Nước mắt người thân

Mỗi phiên tòa hình sự, nhất là những vụ án giết người luôn ngập tràn bao dòng nước mắt nghẹn ngào tuôn trào. Đó là nước mắt hối hận, ăn năn của kẻ gây án; nước mắt tức tưởi, nhớ thương của thân nhân người bị hại; nước mắt đau buồn tiễn bị cáo vào chốn lao tù và cả những dòng nước mắt thổn thức, sẻ chia của những người dự khán.

Về những vụ giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, không ít vụ chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ nhặt, một câu nói bông đùa bất chợt hoặc một cái nhìn thiếu thiện cảm… cũng có thể bị tước đi sinh mạng. Người chết, kẻ đi tù và bao đau thương, mất mát người thân phải gánh chịu. Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa xét xử vụ án giết người trong một không khí u buồn. Sự việc là trước đó, chỉ vì bất đồng, đứa cháu đã lỡ tay đánh cậu ruột một cái và kết quả một mạng người cùng mức án 8 năm tù. Bởi cái tát ấy, khiến người cậu ghi hận và đúng ngày mùng 3 tết Nguyên đán, khi nhậu cùng nhóm bạn, người cậu ức lòng muốn trả thù đứa cháu hỗn láo và thế là cả nhóm bạn đồng tình hưởng ứng. Chưa rõ được sự tình, trong cơn ngà ngà say, H.Đ cũng hưởng ứng đi theo cho “có tụ”.

Nhiều nước mắt, nỗi đau sau mỗi phiên tòa hình sự. Ảnh: SỚM MAI

Thấy cậu cùng nhóm người kéo đến nhà, đứa cháu nghĩ mình “phải một trận no đòn”, hoảng sợ nên vội trốn vào chuồng heo cạnh bên nhà. Tưởng đã thoát thân nhưng nào ngờ bị cậu ruột phát hiện la lên, hoảng quá, đứa cháu đã quơ vội cây dao gần đó và đâm vào người anh H.Đ (vì nghĩ anh Đ sẽ tấn công mình). Tại tòa, bị cáo mắt đẫm lệ, nhiều lần quay về phía gia đình bị hại nói lời xin lỗi, mong được tha thứ. Một người đàn ông với gương mặt khắc khổ, chỉ lặng thinh trước những lời xin lỗi và ôm ngực trả lời đứt quãng từng câu hỏi của hội đồng xét xử. Gà trống nuôi con ngần mười mấy năm, con trai giờ lớn khôn, mới đi làm bảo vệ được thời gian. Hiểu được nỗi vất vả đó, đứa con khá hiền lành, chí hiếu, lương tháng nhiêu hầu như đều đưa hết cho cha, chỉ giữ một ít để tiêu xài cá nhân. Mấy ngày Tết mới có thời gian tụ tập nhậu nhẹt cùng bạn bè, nào ngờ con trai đã vĩnh viễn ra đi.

Còn gia đình bị cáo, khốn khổ không kém; bởi kẻ giết người chính là trụ cột, lao động chính của gia đình phải nuôi vợ và đứa con nhỏ mới 3 tuổi. Rồi phải hứng chịu bao lời thị phi, khinh miệt. Do vậy, khi tòa tuyên án, cả hai phía gia đình chỉ biết bật khóc. Trong đôi mắt ướt đẫm ấy, họ lẳng lặng nhìn nhau; rồi lặng lẽ ra về với nỗi đau riêng.

Vụ án trên ít nhất vẫn còn nhận được một chút gì đó cảm thông cho sự sợ hãi, hoảng loạn dẫn đến kết cục bi thương của bị cáo. Nhưng hành vi của Nguyễn Thái Hiệp (sinh năm 1996) ngụ ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) dẫn đến chết người, khiến mọi người phải phẫn nộ. Chỉ vì khi điều khiển xe ôtô xuống phà có phát sinh cự cãi với người đàn ông (tranh chấp nhau lên phà) mà Hiệp đã khiến một người phải tử vong, một người bị thương. Mặc dù đã được mọi người can ngăn, Hiệp vẫn không bỏ qua; khi lên bờ, thấy người đàn ông chở vợ bằng xe gắn máy chạy cùng chiều phía trước, Hiệp đã ra tay “hành động”. Hiệp cho xe vượt lên, ép đầu xe, làm xe và người đều ngã xuống lộ. Người phụ nữ ngồi sau xe gắn máy ngã vào gầm xe ôtô của Hiệp và bị bánh xe cán qua người dẫn đến tử vong tại chỗ; còn người đàn ông ngã xuống lộ, bị thương. Vụ việc xảy ra, Hiệp có xuống xe phát hiện người phụ nữ đã chết nhưng vẫn lạnh lùng lên xe bỏ đi. Giờ những giọt nước mắt hối hận của bị cáo đã quá muộn màng và 14 năm tù là cái kết cho hành động “điên” đó. Chỉ tội cho gia đình, người già, người trẻ, khóc như mưa chạy theo xe tù để có thể nhìn mặt bị cáo lâu thêm chút nữa!

Để không còn những giọt nước mắt hối hận, ăn năn của kẻ gây án, nước mắt tức tưởi, nhớ thương của thân nhân người bị hại đằng sau những phiên tòa, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ gia đình, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Trước hết, gia đình cần quan tâm giáo dục con cái; xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mọi người để phòng ngừa chung. Khi phát hiện mâu thuẫn, người thân, những người chứng kiến vụ việc cần có trách nhiệm can ngăn, hòa giải, nếu không giải quyết dứt điểm thì trình báo cơ quan chức năng để kịp thời vào cuộc ngăn chặn, không để những mâu thuẫn nhỏ dẫn đến những vụ án mạng thương tâm. Quan trọng hơn hết, mỗi người hãy biết kiềm chế bản thân, có cách cư xử văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh, nhất là cho đối tượng thanh thiếu niên.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nuoc-mat-nguoi-than-63606.html