Nước ngoài tìm câu chuyện riêng

“Chúng tôi không thể giữ được thị phần cho vay tiêu dùng lớn như vậy mãi”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết.

Để chuẩn bị cho những năm tiếp theo, VPBank sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng tiểu thương. Ảnh TL SGT

Theo ông trong hai năm gần đây, công ty tài chính (chuyên cho vay tiêu dùng) của VPBank đã đóng góp khoảng 50% lợi nhuận của ngân hàng. Nhưng cuộc cạnh tranh cho vay tiêu dùng đang đến hồi quyết liệt và rủi ro không hề thấp. Để chuẩn bị cho những năm tiếp theo, VPBank sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng tiểu thương. Các mảng này hoặc năm nay mới bắt đầu có lợi nhuận hoặc còn đang trong giai đoạn tạm thời chịu lỗ.

Thành công với cho vay tiêu dùng là câu chuyện riêng của VPBank và cũng là lý do vì sao 74 nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ tiền mua cổ phiếu trong đợt IPO, giúp ngân hàng thu được 6.000 tỉ đồng trước ngày niêm yết. Câu chuyện riêng mang nét đặc trưng chính là điều mà giới đầu tư tài chính nước ngoài đang tìm kiếm ở mỗi doanh nghiệp để giải ngân. Những tháng gần đây họ bỏ tiền vào PNJ (Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) nhờ hệ thống cửa hàng mở nhanh; vào VCI (Chứng khoán Bản Việt) do đơn vị này dẫn đầu thị phần môi giới cho khối ngoại; vào FPT Retail vì tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng và kênh phân phối sản phẩm di động như điện thoại, máy tính...

Sau các đợt tái cơ cấu danh mục đầu tư, giờ đây những gương mặt nước ngoài lớn đang quản lý tổng cộng gần 4 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư vào Việt Nam như Dragon Capital và VinaCapital hiện có trong tay số tiền không nhỏ để giải ngân. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư khác cũng huy động thêm được ít nhiều vốn từ nước ngoài. Một số tổ chức thậm chí đã chuẩn bị sẵn tiền nhằm tham gia các đợt bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, Habeco. Họ cho biết nhu cầu giải ngân luôn thường trực, kể cả vào các tổ chức tín dụng tầm cỡ như Vietcombank, BIDV, vấn đề là giải ngân ở mức giá nào và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở những doanh nghiệp ấy ra sao.

Vietcombank tiếp tục đứng ở ngưỡng cửa phải tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn khi áp dụng các chuẩn mực của Basel II. Đồng thời muốn tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn, cung cấp một hạn mức tín dụng tối đa tốt hơn cho khách hàng tổ chức, Vietcombank bắt buộc phải nâng vốn. Nếu Vietcombank phát hành cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, đại diện Nhà nước sẽ phải góp hàng ngàn tỉ đồng. Nhà nước lấy tiền ở đâu đóng góp nếu không phải từ ngân sách? Còn nếu không đóng tiền mua, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank tụt xuống, ai chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Đức Vinh nói số lượng cổ phiếu các tổ chức nước ngoài đăng ký mua gấp 4 lần số cổ phiếu VPBank chào bán và kẻ mua người bán đã chốt ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu. Chốt giá xong, nước ngoài đặt tiền mua ngay. Các cổ đông lớn của VPBank đã ứng trước cổ phiếu ở mức giá chốt nêu trên cho nước ngoài và họ sẽ mua lại cổ phiếu với giá tương ứng khi VPBank phát hành cổ phiếu tăng vốn. Như vậy, thay vì phải đợi VPBank phát hành cổ phiếu để bán cho nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài có cổ phiếu ngay, họ không phải chờ các thủ tục phát hành vốn dĩ qua nhiều công đoạn và mất thời gian.

Thời gian - thời điểm mua/bán là cơ hội cho cả đôi bên. Vietcombank khi đàm phán bán cổ phần cho quỹ GIC của Singapore, thị giá VCB trên sàn khoảng 25.000-26.000 đồng (giá tính sau khi chia tách, trả cổ tức và cổ phiếu thưởng), nên hai bên thỏa thuận giá gần 29.000 đồng, tức cao hơn giá trên sàn. Tuy nhiên từ khi chốt giá đến khi công bố cho cổ đông và xin ý kiến cơ quan quản lý, Chính phủ, mất hàng tháng trời, thị giá VCB trên sàn thay đổi, cao hơn giá thương lượng với GIC. Nay cơ quan quản lý không chấp thuận vì giá bán cho GIC cách xa giá trên sàn.

Nói thế để thấy sự linh hoạt của VPBank như một tổ chức tín dụng tư nhân, nơi không hề có vốn nhà nước, trong khi Vietcombank cho dù đã “khoác áo cổ phần” vẫn còn chịu sự chi phối của Nhà nước ở vai trò cổ đông lớn nhất.

Trên thị trường còn vô số những doanh nghiệp có câu chuyện riêng. Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) là một trong những địa chỉ nhận được câu hỏi “có IPO và niêm yết không” nhiều nhất từ phía  nước ngoài hiện nay. Rút kinh nghiệm từ vụ Sacombank bị thâu tóm trước đây, Chủ tịch TTC ông Đặng Văn Thành cho đến giờ vẫn trả lời dứt khoát “không”. “Nhưng chúng tôi sẽ bán một phần mảng mía đường cho nước ngoài sau khi BHS và SBT hợp nhất”, ông Thành nói.

Thành Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163670/nuoc-ngoai-tim-cau-chuyen-rieng.html