Nuôi thủy sản qua thời lợi nhuận khủng

Từ đầu năm đến nay, người nuôi cá nước ngọt tại Đồng Nai chỉ đạt lợi nhuận ở mức thấp, thậm chí hòa vốn. Nguyên nhân là do sức mua trên thị trường không bằng mọi năm.

Bà Đồng Thị Hường (hộ nuôi cá ở xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) né vụ thu hoạch cá vào dịp Tết Nguyên đán 2024 vì lo dội chợ. Ảnh: B.Nguyên

Theo đó, vụ thả nuôi cá Tết Nguyên đán 2024, nhiều hộ nuôi thủy sản nước ngọt ở Đồng Nai không chỉ giảm sản lượng con giống, mà còn giãn vụ so với mọi năm để né vụ thu hoạch Tết, nhằm hạn chế rủi ro về đầu ra.

* Thấp thỏm thị trường đầu ra

Theo nhiều hộ nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại cá nước ngọt như: cá chép, cá lóc, cá rô, cá diêu hồng... thường ở mức dưới 40 ngàn đồng/kg. Có thời điểm giá các loại cá này dưới giá thành sản xuất nên người nuôi cá đạt lợi nhuận thấp, thậm chí nhiều thời điểm thua lỗ.

Giai đoạn giao mùa vào khoảng tháng 5 hàng năm, các hộ nuôi cá bè tại TP.Biên Hòa và hồ Trị An thường tập trung thu hoạch cá để hạn chế rủi ro cá chết. Tuy nhiên, thời điểm giao mùa trong năm 2023, khu vực nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) đã xảy ra hiện tượng cá chết, nhiều bè cá đến thời điểm thu hoạch không tiêu thụ được do sức mua trên thị trường chậm hơn nhiều so với mọi năm. Thời điểm này, đa số các loại cá nước ngọt cũng có giá dưới giá thành sản xuất khiến các hộ nuôi cá càng khó khăn.

Đây cũng là khó khăn cho nhiều hộ nuôi các loài đặc sản vốn cho lợi nhuận cao. Cụ thể, lươn thịt hiện bán ra thị trường chỉ khoảng 115 ngàn đồng/kg, các loại cá chẽm, cá chép giòn… giá bán cũng thấp hơn cùng kỳ mọi năm từ 50-60 ngàn đồng/kg. Dự báo giá của mặt hàng này khó khởi sắc trong thời gian tới.

Nhiều hộ nuôi cá đặc sản trên địa bàn tỉnh như: hô, chép giòn, chẽm… cũng dè dặt hơn trong đầu tư, vì lo thị trường tiêu thụ vẫn khó khăn vào mùa cuối năm.

Lý giải tình trạng nhiều loại cá nước ngọt có giá thấp, tiêu thụ chậm, ông Nguyễn Văn Vị, thương lái mua cá tại P.Hiệp Hòa cho hay, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhu cầu tiêu thụ ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa với mặt hàng cá nước ngọt giảm hẳn so với giai đoạn trước đó. Đầu ra bị thu hẹp trong khi nguồn cung vẫn dồi dào khiến thị trường thường rơi vào cảnh cung lớn hơn cầu, là nguyên nhân giá cá nước ngọt ở mức thấp. Dự báo tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn nên thời gian tới, thị trường tiêu thụ cho mặt hàng cá nước ngọt vẫn khó khởi sắc.

Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Văn Quyền cho hay, toàn xã có khoảng 70ha mặt nước để nuôi các loại cá nước ngọt như: lóc, rô phi, chép, trắm… Nuôi cá nước ngọt vốn là mô hình kinh tế cho lợi nhuận tốt tại địa phương. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, đầu ra của các loại cá nước ngọt khó khăn hơn, giá bán thấp hơn mọi năm. Theo đó, một số hộ nuôi cá đã giảm diện tích nuôi để chuyển sang mô hình sản xuất khác.

* Không tập trung vào vụ Tết

Trước khó khăn kéo dài về thị trường tiêu thụ, nhiều hộ nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh giảm sản lượng nuôi, giãn vụ nuôi để hạn chế rủi ro. Nhiều hộ nuôi cũng không còn tập trung thả cá giống để thu hoạch vào vụ Tết Nguyên đán 2024, thời điểm thị trường tiêu thụ sôi động nhất trong năm, để không bị rơi vào cảnh dội chợ, rớt giá như mùa Tết năm ngoái.

Bà Đồng Thị Hường, hộ nuôi cá ở xã Sông Ray chia sẻ, từ năm ngoái đến nay, thị trường tiêu thụ của cá nước ngọt gặp khó khăn về đầu ra. Cụ thể, năm ngoái, thu hoạch cá vào cuối năm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, giá các loại cá nước ngọt như: diêu hồng, cá rô, trắm, chép đều chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg. Giá cá bán ra dưới giá thành sản xuất nhưng vẫn khó tìm thương lái mua, vì sức tiêu thụ trên thị trường quá chậm. Chính vì vậy, năm nay gia đình bà thả cá giống chậm hơn cùng kỳ mọi năm để né vụ thu hoạch Tết, thời điểm đa số nhiều vùng nuôi tập trung bán ra thị trường. Gia đình bà cũng giảm bớt mật độ nuôi, kéo dài thời gian thu hoạch hơn để giảm rủi ro.

Chủ cơ sở cá giống, cá thịt Trường Sơn (tại xã Sông Ray) nhận xét, thị trường tiêu thụ cá thương phẩm năm nay chậm hơn hẳn so với mọi năm. Hiện giá nhiều loại cá thương phẩm như: diêu hồng, trắm, chép dao động từ 34-36 ngàn đồng/kg, mức giá người nuôi có lợi nhuận thấp. Vụ thu hoạch Tết Nguyên đán 2023, đa số các loại cá nước ngọt bán ra thị trường đều thấp hơn giá thành sản xuất. Đây là nguyên nhân chính khiến nhu cầu mua giống thả nuôi để thu hoạch vào vụ Tết Nguyên đán 2024 của đa số các hộ nuôi cá giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, giá các loại cá giống có giảm nhẹ so với cùng kỳ mọi năm. Một nguyên nhân khiến các hộ nuôi cá e dè đầu tư còn do giá cám và các chi phí khác đều tăng, trong khi thị trường tiêu thụ những tháng cuối năm vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/nuoi-thuy-san-qua-thoi-loi-nhuan-khung-8a03968/