Ô nhiễm không khí đe dọa tính mạng trẻ

GD&TĐ - Ô nhiễm không khí là yếu tố chính góp phần gây tử vong cho khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm. Tình trạng ô nhiễm trên gặp ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là nước đang phát triển.

Theo khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nếu các nước không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nó không chỉ đe dọa tính mạng và tương lai của hàng triệu trẻ em khác hàng ngày mà người lớn cũng sẽ là nạn nhân.

Sát thủ vô hình

Bằng mắt thường, khó có thể biết không khí một nơi nào đó trong sạch hay ô nhiễm, trừ những nơi quá nhiều khói bụi. Điều này khiến người dân và cả cơ quan chức năng ít để ý đến vấn đề ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, do không khí tồn tại song hành với đời sống con người nên dù được quan tâm hay không, chúng vẫn có tác động không nhỏ tới sức khỏe mỗi người hàng ngày, hàng giờ và ở mức độ khác nhau.

Báo cáo mới đây của UNICEF đưa ra sau khi sử dụng các ảnh chụp vệ tinh chỉ ra số lượng và nơi sinh sống của trẻ em phải tiếp xúc với không khí ngoài trời bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.

Theo đó, trên thế giới, cứ 7 trẻ em lại có gần 1 em, tức là khoảng 300 triệu trẻ em, sống ở những vùng có không khí ngoài trời ô nhiễm đến mức độc hại, cao hơn tiêu chuẩn quốc tế gấp 6 lần hoặc cao hơn nữa.

Ông Anthony Lake - Giám đốc Điều hành UNICEF - cho biết: Ô nhiễm không khí là yếu tố chính góp phần gây tử vong cho khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm.

Nó là mối đe dọa tính mạng và tương lai của hàng triệu trẻ em khác hàng ngày. Hình ảnh vệ tinh khẳng định rằng khoảng 2 tỷ trẻ em sống ở vùng có không khí ngoài trời bị ô nhiễm, do khí thải của phương tiện giao thông, nhiên liệu hóa thạch, bụi và đốt rác, vượt quá tiêu chuẩn chất lượng không khí tối thiểu.

Đông Á có số lượng trẻ em lớn nhất sống ở các khu vực bị ô nhiễm này, khoảng 620 triệu em, tiếp đến là châu Phi với 520 triệu trẻ em. Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có khoảng 450 triệu trẻ em sống trong khu vực bị ô nhiễm trên mức cho phép.

Nghiên cứu này cũng khảo sát sự ô nhiễm nặng của không khí trong nhà, thường là do sử dụng các nhiên liệu như than và củi để nấu ăn hay sưởi ấm. Điều này thường xảy ra và ảnh hưởng đến trẻ em ở các nước có thu nhập thấp và ở vùng nông thôn.

Làm sạch không khí: Cho trẻ em và cả người lớn

Trẻ em dù ở đâu cũng đều là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm. Theo ông Anthony Lake, những chất gây ô nhiễm không những làm tổn hại đến sự phát triển phổi của trẻ mà nó còn vượt qua hàng rào máu não và gây tổn thương vĩnh viễn cho sự phát triển của não bộ.

Mặt khác, so với người lớn, việc cùng sống trong môi trường nhưng hậu quả để lại với trẻ luôn nặng nề hơn bởi phổi, não, hệ miễn dịch của các em vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển và đường hô hấp của các em có thể thẩm thấu qua được.

Hơn nữa, trẻ nhỏ thở nhanh hơn người lớn. Việc hít nhiều không khí hơn so với trọng lượng cơ thể các em, nếu không khí phần lớn là bẩn sẽ để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe. Điều này giải thích tại sao có những trẻ dù được chăm sóc, dinh dưỡng tốt nhưng vẫn ốm yếu, chậm lớn…

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mới đây cũng vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí. Theo đó, các thành phố lớn ở đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội, có nồng độ bụi mịn (PM 2,5) lên tới 90 - 105 microgam và ở mức nguy hiểm. Ô nhiễm không khí bên ngoài do công nghiệp hóa, khí thải từ phương tiện giao thông, công trường.

Ngoài trời thì vậy, trong nhà, tùy theo thói quen mỗi gia đình mà chất lượng không khí cũng khác nhau. Gia đình luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ chắc chắn khác với nhà cửa bừa bộn. Nhà dùng than củi, tổ ong, than đá để đun nấu thì không khí sẽ khác.

Đã có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thói quen dùng than để nấu nướng, sưởi ấm nhưng một phần do thói quen, do giá rẻ… nên những khuyến cáo của cơ quan chức năng về tác hại loại chất đốt trên vẫn được nhiều gia đình để ngoài tai.

Rõ ràng, ô nhiễm không khí đã hiện hữu và ở nhiều nơi đã để lại hậu quả nặng nề. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận và giải quyết ra sao. Ông Anthony Lake cho rằng: Bảo vệ con em mình cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ không khí.

Do vậy, trước hết cha mẹ cần giảm tối đa sự tiếp xúc của trẻ em với nguồn gây ô nhiễm. Quản lý rác thải tốt hơn có thể giúp giảm số lượng rác bị đốt ở cộng đồng.

Sử dụng nguyên liệu sạch để nấu ăn có thể giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ, bao gồm các chiến dịch tiêm chủng và nâng cao kiến thức, cải thiện quản lý ở cộng đồng và tăng số người điều trị viêm phổi (nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi)…

Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời có liên quan trực tiếp đến viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác, là nguyên nhân gây tử vong cho 1/10 trẻ dưới 5 tuổi. Điều này cho thấy, ô nhiễm không khí trở thành một trong những nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe của trẻ em.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/o-nhiem-khong-khi-de-doa-tinh-mang-tre-2506785-b.html