Nước Mỹ lại đối diện khoảnh khắc 'màn hình chia đôi'

Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump được cho là sẽ có các bài phát biểu riêng biệt vào cùng ngày 6/1 - đánh dấu một năm vụ bạo động ở Điện Capitol.

Nước Mỹ chia rẽ sẽ trải qua khoảnh khắc "màn mình phân đôi" ngày 6/1, khi Tổng thống Joe Biden dự định dùng sự kiện kỷ niệm một năm vụ bạo động ở Điện Capitol để cảnh báo về sự đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ, còn cựu Tổng thống Donald Trump họp báo để tiếp tục tuyên truyền về thuyết âm mưu.

Một năm sau khi đám đông người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà quốc hội nhằm cố ngăn chặn các nhà lập pháp chứng nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống, những vết thương chính trị vẫn chưa thể lành.

Theo AFP, ông Biden và Phó tổng thống Kamala Harris được cho là sẽ phát biểu ở Điện Capitol để nhắc lại khởi đầu đầy bất ổn trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Là một chính trị gia kỳ cựu, ông Biden thường cảnh báo trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng về một mối đe dọa "hiện hữu" đối với quyền tự do chính trị của đất nước.

Bài phát biểu của ông được cho là sẽ tiếp tục nhấn mạnh cảnh báo trên. Buổi nói chuyện tại Điện Capitol sẽ là một phần trong chuỗi sự kiện mà đồng minh chủ chốt của Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nói rằng sẽ là một "ngày khó khăn".

Đám đông ủng hộ ông Donald Trump tràn vào Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh: Reuters.

Ông Biden "không tưởng niệm một sự kiện đã kết thúc. Ông ấy nhìn nhận sự kiện đang diễn ra và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn", Rachel Bitecofer, nhà khoa học chính trị và nhà thăm dò dư luận của đảng Dân chủ, nói.

Trong khi quốc hội cầu nguyện cho những mất mát trong ngày mà ông Biden gọi là "thời khắc đen tối", ông Trump sẽ tổ chức một cuộc họp báo từ dinh thự của mình ở Mar-a-Lago, Florida.

Thông điệp mà ông đưa ra trong cuộc họp báo này được dự đoán tiếp tục là cáo buộc về một cuộc bầu cử gian lận mà cựu tổng thống vẫn lặp đi lặp lại trong suốt năm qua.

Sự việc “chưa từng có trong lịch sử Mỹ”

Dù kém ông Biden trên 7 triệu phiếu bầu, cũng như thất bại nhiều lần trước tòa án khắp cả nước, ông Trump vẫn tiếp tục tung ra những tuyên bố thiếu căn cứ xác đáng rằng Tổng thống Biden được bầu lên một cách bất hợp pháp.

Những lời cáo buộc trên chỉ là yếu tố nhức nhối nhất trong số hàng loạt “mũi tên” nhắm vào ông Biden trên mọi phương diện, từ vấn đề nhập cư, đến cuộc chiến chống Covid-19. Tất cả dường như là nỗ lực của ông Trump nhằm chuẩn bị cho kế hoạch giành lại quyền lực vào năm 2024.

Đó là một chiến dịch mà Carl Tobias, giáo sư tại Đại học Luật Richmond, gọi là "chưa từng có trong lịch sử Mỹ". "Không có cựu tổng thống nào cố gắng đến vậy để hạ uy tín của người kế nhiệm và tiến trình dân chủ", ông Tobias nói.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cáo buộc cuộc bầu cử Mỹ 2020 là gian lận. Ảnh: Reuters.

Thuyết âm mưu của ông Trump về cuộc bầu cử gian lận có thể vô căn cứ và khó tin, nhưng hàng triệu người Mỹ vẫn đang xem đó là sự thật, bất chấp một thẩm phán liên bang ở Pennsylvania đã phán quyết vụ kiện của ông Trump là “bóp méo” sự thật và "mang tính suy đoán".

Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy khoảng 70% đảng viên Cộng hòa cho rằng ông Biden đã được bầu một cách bất hợp pháp.

Một cuộc thăm dò mới của Washington Post-University of Maryland đưa ra con số 58%. Cùng cuộc thăm dò đó, 40% đảng viên Cộng hòa tin rằng bạo lực chống lại chính phủ đôi khi là chính đáng, trong khi chỉ 23% đảng viên Dân chủ ủng hộ điều này.

“Hệ tư tưởng” Trump

Những gì ông Trump nói và làm đã được AFP nhận xét là “đã trở thành một hệ tư tưởng chính trị”, với hầu hết nhà lập pháp đảng Cộng hòa đều né tránh chỉ trích vụ bạo động ngày 6/1/2021, thậm chí có người còn tích cực bảo vệ vụ tấn công.

Lara Brown, Giám đốc Trường Cao học Quản lý Chính trị tại Đại học George Washington, cho biết số người am hiểu chính trị ủng hộ Trump, và cử tri tin theo lời ông Trump chiếm số lượng đáng kể.

Điện Capitol tan hoang sau vụ tấn công ngày 6/1/2021. Ảnh: Reuters.

Bà nói: “Điều đáng sợ là đây không chỉ là những cuộc tấn công tinh vi, mà chúng còn được thúc đẩy bởi một phong trào cấp cơ sở”, bà nói. Phong trào cơ sở là phong trào chính trị, kinh tế mà trong đó, người dân đóng vai trò cơ sở.

Cuộc tấn công ngày 6/1/2021 “không chỉ có các nhóm cực hữu có tổ chức, mà còn có những người dân Mỹ bình thường đã hoàn toàn tin” vào thuyết của ông Trump.

Bà Bitecofer đã thúc giục Tổng thống Biden đối đầu với ông Trump mạnh mẽ hơn, thay vì tin rằng “người cũ” không còn là vấn đề, theo cách nói của Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki.

Tuy nhiên, bà Brown cho rằng ông Biden có rất ít khả năng đối đầu mạnh bạo với ông Trump, vì một cuộc tấn công trực diện như vậy nhắm vào công Trump có thể sẽ khiến ông Biden bị gắn mác “tấn công chính trị với người không cùng quan điểm” - đúng như những gì cựu tổng thống cáo buộc trong thuyết âm mưu của ông.

Zing từ Mỹ: Đêm giới nghiêm ở Washington sau vụ bạo loạn tại quốc hội Người dân thủ đô Washington D.C. nhận được thông báo của chính quyền về lệnh giới nghiêm vào tối 6/1, sau khi bạo loạn xảy ra ở Điện Capitol vào chiều cùng ngày.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-my-lai-doi-dien-khoanh-khac-man-hinh-chia-doi-post1287463.html