Nước Pháp 'đau đầu' vì Olympic

Ngày 26/7 tới, Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 chính thức khai mạc. Mọi khâu chuẩn bị cho Thế vận hội đang trong giai đoạn nước rút. Ủy ban tổ chức Olympic Paris (OCOG) nói riêng và nước chủ nhà Pháp nói chung đặt rất nhiều kỳ vọng về kinh tế, ngoại giao, văn hóa... vào kỳ Olympic này. Nhưng từng đó kỳ vọng cũng đi kèm với không ít vấn đề nan giải.

Lùm xùm chuyện bán vé

OCOG cho biết họ còn nguồn ngân sách dự trữ khoảng 120 triệu Euro và sẽ tìm mọi cách để cân đối thu chi, giảm trừ chi phí trước khi động đến khoản dự trữ này. Mặt khác doanh số bán vé xem các sự kiện thế vận hội chiếm đến 1/3 doanh thu dự tính (vào khoảng 4,4 tỷ Euro) của kỳ Olympic này. Một trong những mục tiêu lớn nhất của OCOG vì vậy là bán hết vé càng nhanh càng tốt nhằm sớm có đồng vốn quay vòng.

Nước Pháp đặt rất nhiều hy vọng vào kỳ Olympic này.

Đợt đầu tiên mở bán vé xem Olympic 2024 mới kết thúc vào ngày 15/3 qua. Toàn bộ 3 triệu vé trong đợt này đã được bán hết, 7 triệu vé còn lại sẽ được bán trong đợt hai bắt đầu từ ngày 11/5. Cả hai lần bán vé đều được diễn ra theo thể thức bốc thăm. Trong đợt mở bán thứ nhất, vé được bán theo các gói có từ 3-30 vé xem những môn thi khác nhau. Không ít người phải “cắn răng” mua vé những môn mình không thích để được xem trận thi đấu môn mình hâm mộ. Ai muốn mua vé lẻ từng trận đấu thì phải chờ đến đợt mở bán sắp tới.

Vào tháng 10/2023, OCOG có tổ chức một cuộc khảo sát về hành vi mua vé Olympics 2024 của người Pháp. 88% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng mua vé. Tuy nhiên trên thực tế người Pháp không nhiệt tình đến vậy. Giá vé đắt đỏ là nguyên nhân chính. Giá vé ghế hạng cao cấp khoảng 990 Euro, ghế hạng A: 690 Euro, hạng B: 385 Euro, hạng C: 195 Euro, và hạng D: 85 Euro. Giữa lúc nền kinh tế Pháp nói riêng và thế giới nói chung đang ì ạch như hiện nay, thật khó để thuyết phục khán giả trung lưu bỏ ra nhiều tiền như vậy chỉ để xem một buổi thi đấu.

Tính đến thời điểm hiện tại, vé xem các trận chung kết những bộ môn nổi tiếng như bóng đá, judo, đấu kiếm, bóng bàn,... đã bán hết. Tổng cộng có 15 môn thi đấu đã bán 100% số vé. Giá vé trên thị trường chợ đen gấp 3-4 lần giá chính thức là chuyện thường.

Anh Pierre de Coubertin (37 tuổi), một giáo viên ở tỉnh Seine-et-Marne nói với phóng viên tờ Le Monde: “Cho dù tôi rất yêu thể thao, nhưng tôi chắc chắn sẽ không mua vé xem Olympics vì quá đắt... Những người lao động như tôi đến kỳ Olympics thì chỉ có chịu cảnh kẹt xe, ô nhiễm, giá cả tăng vọt, chứ chẳng dám mơ đến việc vào sân vận động xem thi đấu”.

Không chỉ khán giả mà các vận động viên cũng không hài lòng với giá vé cao. Nhà vô địch 7 môn phối hợp Nafissatou Thiam (Rio 2016 và Tokyo 2020) người Bỉ nói với một tờ báo nước này: “Tôi không chắc gia đình mình có đủ tiền mua vé để đi cổ vũ tôi”.

Nữ võ sĩ Judo người Pháp Amandine Buchard (Huy chương bạc Tokyo 2020) thì có phản ứng gay gắt hơn. Cô viết trên Twitter: “Nhà tổ chức nói rằng thế vận hội dành cho tất cả mọi người, nhưng mà vận động viên chúng tôi phải cầm cố nhà mới có đủ tiền để mua vé cho thân nhân... Đấy là trong trường hợp vẫn còn vé để mà mua”.

Những người mua được vé cũng bất mãn với quy cách bán vé. Vé chỉ được bán trực tuyến qua trang web chính thức của Olympic. Việc mua vé online ở một số quốc gia là gần như là bất khả thi vì nghẽn mạng và hệ thống đăng nhập, xác minh nhân thân trên website có vấn đề. Nhiều khách hàng cũng không hài lòng vì việc có quá ít vé hạng phổ thông, buộc họ phải mua vé đi kèm theo các gói nghỉ chân tại các khách sạn.

Một vấn đề khác có liên quan là Công ty xe lửa Pháp SNCF vẫn chưa mở bán vé tàu cao tốc TGV đến các sân vận động thi đấu Olympic. Không chỉ người Pháp mà công dân những nước Châu Âu khác đang chờ mong ngày được đặt vé sớm.

Chủ tịch OCOG Tony Estanguet, cựu vận động viên môn canoe đã ba lần giành huy chương vàng Olympic, đã phải nhiều lần công khai lên tiếng bảo vệ quy trình bán vé theo gói. Hoặc là Bộ trưởng Bộ Thể thao Pháp Amelie Oudea-Castera tuyên bố: “Giá vé xem các trận thi đấu Olympic Paris thấp hơn nhiều so với các lần thế vận hội trước. Vấn đề chỉ là vé phổ thông bán hết quá nhanh. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề này nhằm đem đến một kỳ thế vận hội cho tất cả mọi người”.

Những lo lắng ngoài thể thao

Một trong các mối lo hàng đầu của chính quyền Paris hiện nay là nguy cơ bùng phát dịch rệp giường. Từ hơn một năm trở lại đây rệp giường sinh sôi với tốc độ nhanh chưa từng thấy ở nhiều thành phố Pháp. Hệ thống tàu điện, xe buýt Paris nổi tiếng về sự văn minh bây giờ cũng không thiếu gì rệp bên dưới mỗi chiếc ghế. Dân Pháp không còn đến các rạp chiếu phim, nhà hát, v.v... do sợ rệp.

Với con số 11% nhà riêng tại Pháp bị phát hiện có rệp giường, việc phong tỏa, xử lý và phòng tránh dịch rệp đang là bài toán nan giải với chính quyền Paris. Ba yếu tố chính quyết định đến khả năng bùng phát dịch rệp trong thời gian tới là thời tiết, khử trùng và vệ sinh. Nếu thời tiết năm nay nắng nóng và ít mưa như năm ngoái, loài rệp sẽ có điều kiện thuận lợi để sinh sản. Mặt khác do con người lạm dụng thuốc trừ côn trùng nên các loài rệp giường hiện nay có khả năng kháng thuốc, phải có những loại hóa chất rất mạnh mới có thể tiêu diệt chúng.

Trên phương diện vệ sinh thì chính quyền Paris đang đẩy mạnh việc làm sạch thành phố. Các chiến dịch vệ sinh công cộng liên tục được triển khai, đặc biệt quanh khu vực sông Seine và các sân vận động, khách sạn. Nhưng một biện pháp của nhà chức trách thủ đô nước Pháp lại đang vấp phải sự phản đối của dư luận.

Ở Pháp có khoảng 200.000 người vô gia cư thì một nửa sống ở Paris và những vùng ven. Giá mua nhà, thuê nhà ở nội đô và xung quanh Paris rất cao, nhưng nhiều người vô gia cư không thể chuyển đi vì còn có cơ hội tìm việc, còn được gia đình, bạn bè, các tổ chức từ thiện giúp đỡ. Chính quyền Paris đang buộc những người này phải chuyển tới 10 trung tâm giúp đỡ người gia cư tại các thành phố khác như Toulouse, Bordeaux, Angers và Strasbourg. Trung bình cứ mỗi tuần có hơn 50 người vô gia cư được chuyển đi. Tuy báo chí Pháp cho rằng chính sách trên được thực thi để “làm đẹp bộ mặt” Paris trước thềm Olympic 2024, chính quyền thành phố liên tục tuyên bố phủ nhận động cơ trên.

Những người vô gia cư còn ở lại Paris cho biết họ không thể tìm được chỗ ở do các khách sạn, phòng trọ đều không ký hợp đồng mới để chờ đón dòng khách du lịch đến xem Olympic. Các tổ chức từ thiện cũng gặp khó khăn trong việc giúp đỡ người vô gia cư do vướng mắc pháp lý.

Câu hỏi kinh tế

Chính phủ Pháp mong rằng thế vận hội mùa hè sẽ vực dậy nền kinh tế nước này. Các chuyên gia thì không lạc quan đến vậy. Giáo sư môn địa lý & phát triển bền vững Martin Müller tại Đại học Lausanne nhận xét: “Đa số các kỳ Olympic đều gây lỗ cho nước chủ nhà. Đa phần các khoản thất thu đến từ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên môn mà sau khi hết kỳ đại hội lại rơi vào cảnh “đắp chiếu”...”.

Ở Paris hoa lệ, không hiếm những lều tạm của người vô gia cư sống trên hè phố.

Nhà kinh tế học Mỹ Andrew Zimbalist, người đã có nhiều năm theo sát tình hình các nước từng đăng cai thế vận hội, lại có góc nhìn khác: “Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đòi hỏi rất nhiều từ các nước chủ nhà, nhưng đến lúc phân chia lợi nhuận thì lại rất keo kiệt. IOC cho biết họ đã đóng góp cho Olympic Paris 1,7 tỷ USD, trong đó có 885 triệu USD là từ tiền bản quyền truyền hình. Con số đó chưa là gì so với khoản tiền Chính phủ Pháp đã phải chi ra để tổ chức thế vận hội... Olympic không thực sự kéo được thêm khách du lịch mới đến thành phố đăng cai. Nếu thành phố vốn đã nổi tiếng, khách không đến vào dịp thế vận hội thì cũng đến vào dịp khác. Ví dụ như sau kỳ Thế vận hội London năm 2012, lượng khách du lịch đến London vào năm 2013 sụt giảm mạnh bởi vì du khách đã đến thăm thủ đô nước Anh một lần rồi, không còn lý do quay trở lại”.

Theo nhận thức thông thường thì mỗi khi Olympic diễn ra, người dân sở tại sẽ nhận được thêm nhiều cơ hội việc làm. OCOG từng tuyên bố Olympic Paris sẽ tạo thêm hơn 181.000 việc làm cho người dân Pháp. Nhưng mặt khác kế sinh nhai của không ít người cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đơn cử như việc chính quyền Paris cấm bán hàng rong tại nhiều nơi ở trong nội đô. Bên bờ sông Seine có những quầy sách dạo từ thế kỷ thứ 16 mà nay cũng bị bắt dọn đi.

Giáo sư kinh tế người Mỹ Robert Baade cho biết: “Các khách sạn, công ty lữ hành, v.v... chắc chắn sẽ tăng doanh thu trong mùa Olympic, nhưng điều đó không có nghĩa là nhân viên làm cho họ sẽ được tăng lương. Mà nhiều khi chính quyền địa phương cũng chẳng thu thêm được thuế mấy do lợi nhuận đều được các cơ sở kinh doanh, chi nhánh chuyển lên tổng công ty... Ngay cả các hoạt động liên quan trực tiếp đến việc tổ chức Olympic cũng dựa nhiều vào lực lượng tình nguyện viên lên đông đảo. Lợi nhuận thu về từ Olympic rất khó chảy xuống đến tận tầng lớp lao động”.

Những vấn đề của Olympic 2024 hoàn toàn có thể sẽ lan sang cả Paralympic 2024. Tờ Le Monde mới đây đã đăng tải một bài viết cho biết có đến 2/3 trong số 2,8 triệu vé xem các sự kiện Paralympic Paris còn chưa bán được. Số vé này được mở bán từ tháng 11/2023, nhưng đến nay mới chỉ có 900.000 vé bán ra. Mà trong khoảng 900.000 vé đó có đến 80% là vé bán cho các tổ chức, doanh nghiệp để biếu tặng. Riêng Chính phủ Pháp đã mua đến 300.000 vé. Chủ tịch Tony Estanguet mới đây đã phải lên kênh truyền hình France 2 để kêu gọi người dân mua vé. OCOG cũng đang xem xét việc tái khởi động chiến dịch truyền thông quảng cáo Paralympic.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nuoc-phap-dau-dau-vi-olympic-i728199/