O ép, vòi tiền cả những hũ tro cốt hồi hương trên 'Chuyến bay giải cứu'

Chiều 20/7, tự bào chữa tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'chuyến bay giải cứu', bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife) trình bày những ấm ức đã trải qua trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa được cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022 đã đưa hối lộ 20 lần, tổng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo Xa bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 4 - 5 năm tù.

Bào chữa tại tòa, bị cáo Xa cho biết, trong hai chuyến bay đầu tiên, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao gửi công văn tới các bộ thì 3 bộ đồng ý, 1 bộ chưa đồng ý nên bị cáo rất lo lắng. Bị cáo gọi điện cho Phòng Bảo hộ công dân, thuộc Cục Lãnh sự thì được trả lời có một chút vướng mắc.

“Bị cáo thực sự rất run, bởi vì bị cáo như chim ngã sợ cành cong, bị cáo rất sợ không được cấp phép bay vì bị cáo không còn nhà để bán nữa. Khi bị cáo đến nơi chưa đồng ý hỏi thì cán bộ ở cục nói, doanh nghiệp của em bị từ chối vì sếp không biết doanh nghiệp em là ai”, bị cáo Xa trình bày.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa (đứng) tại phiên tòa.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa (đứng) tại phiên tòa.

Theo bị cáo Xa, khi cán bộ đưa ra lý do như vậy, trong lòng bị cáo rất ấm ức. Bị cáo cảm thấy mình đang làm những điều rất tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà tại sao mình lại bị từ chối cấp phép chuyến bay bởi vì lý do cá nhân. Khi đó, vì không có sự lựa chọn khác nên bị cáo đã phải xoay tiền để đáp ứng yêu cầu thì mới được ý kiến đồng thuận.

“Đáng lẽ lúc đó, Cục Lãnh sự phải giải quyết vướng mắc chứ không phải bị cáo tới đó giải quyết. Bị cáo thực sự rất giận Cục Lãnh sự, bởi đó là cơ quan chủ trì, sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó”, bị cáo Xa giãi bày.

Cũng theo bị cáo Xa thì đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo khi đưa tiền cho các cán bộ trong vô thức. Bị cáo không ý thức được về điều đó, nhưng lần đầu tiên bị cáo đã bị ép phải đưa tiền rồi thì lần sau cứ thế phải đưa thôi, như thông lệ”, bị cáo Mai Xa bức xúc.

Bị cáo Xa trình bày, trên những chuyến bay do công ty của bị cáo tổ chức, có chuyến bay 240 chỗ, trong đó có khoảng 10 hũ tro cốt được mang về. Khi bị từ chối cấp phép cho công ty, bị cáo hỏi lý do thì phía Cục Lãnh sự cho biết: “Bên đó nói chưa có sự cấp thiết”.

“Trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết? Những hũ tro cốt, những người chết vì tai nạn và dịch bệnh mà không được đưa về nước thì có thực sự cấp thiết hay không? Tại sao bị cáo làm những việc rất có ý nghĩa, giúp đồng bào mà lại bị gây khó khăn như vậy?”, bị cáo Xa giãi bày.

Trước khi dừng lời, bị cáo Xa mong đại diện Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét, đồng cảm với bị cáo cùng với các bị cáo khác là doanh nghiệp liên quan đến vụ án này và có cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội không?

Với những lời bào chữa trên, cuối cùng, bị cáo Xa mong Hội đồng xét xử cân nhắc cho bị cáo được hưởng một bản án khoan hồng của pháp luật.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/o-ep-voi-tien-ca-nhung-hu-tro-cot-hoi-huong-tren-chuyen-bay-giai-cuu-i701015/