Nước mắt sau tấm huy chương (2): Nỗi buồn 'bà bán rau' từng sang Hy Lạp

Đường đời đầy gian truân của chị Nhữ Thị Khoa, sinh năm 1971, chỉ là một trong vô vàn bi kịch của các vận động viên khác sau khi giải nghệ.

Sáng tập luyện, chiều đi chợ

Đã 13 năm trôi qua, nhắc đến Nhữ Thị Khoa, nhiều người nhớ mãi hình ảnh chị mím chặt môi, ánh mắt quyết liệt, gồng cánh tay mảnh khảnh lăn bánh xe trên đường đua ở sân vận động Mỹ Đình năm 2003, từ đường chạy 100m, 200m rồi đến 400m.

Chị Khoa sinh ra và lớn lên ở Ứng Hòa, Hà Nội. Vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường như bao người, một ngày khi chơi cùng chúng bạn, chị bị ngã và "mất" đôi chân từ đó.

Di chuyển khó khăn, chị chỉ loay hoanh bếp núc. Thời gian trôi qua, người con gái thiệt thòi đó mạnh mẽ hơn. Chị không ru rú xó nhà nữa, mà tập tành mang mớ rau ra chợ bán, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Vận động viên Nhữ Thị Khoa (ảnh Facebook nhân vật)

Từ vùng quê ngoại thành chị lên thuê trọ ở trung tâm Hà Nội để buôn bán tiện hơn. Lúc đó hơn 20 tuổi, chị dành dụm tiền mua một chiếc xe lăn rồi mưu sinh bằng nghề bán hàng rong.

Một lần nghe lời một người bạn cũng có khiếm khuyết về cơ rủ đi tập luyện tại trung tâm thể thao dành cho người khuyết tật, chị vui vẻ đồng ý. Mong muốn lớn nhất của chị là được giao lưu với nhiều người, giúp mình có thêm tự tin để hòa nhập cuộc sống.

Với tinh thần tập luyện hết mình, chị đã lọt vào mắt của các huấn luyện viên, là một trong những người được cất nhắc đào tạo để tham dự các cuộc thi trong nước cho người khuyết tật trong nước và quốc tế với bộ môn điền kinh.

Những ngày tháng gắn bó với thể thao của chị Nhữ Thị Khoa (ảnh Facebook nhân vật)

Trò chuyện với phóng viên, thi thoảng chị lại chỉ vào những vết thâm, chai sạn ở tay vì lăn bánh xe trong quá trình tập luyện. Sáng đi tập, chiều đi bán trái cây, vậy mà người phụ nữ ấy là nhà vô địch các giải thể thao trong nước, chiến thắng ở 2 kỳ đại hội thể thao khuyết tật ở Đông Nam Á các năm 2003, 2005.

Năm 2005, tại giải tiền Para Games, Nhữ Thị Khoa bước lên đỉnh cao của sự nghiệp khi giành được 3 HCV và đến Para Games 3 (Philippines) đạt được 5 HCV (trong đó có 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội) đồng thời phá 3 kỷ lục Para Games. Chị cũng là người may mắn khi được cử sang Hy Lạp tham dự Olympic cho vận động viên khuyết tật.

Nhắc đến quá khứ đến với thể thao, chị bảo: “Đã lâu rồi tôi không được gặp chị em, cuộc sống bộn bề, đi sớm về khuya, ngày lễ thì trang thủ bán hàng. Chúng nó gọi nhiều lần mình không đi nên giờ chả thấy rủ nữa”. Kể về cuộc đời với những u buồn nhưng hễ nhắc đến tháng ngày tập luyện cùng đồng đội đôi mắt chị Khoa ngời sáng đến lạ.

Mưu sinh giành giật sự sống cho con

Ngày hôm nay, chúng tôi gặp chị trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác. Nhà vô địch Asean Para Games đang bước vào đấu trường mới, gian nan, khó thở hơn đấu trường thể thao năm nào. Thay bằng tập luyện tại trung tâm thể thao, hàng ngày chị dạy sớm chuẩn bị hàng hóa để kịp họp chợ. Mong muốn lớn nhất của chị là cứu cô con gái nhỏ khỏi bàn tay "tử thần".

Giờ đây, nữ vương, người từng giành 16 HCV sau các giải thể thao cho người khuyết tật trong nước và Đông Nam Á có đôi mắt buồn rười rượi, dù có nở nụ cười đi nữa gương mặt chị vẫn thoảng một nỗi buồn sâu ẩn.

Năm 2006, chia tay thể thao, quay lại với công việc chợ búa để mưu sinh, chị cũng quen một người đàn ông quê Hưng Yên, bán hàng ở chợ. Không có đám cưới nhưng cả hai dọn về một nhà. Người đàn ông đó đã vợ và con ở quê.

Hằng ngày, chị Khoa chở hàng hóa đi chợ trên chiếc xe ba bánh. Ảnh: Ngọc Thi

Họ có chung với nhau một cô con gái tên là Yến Chi. Ngày đón chào đứa bé, chị hân hoan vui mừng khi đảm nhiệm thiên chức làm mẹ. Dẫu cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng con gái bé bỏng là động lực để chị cố gắng.

Đôi chân bại liệt đã là một thiệt thòi lớn, tưởng rằng người phụ nữ đó sẽ có một hạnh phúc nhỏ nhoi bên con. Vậy mà, ông trời lại thử thách chị lần nữa khi cô con gái đột nhiên bị rối loạn sinh tủy. Sức khỏe yếu ớt,Yến Chi phải nghỉ học ở trường.

Người phụ nữ có đôi chân bại liệt vẫn mưu sinh từng ngày để giành sự sống cho con. Ảnh: Ngọc Thi

Dẫu được hưởng bảo hiểm hộ nghèo nhưng số tiền mỗi lần vào tiếp máu không hề nhỏ. Sức khỏe con gái ngày càng yếu, phải thường xuyên vào viện. Chi phí mỗi lần gần chục triệu đồng. Nhiều lần chị phải vay mượn họ hàng để để chữa bệnh cho con.

Gần đây,do bận chợ búa, bản thân đi lại bất tiện nên chị gửi con về cho em gái ruột chăm sóc. Đồng thời cũng phòng khi sức khỏe bé yếu, đi viện tiện hơn.

Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị bảo: “Tôi chuẩn bị đi lấy hàng để kịp chợ chiều đây. Làm gì cũng phải cố gắng, hoàn cảnh bây giờ khiến tôi càng phải nghị lực hơn. Cuộc đời vận động viên là vậy, giải nghệ là lại quay về cuộc sống bình thường. Nhưng với tôi, nó mãi là kỷ niệm đẹp trong đời”.

Ngọc Thi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nuoc-mat-sau-tam-huy-chuong-2-noi-buon-ba-ban-rau-tung-sang-hy-lap-20160821113404504.htm