Ô nhiễm giáng đòn mạnh vào du lịch Chiang Mai

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Thái Lan, đặc biệt là thành phố Chiang Mai, ngày càng tồi tệ. Đến nay, Thái Lan và các quốc gia láng giềng vẫn chưa thể thống nhất cách giải quyết.

Trong nhiều tuần qua, lớp khói dày đặc với lượng bụi mịn vượt quá giới hạn đã bao trùm thành phố Chiang Mai. Tình trạng ô nhiễm dai dẳng khiến nhiều khách du lịch "quay lưng" với thành phố được xem là điểm du lịch lớn thứ hai của Thái Lan trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Hôm 7/4, Thống đốc Chiang Mai Nirat Pongsittitavorn đã kêu gọi người dân ở trong nhà, khi đám cháy rừng tàn phá các sườn đồi gần thành phố, khiến chất lượng không khí lại giảm mạnh, AFP đưa tin.

“Sương mù ở khắp mọi nơi, bao trùm các ngôi đền, di tích và các khu chợ từng thu hút khoảng 4 triệu du khách nước ngoài vào năm 2019. (Giờ đây), nhiều khách hàng đã yêu cầu hủy kỳ nghỉ. Tình hình trở nên tồi tệ hơn mỗi năm”, Gade Grey, chủ sở hữu khách sạn Elliebum Boutique ở Chiang Mai, cho biết.

Tình trạng hủy khách sạn là một đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế miền Bắc Thái Lan, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và đang phục hồi với tốc độ chậm hơn.

Những ngọn núi chìm trong lửa

Thái Lan đổ lỗi cho các nước láng giềng - Myanmar và Lào - về tình trạng sương mù, khi cộng đồng nông dân nghèo tại hai quốc gia này đốt nương làm rẫy để chuẩn bị đất cho mùa trồng trọt.

Tuy nhiên, một số người chỉ ra rằng đó là vấn đề trong nước, vì nông dân địa phương cũng đốt ruộng trồng ngô. Chính phủ Thái Lan cũng chưa thể ban hành các quy định cứng rắn về chất lượng không khí.

Giới chức Thái Lan cho biết trong năm nay, hơn 2 triệu người dân nước này phải nhập viện vì các vấn đề hô hấp và mức độ bụi mịn PM 2.5 tồi tệ bậc nhất trên thế giới. Hôm 1/4, Chiang Mai ghi nhận chỉ số chất lượng Không khí (AQI) là 306, trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

 Chất lượng không khí ở Chiang Mai một ngày hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Chất lượng không khí ở Chiang Mai một ngày hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Song Chiang Mai cũng không đơn độc. Các trung tâm du lịch khác tại Thái Lan như Chiang Rai và Chiang Pai đều ghi nhận nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở mức nguy hiểm trong những tuần gần đây.

“(Chúng tôi) không biết khi nào tình trạng này sẽ chấm dứt. Chính quyền cũng không có dấu hiệu hỗ trợ. Những cơn mưa sẽ đến trước cuối tháng (4) và khi đó, tất cả điều này sẽ bị lãng quên. Cần phải duy trì áp lực để ngăn chặn nó tái diễn vào năm tới”, John Roberts, người điều hành một khu bảo tồn voi ở Chiang Rai, cho biết.

Nhiều du khách cũng đã hủy chuyến đi đến Mae Rim - một địa điểm du lịch nổi tiếng bên ngoài Chiang Mai.

“Trong tuần qua, vì chất lượng không khí quá tệ, nhiều người đã hủy kỳ nghỉ. Chúng tôi không thể làm gì cả”, Surin Nateepraiwan, một trưởng làng ở Mae Rim, nói với This Week in Asia.

Mỗi năm, hoạt động đốt rác nông nghiệp theo mùa lại khiến giới chức Thái Lan đau đầu. Vào cuối tháng 1, chính quyền tỉnh Chiang Rai đã ban hành lệnh cấm đốt rác nông nghiệp và rừng trong khoảng thời gian 15/2-15/4.

Các cá nhân vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 30 năm và khoản tiền phạt tới 3 triệu baht (tương đương 88.000 USD). Tuy nhiên, lệnh cấm này dường như không thể ngăn người dân đốt nương rẫy mà còn thúc đẩy họ làm sớm hơn. Đến ngày 15/2, những ngọn núi đã chìm trong biển lửa.

Vấn đề sinh kế

Khói bụi cũng tràn sang biên giới phía Bắc Thái Lan từ các nước láng giềng. Và cho đến nay, những nước này vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để do sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư tại đây phụ thuộc vào hoạt động nông nghiệp.

“Đây là vấn đề rất phức tạp với chính phủ, liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân. Tuy nhiên, chúng ta cần thực thi pháp luật và đầu tư vào các phương pháp nông nghiệp bền vững hơn”, bà Valy Phommachak, đồng sáng lập trang tin tức Econews Laos, cho biết.

 Một ngọn núi trong Công viên quốc gia Khao Laem ở Nakhon Nayok, Thái Lan, chìm trong biển lửa vào đêm 29/3. Ảnh: Reuters.

Một ngọn núi trong Công viên quốc gia Khao Laem ở Nakhon Nayok, Thái Lan, chìm trong biển lửa vào đêm 29/3. Ảnh: Reuters.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân các vụ cháy rừng trên khắp Đông Nam Á tương tự nhau, chỉ khác ở mức độ tài chính, khả năng quản lý rừng và thực thi pháp luật.

Trừ khi những vấn đề cơ bản này được giải quyết, tình trạng sương mù sẽ quay trở lại vào mỗi mùa khô, Paruedee Nguitragool, chuyên gia tại Đại học Chiang Mai, nhận định.

“Các phương tiện truyền thông thường tập trung vào đám cháy trên đất nông nghiệp, nhưng phần lớn điểm nóng ở miền Bắc Thái Lan nằm trong rừng và các khu bảo tồn”, ông Nguitragool nói thêm.

Trong khi đó, các giải pháp pháp lý bị đình trệ. Dự luật Không khí Sạch - nhằm thiết lập các hình phạt nghiêm khắc và nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn - được thảo luận lần cuối tại Quốc hội Thái Lan vào năm 2021.

Cuộc khủng hoảng ô nhiễm cũng đang diễn ra ở khía cạnh chính trị. Đến ngày 3/4, lãnh đạo các chính đảng ở Thái Lan đã tham gia tranh luận trên truyền hình trước cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5, trong đó ô nhiễm không khí là một trong những chủ đề quyết liệt nhất.

Một số chính trị gia khen ngợi phản ứng của chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-o-Cha, bao gồm việc phun nước để làm giảm nồng độ bụi mịn PM 2.5. Trong khi đó, ứng viên đối thủ Paethongtarn Shinawatra, con gái của tỷ phú Thaksin, đã công kích cách làm này.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-nhiem-giang-don-manh-vao-du-lich-chiang-mai-post1420473.html