu nhập cao hơn làm ruộng nhiều lần nên nhiều người làm theo. Hàng ngày, phế liệu được mang về làng đủ thứ, từ chai nhựa, tivi, tủ lạnh, các loại lon nước… sau đó, sẽ tiến hành phân loại, sơ chế.

Nghề thu gom phế liệu ở Xà Cầu tuy thu nhập cao, nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường luôn thường trực, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thị Thái (thôn Xà Cầu) cho biết, ô nhiễm môi trường ở Xà Cầu chủ yếu do việc đốt rác trộm. “Mỗi lần đốt rác gió thổi cả vào trong làng, mùi hôi rất khó chịu. Hơn nữa, do là nhựa nên cháy xong lại âm ỉ khói mãi không dứt”, bà Thái chia sẻ.

Sớm đưa các hộ dân vào Cụm Công nghiệp

Cuối những năm 1990, người dân thôn Xà Cầu học nghề tái chế nhựa từ làng Triều Khúc rồi áp dụng về địa phương nhưng ở quy mô nhỏ, lẻ. Đến năm 2008, hoạt động thu mua phế liệu nhựa tại làng Triều Khúc có dấu hiệu suy giảm thì tại Xà Cầu phát triển nhanh chóng cho đến nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, cho biết, trên địa bàn xã có 5 làng nghề, chủ yếu là làm tăm và làm hương. Tuy nhiên, từ hơn chục năm qua một số hộ dân tại thôn Xà Cầu đã chuyển sang nghề thu gom, phân loại phế liệu.

Theo ông Nhất, phế liệu được bà con thu mua ở khắp nơi mang về tái chế. Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp ngôi làng. Trước đây, phần rác thải các hộ thu gom tự xử lý bằng cách đốt gây ô nhiễm môi trường nên bị dân cư phản ánh. Tuy nhiên, hiện nay địa phương đã ký hợp đồng xử lý rác thải lâu dài với một công ty xử lý rác thải công nghệ cao. Ngoài ra, UBND xã cũng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ô nhiễm môi trường. Vì thế, người dân không còn đốt trộm rác nhiều như trước nữa.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/o-nhiem-tu-lang-thu-gom-phe-lieu-post1551799.tpo