Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng

Những ngày thơ ấu

Ảnh minh họa.

Khi đôi chân bé xíu muốn đứng lên khám phá xung quanh, mẹ đứng từ xa cổ vũ con chập chững từng bước. Chậm chạp. Bổ nhào. Con òa khóc hu hu. Mẹ mỉm cười an ủi. Thế giới của con khi đó muôn hình vạn trạng, đa sắc màu nhưng chỉ gói gọn trong hơi ấm tình yêu của mẹ. Chiếc ô tô đồ chơi con phá rời rạc, từng mảnh lăn lóc khắp nhà. Mẹ lặng lẽ thu dọn khi con đã yên giấc. Bức tranh vụng về con vẽ có ba mẹ, có con và anh hai. Những hình người không rõ, cao lênh khênh như chiếc que trông ngộ nghĩnh, khôi hài. Mẹ tô màu cùng con. Con tô mái tóc màu xanh, đôi chân không đi giày. Mẹ nhìn con xoa đầu “Con mẹ vẽ đẹp quá”.

Năm tháng trôi đi

Bé con hôm nào giờ là cậu nhóc lớp một, đường hoàng trong bộ quần xanh áo trắng. Trường tiểu học gần nhà, mẹ dắt con đi học. Thầy giáo với mái tóc bạc đứng ngay trước cửa lớp, nở nụ cười hiền lành đón chào con đến với một thế giới khác. Ở đó, không có ba mẹ. Ở đó, không có hũ bi ve và con robot chạy pin. Ở đó chỉ có sách vở, bút viết và những người bạn đồng trang lứa. Mẹ ơi, thằng Tom xóm bên cạnh học chung lớp với con. Mẹ ơi, cái Lan con bác Chu ngồi bàn phía trước con. Rồi con quen trường lớp, những buổi ra về chiếc áo thấm đẫm mồ hôi sau trò đuổi bắt. Bài kiểm tra điểm mười, con hí hửng khoe ba mẹ không quên vòi vĩnh đi công viên ăn kem, mua cuốn truyện tranh mới. Những hôm con buồn, mặt ỉu xìu trông đến tội nghiệp. Mẹ biết con điểm kém và an ủi động viên. Con bảo “Thằng Quang còi nhìn bài con mà nó điểm cao hơn đó mẹ” rồi tức tưởi trốn vào phòng, bỏ bữa cơm trưa có món trứng cuộn con thích. Anh hai bảo mẹ “Cứ để nó khóc, mẹ đừng vào. Con trai con đứa gì mà mít ướt như con gái”. Con im lặng. Những suy nghĩ non nớt, những mảnh ghép vô hình, con chẳng hiểu được điều gì ngoài nỗi buồn nhanh chóng qua mau.

Rồi tuổi ô mai đến. Con ẩm ương, hay cáu gắt vì những điều nhỏ nhặt. Bố mẹ thi thoảng cãi nhau, bất đồng quan điểm. Con thu mình vào chiếc tai nghe Ipod, sống với cảm xúc vỡ òa bất chợt trong giai điệu ngọt ngào. Cô bạn thân cùng lớp, hôm nào cũng sang chơi nhà mình. Anh hai trêu ghẹo con, bảo mới tí tuổi đã yêu đương nhăng nhít. Con không buồn nói lại, đạp xe tới lớp học thêm. Năm thi chuyển cấp, đêm nào con cũng thức khuya ôn bài đến hai, ba giờ sáng. Mẹ không ngủ được, nằm trằn trọc trong màn rồi trở dậy nấu mì tôm. Bát mì nóng hổi, mùi hành phi thơm phức tiếp sức cho con trên từng trang vở. Cuối tháng, con xin mẹ tiền đóng học phí lớp ôn thi. Mấy tờ giấy bạc xanh xanh hằn lên mùi mồ hôi quen thuộc. Con vô tình nghe được khi mẹ nói với ba, năm ấy làm ăn thất bát, anh hai đi học xa nhà mỗi tháng tốn gần chục triệu. Con không nói năng gì. Từ hôm ấy, chỉ biết miệt mài ôn luyện.

Giấy báo đậu đại học

Bác đưa thư đứng ngay trước cửa nhà. Bưu phẩm gửi cho con. Ba đọc tin mừng cười to sảng khoái “Thằng này thế mà khá”. Mẹ chợt khóc. Nước mắt lặng lẽ nhưng hạnh phúc khi đứa con út đậu trường đại học gần nhà. Con chọn thi sư phạm. Con nói với ba mẹ rằng nghề giáo là ước mơ từ hồi bé. Nhưng sự thật là con không muốn tốn thêm tiền của khiến ba mẹ trằn trọc nghĩ suy, lo lắng vì con thêm một lần nào nữa. Bốn năm ở giảng đường, con vừa học vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Gia sư, phục vụ bàn, phát tờ rơi cho đến pha chế cà phê con đều từng trải. Cuộc đời con dần tách ra khỏi tầm nhìn và vòng tay âu yếm của ba mẹ. Những đêm muộn, con trở về nhà khi ba mẹ đã ngủ từ lâu. Một mình con với nỗi ấm ức, khó chịu từ sự độc đoán, ép người quá đáng của lão chủ nơi quán cà phê. Con thiếp đi trong chốc lát, không hay biết rằng bóng mẹ từ khe cửa nhìn vào. Sợi tóc bạc phất phơ, nét buồn bã trong đôi mắt khi nhìn tấm lưng quen thuộc của con trai đang ngủ.

Tháng này chậm lương

Email cụt ngủn của sếp khiến toàn thể nhân viên lắc đầu chán nản, ca trực tối phút chốc trở nên nặng nề, mệt mỏi lạ thường. Bao nhiêu năm phấn đấu, con không đạt được địa vị như người ta. Một nhân viên văn phòng tầm thường sáng đi chiều về, ngày làm tám tiếng như một con robot mà chẳng tích lũy được đồng nào. Chiếc xe máy mua từ thời mới ra trường đến bây giờ đã tám năm, tuần trước con dắt ra tiệm thay nhớt. Ông thợ sửa xe bảo nên mua xe mới, con Sirius này hư hại nặng lắm rồi, cố sửa cũng chỉ cầm cự được mấy bữa. Con gật đầu cười trừ. Bạn bè ai cũng lập gia đình, làm ông này bà kia. Thằng Tom học chung tiểu học giờ là Giám đốc công ty xuất nhập khẩu bánh kẹo có tiếng ở Đà Nẵng. Những bữa cơm hàng cháo chợ, con đã quen từ rất lâu. Bát canh nhạt thếch, nổi bọt dầu mỡ không được như món canh cá mẹ vẫn nấu hồi ấy. Đậm đà, thanh vị măng chua và ngọt bùi của cá béo.

Mùa Đông, gió bấc thổi vù qua trước mái hiên phòng trọ. Con đặt vé tàu hỏa về thăm nhà. Mẹ đứng chờ ở ngõ, đôi vai gầy guộc rung lên trong niềm hạnh phúc đoàn viên. Con nhìn mẹ hồi lâu, lòng mơ hồ nghĩ suy về những ngày thơ bé. Bao nhiêu nếp nhăn trên gương mặt của mẹ là bấy nhiêu âu lo suốt những năm tháng con xa nhà lập nghiệp. Con thương mẹ vô chừng. Mẹ hỏi chuyện làm ăn, con kể hết nỗi lòng. Gã đàn ông trước mặt mẹ vẫn là thằng bé con năm nào, ngốc nghếch và đáng thương. Mẹ ôm con, tựa đầu vào vai mẹ, nơi hơi ấm vẫn vẹn nguyên qua bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn, bao nhiêu giông tố thời cuộc. Mẹ xoa đầu rồi bảo con không sao. Đời người mây trôi nước chảy, hư vinh lợi danh phút chốc cũng cuốn theo thời gian vô tình. Quan trọng là làm người không thẹn với trời đất, với lòng mình. Cuộc đời luôn công bằng, không lấy hết của ai cũng chẳng cho không ai thứ gì. Luôn tâm niệm nỗ lực và cố gắng hết mình, vậy là được con nhé.

Mẹ xoa đầu con, mái tóc rối bám đầy bụi đường. Và, ô kìa, dưới góc tủ, con robot chạy pin ngày xưa lặng lẽ nằm đó.

Kì Phong (Theo Văn học trẻ)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/o-ben-me-bao-giong-hoa-nang-vang/205757.htm