Ồ ạt làm nhà, chuyển nhượng trên đất lúa!

Cách trụ sở UBND phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn) vài trăm mét, 17 căn nhà (con số còn được tiếp tục thống kê) xây cất, chuyển nhượng trên đất nông nghiệp mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Hàng chục gia đình nghèo khó đối mặt với cận cảnh trắng tay bởi cả tin mua nhà trái phép.

Khu nhà của ông Nguyễn Kim Đào.

“Gần phường đâu có sao...”

Phía đối diện, cạnh UBND phường Nhơn Bình là con đường dẫn ra tổ 10, khu vực 2. Qua khúc cua ngắn, trước mặt là cánh đồng nham nhở. Người thanh niên đi xe máy chầm chậm bám sát chúng tôi, dò xét, canh chừng. Tới cổng khu nhà mới tinh, hỏi có mua bán, giao dịch chi không, anh ta chối phắt, rồi bày vẽ: “Đi thêm đoạn nữa, rẽ phải”. Kỳ thực, vị trí chúng tôi đứng chính là nơi có 4 ngôi nhà trái phép của một cá nhân tên Phạm Văn Thành.

Sang nhánh đường liền kề, là một khu khác, do ông Nguyễn Kim Đào (4 Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, Quy Nhơn) làm chủ đầu tư. 6 ngôi nhà, 7 lô đất nay đã được bán hết. Bên mua, có người từ huyện khác dạt về, có người là dân địa phương ra riêng, tách hộ. Tất cả đều sống nghèo khó, bấp bênh - lý do khiến họ “nhắm mắt đưa chân”, đặt cược rủi may vào một căn “giá rẻ” ở ngoại vi thành phố. “Hễ thấy người lạ xuất hiện là hồn vía lên mây. Nghe nói cả khu rồi sẽ bị đập phá, tôi hoang mang mất ăn, mất ngủ bữa giờ”, Nguyễn Văn Dũng, người đàn ông có khuôn mặt buồn bã, giãi bày khi chúng tôi ghé thăm. Nhà Dũng có 4 người, chồng sửa chữa điện nước lặt vặt, vợ chạy chợ bán rau, bán cá trên Diêu Trì. Ngày 3.11.2015, anh ký hợp đồng mua căn nhà 60m2 với vợ chồng Nguyễn Kim Sơn (thân nhân ông Nguyễn Kim Đào), giá 210 triệu đồng. “Ông Sơn trấn an, không sao đâu, thiên hạ ở được, mình ở được. Tôi nghĩ, UBND phường sừng sững sát bên, máy móc, xe cộ vận chuyển, san lấp ầm ầm mà có hề hấn gì đâu? Ở đây, chắc sẽ ổn thôi”, anh Dũng kể về lựa chọn ngặt nghèo của gia đình nhỏ. Để đủ tiền “chồng” cho chủ đầu tư, Dũng vay ngân hàng 50 triệu, trả lãi hơn 400.000 đồng/ tháng; còn lại mượn từ anh em, họ hàng. Người cô ruột mua gian bên còn khốn đốn, bởi nghe đứa cháu rủ rê, bởi hoàn cảnh neo đơn, tàn tật. “Phong thanh thông tin cưỡng chế, tôi gọi điện hỏi, ông Sơn khuyên làm đơn gửi ông can thiệp. Tôi gửi đơn đi song sau đó là ... in lặng”, giọng chủ nhà nghẹn ngào, như khóc.

Tân Chủ tịch phường Nhơn Bình Trần Ngọc Hiền thừa nhận “công tác quản lý không sát thực tế”: “Sai phạm được phát hiện hồi cuối năm 2015. Lúc đó, có căn đã xây xong, có căn sắp hoàn thiện, có căn còn dang dở. Tôi bấy giờ chỉ là phó chủ tịch phụ trách văn xã, nhiều việc mình không có quyền nắm”.

Hỗ trợ điện nước và... cưỡng chế chùn tay

Ông Hiền đưa ra con số hơn 100 căn nhà trái phép “chờ phân loại, xử lý, bao gồm biện pháp đập bỏ, tháo dỡ”. Theo tài liệu P.V tiếp cận, từ tháng 12.2015 - 6.2016, chỉ riêng khu vực 2 - 3, đã có 10 trường hợp sai phạm, xóa sổ gần 2.400m2 đất, chủ yếu là đất nông nghiệp. Một số cá nhân chủ chốt ở Nhơn Bình và cả cơ quan quản lý đô thị TP. Quy Nhơn không thể vô can hoặc thoái thác trách nhiệm dưới “tấm khiên” hạn chế năng lực. Ngày 22.12.2015, anh Nguyễn Văn Dũng làm “giấy đề nghị mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt” cho nơi ở mới. Hai hôm sau, tờ giấy đã có chữ ký công an và (nguyên) Chủ tịch phường Trần Duy Thứ, gián tiếp xác nhận tình trạng cư trú hợp pháp của công dân. Tương tự là những lá đơn hàng xóm anh Dũng. Cũng ông Thứ, cuối tháng 12.2015, dựa vào biên bản làm việc của bộ phận chuyên môn, đã liên tiếp ký nhiều quyết định đình chỉ, cưỡng chế tháo dỡ nhóm công trình do ông Nguyễn Kim Đào, Phạm Văn Thành... làm chủ. Đến nay, ý định cưỡng chế chỉ tồn tại bằng giấy mực, trong khi những ngôi nhà đang xây hoặc sắp hoàn thiện thì đã kịp mua bán trao tay!

Sự thiếu dứt khoát của TP. Quy Nhơn cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Ngày 6.5, Sở Xây dựng Bình Định có văn bản số 474/SXD-Ttra đề nghị Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn chỉ đạo cưỡng chế 17 căn nhà xây dựng không giấy phép của 2 ông Thành, Đào. Ngày 11.5, nhiệm vụ được giao xuống UBND Nhơn Bình và Đội trật tự đô thị. Vẫn như cũ, đối tượng sai phạm án binh bất động, còn Nhơn Bình thì tiếp tục kéo dài “điệp khúc” trù trừ. Ngày 6.7, câu chuyện được Sở Xây dựng “xới” lại. Lần này, Giám đốc sở, ông Đào Quý Tiêu, chọn cách gia tăng áp lực với văn bản 833/SXD-Ttra gửi lên UBND tỉnh Bình Định, đề nghị hối thúc Quy Nhơn sớm khép lại vụ việc “theo đúng quy định của pháp luật”. Điều gì khiến lãnh đạo Quy Nhơn và phường Nhơn Bình phải trì hoãn, nương tay?

Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam: “Không quyết liệt, sẽ có nhiều đồng chí “dính”

Đây là trường hợp phạm pháp rất nặng, trước hết có trách nhiệm UBND phường. Thành phố nhiều lần chỉ đạo xử lý từ đầu, lại để bây giờ xây thành nhà bán. Hiện nay các cấp, ngành đã vào cuộc. Nếu Nhơn Bình không làm đến nơi đến chốn, sẽ có khối đồng chí ra tòa. Tư nhân thay mặt nhà nước làm tờ khai, tự ý lấy hơn nghìn mét vuông đất ruộng, nâng nền, xây nhà bán như chơi. Quản lý đất đai có cả một bộ sậu dưới đó mà sai phạm la liệt, giờ mới đi kiểm tra. Trách nhiệm phường đến đâu, trách nhiệm của đội trật tự đô thị đến đâu... Nếu không chỉ đạo quyết liệt, sẽ có nhiều đống chí bị “dính”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dieu-tra-theo-thu-ban-doc/o-at-lam-nha-chuyen-nhuong-tren-dat-lua-576898.bld