Ở hai đầu trận thắng

Khi tham gia viết tác phẩm tuyên truyền cho dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đi tác nghiệp ở hai địa bàn chính là ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và tỉnh Điện Biên, vì lẽ một nơi là đại bản doanh tối cao ra những quyết định lịch sử và nơi là chiến trường làm nên lịch sử…

Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40km. Ảnh: NDĐT

Tướng Pháp Racul Salan trong hồi ký của mình viết: “Cả một dân tộc đã đứng sau người lãnh đạo của mình, cả một bộ máy đã theo người lãnh đạo đến một vùng rất khó xâm nhập vì rất nhiều hang đá, rừng rậm phủ kín tất cả. Trên nền tảng của sắc tộc ít người, dân vùng này đã trải qua những năm tháng dưới chế độ vững chắc của Việt Minh. Giờ đây, chính nơi này tướng Giáp xây dựng bộ đội của mình để chống lại quân Pháp”…

Một tháng sau khi đặt chân tới ATK, trong lời kêu gọi nhân nửa năm kháng chiến toàn quốc, Bác khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhất định thắng lợi vì chúng ta là chính nghĩa, vì đồng bào ta đại đoàn kết; vì tướng sĩ ta dũng cảm; vì chiến lược ta đúng; vì ta nhiều bầu bạn…".

Cũng thời gian này, hàng loạt bài viết của Tổng Bí thư Trường Chinh đăng báo Sự Thật, chỉ ra phương hướng hành động cho toàn dân, toàn quân kháng chiến… Tác giả Trần Trọng Trung khi phân tích về hoạt động ở Tổng hành dinh Định Hóa cũng chỉ ra: Riêng về mặt quân sự, việc đặt ở Định Hóa 2 cơ quan điều hành lực lượng vũ trang là Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy bên cạnh Trung ương cũng cho thấy sức mạnh ở đầu hậu phương và những quyết định quân sự sống còn. Từ ATK Thái Nguyên, hàng loạt quyết định lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam đã ra đời. Từ các binh đoàn chủ lực như: Đại đoàn 308 - Quân tiên phong (thị trấn Đu - huyện Phú Lương); Trung đoàn 174; Trung đoàn Sông Lô; Trung đoàn Pháo phòng không 367... được thành lập.

Những quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội đều ra đời trong thời gian các cơ quan lãnh đạo cao nhất có mặt ở Định Hóa: Ngày 6/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL, đặt 3 loại huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc người nước ngoài có công với nước Việt Nam; ngày 20/1/1948, Người ký 6 sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng 11 quân hàm cấp tướng khác.

Cũng tại ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã đưa ra các quyết định mở những chiến dịch lớn trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp như: Chiến dịch Biên Giới năm 1950; Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954. Và dấu ấn đặc biệt quan trọng là ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, Bác chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954.

Cánh đồng xã Đồng Thịnh, ATK Định Hóa, nơi cuối tháng 11-1953 quân ta tổ chức tập thực binh tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ.

Ngày 1/1/1954, cũng tại Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán Khuôn Tát chào Bác để ra chiến trường, Bác dặn, đại ý: “Tướng quân tại ngoại, chú hoàn toàn quyết định, trận này lớn lắm, chắc thắng mới đánh”. Những cuộc chuyển quân, mệnh lệnh tác chiến, những đợt huy động sức người, sức của… từ đây phát ra. Nhà thơ Tố Hữu viết:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”.

Như vậy, Thái Nguyên chính là nơi khởi nguồn của Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp với sự giúp đỡ, can thiệp của Mỹ…

***

Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Dương.

Ngày 20/11/1953, Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 tên. Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm hợp thành 3 phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương cùng nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Pháp và Mỹ…

Ngày 6/12/1953, tại Lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và quyết định tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Công việc chuẩn bị cho Chiến dịch được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1953, trong đó có cả trận đánh thực binh tại cánh đồng xã Đồng Thịnh.

Từ Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".

Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận. Chính phủ quyết định tổ chức Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch và Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch (Him Lam và Độc Lập), sau đó làm tan rã thêm một tiểu đoàn địch và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo…

Ngày 1/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Quân ta lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía Đông và phía Tây, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch. Ngày 7/5/1954, bộ đội tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng De Castries và toàn bộ Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá, 16 trung tá và đại tá, 1 thiếu tướng. Ta thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa.

70 năm trôi qua, lịch sử khắc ghi chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, chiến thắng của khát vọng độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Người Việt Bắc, Thái Nguyên tự hào được đóng góp sức người, sức của cho chiến thắng. Lời Bác dạy ngay từ những ngày đầu trở lại chiến khu: “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành thì kháng chiến cũng do Việt Bắc mà thắng lợi” thật mầu nhiệm.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/202404/o-hai-dau-tran-thang-67110bd/