Nước rút đến đâu, khắc phục tới đó

Ngay khi lũ bắt đầu rút, các địa phương lập tức bắt tay vào việc khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định cuộc sống

Theo số liệu thống kê của các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Phú Yên là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ lụt vừa qua. Chỉ riêng thiệt hại về người, tỉnh này đã có 7 người chết và 1 người mất tích.

10.000 người về nhà

Trong ngày 6-11, lũ ở Phú Yên đã bắt đầu rút và trời hửng nắng. Tại TP Tuy Hòa, ngay từ sáng sớm, hàng trăm bộ đội, sinh viên mang xẻng, cuốc, chổi đi dọn vệ sinh. Phần lớn các con phố ở đây đều bị ngập trong lũ 4 ngày qua.

“Nước rút đến đâu, chúng tôi dọn đến đó. Lũ mang cát, rác rưởi ngập cả mét ở từng con đường. Nhiều bạn đã không kịp ăn sáng, đến đây để dọn dẹp” - anh Trần Thanh Nghị - một đoàn viên thanh niên ở phường 4, TP Tuy Hòa - chia sẻ.

Công ty Điện lực Phú Yên khắc phục hệ thống điện ở huyện Đồng Xuân Ảnh: HỒNG ÁNH

Theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Phú Yên, mặc dù tỉnh này vẫn còn trên 800 nhà bị ngập nhưng đến chiều 6-11, đã có trên 10.000 người tránh lũ trở về nhà. Ngoài thiệt hại nặng về người, toàn tỉnh có 10 căn nhà bị sập hoàn toàn, gần 40 căn khác bị hư hỏng do lũ; 1.700 ha lúa và 4.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại; gần 250 con bò chết. Ngoài ra, nhiều hồ, kênh mương thủy lợi và đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Phú Yên, hư hỏng nặng nhất là trên Quốc lộ 1, đoạn qua thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An và đường cứu hộ cứu nạn từ An Mỹ (huyện Tuy An) nối trục dọc miền Tây tỉnh này. Trên 3.000 m3 đất đá từ các sườn núi đã đổ lên con đường cứu hộ cứu nạn này. Ngay trong ngày 6-11, Sở GTVT tỉnh Phú Yên đã huy động hàng trăm công nhân cùng nhiều phương tiện giải phóng các điểm sạt lở ở đây.

“Đến cuối giờ chiều, phần lớn các điểm sạt lở đều đã được giải quyết. Đường này đã thông tuyến 2 làn xe. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để các điểm sạt lở này còn phải mất cả tuần” - ông Trí thông tin.

Không để dân đói, rét

Sáng 6-11, có mặt tại cây cầu Cư Păm bắc qua sông Krông Kma (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến hàng ngàn người vẫn qua lại trên cầu bất chấp nguy hiểm.

Cây cầu này có 4 nhịp với chiều dài khoảng 50 m nằm trên Tỉnh lộ 9, nối 2 xã Cư Kty và Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông. Do mưa lớn, tối 4-11, một trụ ở giữa cầu bị sụp lún kéo theo 2 nhịp giữa cầu sụp. Dù cây cầu không bảo đảm an toàn, nước sông cuồn cuộn chảy nhưng lực lượng chức năng vẫn cho xe máy qua lại. Đại diện Sở GTVT Đắk Lắk cho biết sáng cùng ngày, đơn vị đã đưa vật tư cùng máy móc xuống để khắc phục sự cố gãy cầu Cư Păm, thời gian dự kiến trong vòng 10 ngày.

Trong ngày, ở tỉnh Đắk Lắk mưa đã tạnh; một số vùng bị ngập lụt, nước bắt đầu rút. Lực lượng chức năng, bộ đội, đoàn viên thanh niên trên toàn tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp người dân từng bước ổn định đời sống, bắt tay sản xuất vụ thu đông.

Trên khắp các huyện bị ảnh hưởng do mưa lũ là hình ảnh bộ đội, đoàn viên thanh niên, các lực lượng chức năng dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, trường học, trạm xá; tu bổ, sửa chữa ngay các tuyến đường giao thông nông thôn, cống ngang bị hư hỏng. Một số vị trí giao thông vẫn bị ngập, hư hỏng nặng, nguy hiểm, chưa sửa chữa được đã có người thường xuyên trực, hướng dẫn người dân, phương tiện đi lại an toàn. Tại các khu dân cư còn bị cô lập do lũ lụt ở các huyện Krông Bông, Ea Kar, tỉnh tổ chức cứu trợ khẩn cấp, không để người dân bị đói, rét…

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 8 huyện bị ảnh hưởng nặng nề do mưa to, ngập lụt. Mưa lũ đã làm 1 người chết, 2.642 căn nhà bị ngập, 584 hộ phải di dời. Tỉnh Đắk Lắk cũng có gần 5.500 ha cây trồng các loại bị ngập cùng nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, hàng trăm km kênh mương và đường giao thông nông thôn bị xói lở, hư hỏng...

21 người chết và mất tích do mưa, lũ

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 6-11, mưa lũ đã làm 15 người chết và 6 người mất tích. Bên cạnh đó, 227 căn nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 226 căn bị hư hỏng; 7.102 ha lúa và 4.918 ha hoa màu, cây trồng hằng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị ngập; 440 con gia súc và 42.724 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Bắc Bộ chuyển rét

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho biết ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, khoảng ngày và đêm 8-11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 8-11, ở Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ C, có nơi 13-16 độ C. Hà Nội từ ngày và đêm 8-11 có mưa, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 17-20 độ C.

V.Duẩn

Hồng Ánh - Cao Nguyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nuoc-rut-den-dau-khac-phuc-toi-do-20161106230806357.htm