Nước nào bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép?

Có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chỉ riêng khu vực ASEAN có 5 quốc gia đã cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử.

Tại dự thảo báo cáo gửi Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay số lượng các quốc gia áp dụng chính sách cấm đang tăng lên.

Cụ thể, khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.

Đồng thời, có ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ phương pháp kiểm soát như dược phẩm sang phương pháp cấm, đó là Hong Kong, Đài Loan và Venezuela.

Có 3 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ, đó là Chile, Úc và Nhật.

Có 88 nước có chính sách quản lý thuốc lá điện tử, trong đó 27 quốc gia thuộc Khối liên minh Châu Âu. Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO.

Tỉ lệ học sinh hút thuốc lá điện tử tại Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh. Ảnh: TT

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm, trong đó 5 nước thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei.

Không có quốc gia nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị.

Có 71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng, trong đó 27 nước thuộc khối Liên minh châu Âu.

Theo Bộ Y tế, việc quyết định các biện pháp thực thi để quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên có thể thấy, các nước áp dụng biện pháp cấm khi các biện pháp kiểm soát thuốc lá theo Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO chưa được thực hiện tốt hoặc toàn diện. Tỉ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành còn cao, hạn chế về nguồn lực quản lý, theo dõi và thực thi pháp luật.

“Các nước áp dụng nguyên tắc cẩn trọng là cấm sản phẩm khi chưa có đầy đủ và chắc chắn cơ sở khoa học về nguy cơ tổng thể cũng như lợi ích tiềm năng của sản phẩm này”, Bộ Y tế nêu.

Trong khi đó, các nước áp dụng biện pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như dược phẩm khi họ đã có hệ thống và quy trình phê duyệt chặt chẽ, có năng lực để quản lý và giám sát.

Còn các nước áp dụng biện pháp quản lý như thuốc lá điếu thông thường khi họ đã có khả năng thực hiện hiệu quả và toàn diện công tác kiểm soát thuốc lá theo các biện pháp của WHO.

Các nước này đã có thành tựu trong giám sát tốt tình hình, đặc biệt là tăng độ tuổi được phép mua thuốc lá, thực thi nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, giá và thuế thuốc lá cao; đồng thời tình hình sử dụng thuốc lá giảm trong thời gian dài, ở mức thấp.

Ngoài ra, các nước này cũng có đủ nguồn lực để giám sát, ngăn ngừa vi phạm, tổ chức truyền thông về việc ngăn ngừa sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ và các nhóm dễ tổn thương.

Theo Bộ Y tế, thực tế cho thấy chưa có nước nào thành công trong việc dùng biện pháp quản lý để ngăn ngừa sự gia tăng tỉ lệ sử dụng các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới trong giới trẻ.

Kinh nghiệm nhiều nước như Mỹ, Canada, Georgia và Ba Lan cho thấy sau khi chuyển từ trạng thái cấm hoặc không có quy định sang trạng thái hợp pháp hóa, tỉ lệ sử dụng các sản này trong giới trẻ tăng lên nhanh chóng.

Để phù hợp với khuyến cáo của WHO, căn cứ bài học của các nước và điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình sử dụng thuốc lá hiện nay và năng lực quản lý của Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới.

Thanh Thanh

Nguồn PLO: https://plo.vn/nuoc-nao-ban-thuoc-la-dien-tu-duoi-dang-duoc-pham-duoc-cap-phep-post785790.html