Nuôi trai lấy ngọc mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng

Là mô hình nuôi trai lấy ngọc đầu tiên ở thành phố Hà Tĩnh, sau gần 5 năm triển khai đã có những bước tiến thành công. Mỗi năm trang trại này bán ra hàng ngàn viên ngọc, thu về hàng trăm triệu đồng.

5 năm trước, ông Trần Nhật Duật cùng con gái Trần Thị Ánh (37 tuổi, trú tại xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh) thuê và cải tạo 5ha đất ruộng ở thôn Liên Công, xã Đồng Môn để xây dựng trang trại nuôi trai lấy ngọc. Chị Ánh cho biết, trong năm đầu tiên đã thả nuôi 10.000 con trai tại hồ để nuôi thử nghiệm.

Hồ nuôi trai lấy ngọc đầu tiên tại thành phố Hà Tĩnh.

Nhưng thời điểm này chưa có kinh nghiệm nên trai trong ao bị chết hàng loạt. Xác định phải trau dồi thêm kinh nghiệm để phát triển kinh tế theo hướng lâu dài, chị Ánh cùng ông Duật đã học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình và tham vấn ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước tìm ra giải pháp. Cũng từ đó, mô hình nuôi trai lấy ngọc phát triển tốt, cho ra những sản phẩm đạt chất lượng.

“Hiện nay thị trường ngọc trai còn rất hạn chế, mà số lượng khách mua cao nên tôi cùng người bố đã xây dựng và triển khai mô hình này. Dù là mô hình đầu tiên ở thành phố Hà Tĩnh nhưng đến nay cơ sở đều phát triển thuận lợi”, chị Ánh cho biết.

Chị Trần Thị Ánh cùng người bố đã triển khai mô hình nuôi trai lấy ngọc và đạt được kết quả tốt.

Chủ trang trại chia sẻ, để tạo nên một viên ngọc đẹp cần rất nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt phải trải qua nhiều công đoạn từ lúc chọn con giống để cấy ghép mô tế bào. Ban đầu sẽ đưa những con trai sống khỏe mạnh để ghép mô tế bào và nhân ngọc.

Mỗi con trai sẽ lần lượt được cấy 4 viên nhân ngọc thô và 4 tế bào. Sau đó sẽ được thả nuôi tại hồ tạo ngọc. Việc cấy ghép mô tế bào phải làm tỷ mỉ, có kỹ thuật. Đây là công đoạn quan trọng nhất để tạo ra viên ngọc đẹp.

Trai sau khi được cấy ghép sẽ thả nuôi tại hồ khoảng 24 tháng mới cho thu hoạch.

Chị Ánh cho biết, khi ngọc thô được cấy ghép vào tế bào, toàn bộ trai sẽ được cho vào bể xi măng để nuôi. Quá trình này diễn ra 15-30 ngày, mục đích để tế bào và nhân gắn kết thành một khối. Và sau thời gian trên, trai sẽ được bọc thả nuôi tại hồ.

“Cấy ghép là công đoạn cực quan trọng trong nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Thành công hay không, ngọc có đạt chất lượng hay không là ở công đoạn này. Ghép ngọc chủ yếu làm vào mùa Xuân hoặc mùa Thu”, chị Ánh nói.

Kỹ thuật viên đang cấy ghép mô tế bào.

Kỹ thuật viên bóc tách, dùng kéo chuyên dụng cắt hai dải mô của con trai để ghép ngọc thô.

Theo chị Ánh, nếu trai được nuôi trong điều kiện tốt, mỗi một tháng nó sẽ tự tiết ra chất xà cừ (hấp thụ từ khoáng chất và ánh nắng mặt trời chuyển hóa thành), bao bọc một lớp viên ngọc nhân tạo. Sau 24 tháng, con trai đạt được 24 lớp phủ, lúc này mới đủ điều kiện thu hoạch. Từ viên ngọc nhân tạo 0.6cm sẽ lớn thành 0.8-1cm.

Trai được thả nuôi tại hồ tạo ngọc.

Khi tách trai lấy ngọc, sẽ được gửi đến các công ty vàng bạc đá quý trong khoảng một tuần để kiểm định, phân loại ngọc trai. Ngọc trai được bán với giá từ 300 nghìn đồng -1 triệu đồng/viên, đặc biệt có những viên to, đẹp có thể lên đến 10 triệu đồng.

Sau 4 năm tìm hiểu, học hỏi, hiện nay mô hình nuôi trai lấy ngọc đã có những thành công bước đầu. Mỗi năm cơ sở này bán ra thị trường hàng nghìn viên ngọc có chất lượng, thu về hàng trăm triệu đồng.

Khi ngọc thô được cấy ghép vào tế bào, toàn bộ trai sẽ được cho vào bể xi măng để nuôi.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nuoi-trai-lay-ngoc-moi-nam-thu-hang-tram-trieu-dong-post1592863.tpo