Nuôi trồng thủy sản an toàn trong mùa mưa lũ

Quỳnh Nhai là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Để hạn chế các thiệt hại về kinh tế, huyện Quỳnh Nhai đang tích cực hỗ trợ, vận động các HTX, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Khai thác lợi thế về mặt nước, xã Chiềng Bằng hiện có 14 HTX thủy sản đang nuôi 3.200 lồng cá các loại, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ước đạt 300 tấn/năm. Hiệu quả từ nuôi cá lồng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 1,98%. Những năm gần đây, rút kinh nghiệm trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các HTX, hộ nuôi cá lồng đã chủ động các biện pháp phòng, chống lũ bão, hạn chế được những thiệt hại.

Thành viên HTX thủy sản Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) chăm sóc đàn cá.

Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Bằng, thông tin: Đảm bảo an toàn cho lồng cá, Ban Giám đốc HTX đã chỉ đạo các thành viên thường xuyên kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi, đầu tư thêm thùng phao nổi, thay mới lưới cũ, rách, di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh mưa to, gió lớn làm vỡ lồng, trôi lồng. Chủ động bổ sung các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ, đảm bảo môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Ngay đầu mùa mưa lũ, anh Lò Văn La, bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn đã tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo an toàn cho 30 lồng cá của gia đình. Anh chia sẻ: Chủ động trong các khâu kiểm tra, gia cố và vệ sinh lồng bè; dự trữ nguồn thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; mua máy bơm nước, máy tạo ô xy, không xuống giống lứa cá mới, nên mùa mưa lũ, đàn cá của gia đình tôi không bị ảnh hưởng. Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 nên lượng tiêu thụ cá giảm, hiện gia đình vẫn còn khoảng 15 tấn cá đến kỳ xuất nhưng chưa bán được.

Với lợi thế hơn 10.500 ha mặt nước, là điều kiện thuận lợi cho huyện Quỳnh Nhai phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đến nay, huyện đã có 47 HTX thủy sản với 6.000 lồng cá các loại; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt từ đầu năm đến nay đạt hơn 885 tấn. Những trận mưa lũ đầu mùa vừa qua, trên địa bàn huyện có 27 lồng cá bị thiệt hại với sản lượng gần 5 tấn cá.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo Tổ tư vấn thủy sản của huyện trực tiếp về cơ sở tuyên truyền, tư vấn các HTX, người dân phương pháp chăm sóc, bảo vệ các lồng cá; thông báo kịp thời tình hình mưa lũ; vận động người dân đầu tư lồng cá bằng hệ thống khung thép chắc chắn. Đến thời điểm này, đa số diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn được bà con triển khai các biện pháp bảo vệ kịp thời. Mặt khác, huyện tập trung tăng cường quảng bá, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của huyện còn hướng dẫn các HTX, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động theo dõi mực nước, màu nước, hoạt động của cá, vệ sinh lồng bè sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước, treo túi vôi trước dòng chảy hoặc khu vực cho cá ăn để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Chủ động dự phòng các loại vật tư, nguyên liệu, máy phát điện dự phòng khi mất điện để chạy máy bơm, máy sục khí, đảm bảo sản xuất không bị ngừng trệ. Đặc biệt, khi trời mưa to, gió lớn tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè, tàu thuyền trên sông.

Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể, phù hợp của huyện Quỳnh Nhai và các HTX, các hộ nuôi cá sẽ đảm bảo an toàn tốt nhất cho các lồng cá, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, góp phần đưa nghề nuôi thủy sản trên địa bàn huyện phát triển bền vững.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nuoi-trong-thuy-san-an-toan-trong-mua-mua-lu-41615