Nước mắt của bầy voi

Những chú voi bị xích chân với vết thương đau đớn, hay những chú voi từng bị kiệt sức vì phải phục vụ du lịch ở Tây Nguyên đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa. Biểu tượng của một vùng đất và niềm tin của con người đang dần mai một dưới những dấu chân voi.

Tâm sự của đàn voi

Những ngày vừa qua, hình ảnh chú voi bị xích chân ở vườn thú Hà Nội (công viên Thủ Lệ), da nhìn như già nua, nhiều vùng bị bạc, tai sứt sẹo, nhiều người bày tỏ xót xa, băn khoăn về lý do hai cá thể voi tại đây phải sống trong cảnh xiềng xích. Voi Thái và voi Banang là tên hai con voi ở công viên này, được đưa về Hà Nội năm 2010. Vườn thú tiếp nhận với mục đích nuôi dưỡng, bảo tồn động vật hoang dã. Trong xiềng xích của mình, chỉ cần nghe tiếng động lạ hay tiếng còi xe hú ngoài đường là bầy voi có thể giật mình, phản ứng bột phát và gây nguy hiểm cho người chăm sóc.

Số lượng voi nhà ngày một ít đi ở Tây Nguyên.

Còn nhớ một vụ việc đau lòng xảy ra khi chú voi của đoàn xiếc được đánh giá là rất hiền lành bỗng dưng nổi điên quật chết một bé trai tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil, Đắk Nông) chỉ vì nghịch ngợm trêu chọc chú voi này vào năm 2014. Sự việc đã gây nên nỗi đau cho gia đình nạn nhân, cũng là bài học về việc quản lý động vật nguy hiểm khi voi “nổi điên” đã gây ra những hệ lụy khôn lường. Nhiều người gắn bó với voi ở Tây Nguyên nhận định rằng lý do dẫn đến voi phản ứng lại với con người do sự thúc ép voi làm việc quá nhiều, môi trường sống quá o ép và bức xúc trong mùa động đực thường vào dịp từ tháng 1 đến 3 âm lịch hằng năm. Ngay cả với những con voi đã thuần dưỡng ở Đắk Lắk vẫn xảy ra tình trạng nổi giận.

Bên cạnh đó, voi còn phải đối diện với tình trạng bị sát hại để lấy ngà, lấy lông đuôi. Vào 16/10/2010, voi Păk Kú bị kẻ xấu chém 217 nhát rìu và búa trong rừng của buôn N'Drếch (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) làm dấy lên sự phẫn nộ. Sau gần 3 tháng được chủ tận tâm cứu chữa bằng đủ mọi cách nhưng ngày 6/1/2011, chú voi Păk Kú vốn quen thuộc với hàng ngàn du khách khi tới với Buôn Đôn, Tây Nguyên đã ra đi do những vết thương quá nặng. Trước đó, voi Păk Kú cũng từng chết hụt một lần bởi những kẻ săn ngà. Đó là vào giữa năm 2006, khi ông Nguyễn Trụ (chủ voi Păk Kú) buộc voi trong rừng cách nhà chừng 3km thì ban đêm bọn “voi tặc” đã dùng kích điện gí làm voi cháy sém nhiều nơi trên thân thể. Lần đó Păk Kú đã vùng đứt sợi dây xích và chạy thoát.

Chỉ tỉnh từ năm 2010 đến nay, hàng chục voi quý ở Tây Nguyên đã bị sát hại. Đáng chú ý như voi Spa bị giết ở Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, voi Păk Cú (huyện Lắk, Đắk Lắk), voi Bec Khăm ở Lâm Đồng cũng bị sát hại. Cách đây hơn 10 năm, một vụ giết voi bằng cách chích điện và chém voi để lấy đuôi và ngà xảy ra ở Lâm Đồng. Tương tự, con voi nhà của Ka Tứk (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị kẻ gian chặt mất một phần đuôi để lấy lông. Ngày 23/7/2010, Công an huyện Lắk (Đắk Lắk) đã bắt tạm giam 4 đối tượng chuyên trộm cắp lông đuôi voi gồm: Phạm Văn Huy, Lê Viết Dũng, Đàm Văn Nội và Y Bra H’Wing. Theo khai nhận, tháng 3/2010, Phạm Văn Huy và Đàm Văn Nội tìm đến một con voi nhà ở xã Đak Liêng (huyện Lắk) rồi dùng dao chặt đứt một đoạn đuôi dài khoảng 10 cm đem bán cho một tiệm vàng với giá 20 triệu đồng. Đến đầu tháng 7/2010, các đối tượng trên lại đến xã Đak Liêng nhổ trộm khoảng 200 sợi lông đuôi của một số con voi nhà, đem bán cho một tiệm vàng khác với giá 6 triệu đồng.

Ngược ngàn về miền cao nguyên, chỉ cách đây hơn một năm, khi những chú voi ở Buôn Đôn vẫn ngày ngày phải oằn mình phục vụ du lịch mới thấy thương. Vào thời điểm phải phục vụ du lịch, những ngày cao điểm tại đây, những con voi quý ở Buôn Đôn phải làm việc 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Cứ mỗi tiếng khách du lịch cưỡi voi, quản lý voi thu 400 ngàn đồng, sau mỗi tua làm việc cật lực, phần thưởng cho những con voi quý này chỉ là 1 hoặc 2 cây mía. Như vậy, một ngày làm việc, một con voi có thể mang về khoản lợi nhuận 2 đến 4 triệu đồng. Con voi cái có tên Buôn Nhang (63 tuổi) của ông Y Glư B’krông (trú tại buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cũng bị chết. Nguyên nhân voi chết được xác định do kiệt sức vì đã già nhưng vẫn phải phục vụ du lịch. Cùng với đó, ngày 11/2/2013, con voi cái tên H’plo (35 tuổi) thuộc sở hữu của Trung tâm Du lịch Bản Đôn (Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk) bị chết khi được thả ăn trong rừng. Nguyên nhân cũng do phục vụ du lịch quá sức.

Hai chú voi bị xiềng xích ở Công viên Thủ Lệ khiến nhiều người xót xa.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 1980, đàn voi của tỉnh này có 502 con. Năm 1990 còn 298 con và đến năm 2000 chỉ còn 96 con. Năm 2023 chỉ còn 37 con. Cùng với đó, ở Gia Lai, làng voi Nhơn Hòa (huyện Chư Sê) không còn chú voi nào sau khi voi Yẵ Tao là voi cuối cùng ở Bắc Tây Nguyên chết năm 2020. Trước thực trạng đàn voi Tây Nguyên ngày càng bị mai một dần, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn voi ở Tây Nguyên (chủ yếu là Đắk Lắk). Chính phủ giao cho các Bộ, ngành chức năng ở Trung ương phối hợp cùng các tỉnh có đàn voi xây dựng khu bảo tồn phát triển sinh cảnh sống lâu dài của voi, tổ chức lập hồ sơ gắn chip điện tử cho voi nhà để giám sát bảo vệ, nghiên cứu khoa học về sự sinh sản của voi đã thuần dưỡng để phát triển đàn voi nhà, ngăn chặn có hiệu quả các hành động săn bắn, buôn bán voi và các sản phẩm của voi.

Cứu lấy đàn voi

Trong ký ức của những già làng ở Tây Nguyên, từ xa xưa voi được xem như một thứ vật linh thiêng. Nó biểu trưng cho nét đẹp văn hóa truyền thống và sự sung túc của buôn làng. Các Băc Gru (thợ săn voi) kể rằng, mỗi cuộc săn, voi nhà chỉ rượt đuổi từ 1-2 voi con. Đôi khi chúng còn xua lũ voi con chạy để không bị bắt. Trông con voi to lớn, cặp mắt gườm gườm tưởng như dữ tợn lắm, nhưng lại rất lành. Nó yêu người, nhất là trẻ con. Chỉ trừ khi nó bị bắt buộc phải đánh lại đối phương, nó mới mang cái sức “khỏe như voi” ra để chiến đấu.

Tây Nguyên là một trong những địa phương có quần thể voi nhiều nhất và khả năng thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó Đắk Lắk chiếm tới 90%. Trong ký ức của những già làng ở Tây Nguyên, từ xa xưa voi được xem như một thứ vật linh thiêng. Chính vì lẽ đó, ai xâm hại đến voi, hành hạ voi là có tội với buôn làng. Thế nhưng, trải qua thời gian, truyền thống này mai một, voi chưa thuần dưỡng ở Tây Nguyên thì bị xâm hại theo kiểu bắn giết, voi đã thuần dưỡng thì bị vắt kiệt sức phục vụ kinh doanh nên đàn voi ít ỏi còn lại ở đại ngàn này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bây giờ, trước những sự thay đổi nghiệt ngã của thời cuộc, loài voi đang đứng trước nguy cơ tàn tạ. Nhiều người đã phải cay đắng thốt lên rằng nếu cứ như thế này, 10 năm nữa thôi Tây Nguyên sẽ chẳng còn voi nữa. Biểu tượng của Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong nỗi nhớ của mọi người và trong niềm tiếc nuối khôn nguôi.

Con người sau khi nhận ra họ đã “bóc lột” tàn tệ sức lao động của voi cho cái gọi là “du lịch văn hóa”, tận diệt môi trường sinh tồn và cả không gian sinh trưởng của voi đã có nhiều sự chung tay để cứu lấy những đàn voi ít ỏi còn sót lại. Như hai chú voi ở công viên Thủ Lệ cũng đang được cộng đồng mạng xót xa và nhiều người đã vận động để giải cứu hai chú voi này.

Thông điệp “Tôi cười cùng voi, tôi ngưng cưỡi voi” được Trung tâm du lịch Cầu Treo buôn Đôn truyền thông mạnh mẽ để lan tỏa thông điệp bảo vệ loài voi. Ảnh: Mán Hwing Bun.

Tại Tây Nguyên thời gian gần đây, bắt đầu từ tháng 1/2023 du khách khi du lịch tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) sẽ không còn cưỡi voi đi tham quan, thay vào đó du khách sẽ tham gia những hoạt động tương tác với voi. Thông điệp “Tôi cười cùng voi, tôi ngưng cưỡi voi” được Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn (Đắk Lắk) truyền thông mạnh mẽ để hướng tới mô hình du lịch thân thiện. Từ đầu năm 2023 tới nay, 6 con voi nhà tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn chính thức dừng cõng khách, chuyển sang mô hình du lịch thân thiện. Ngoài ra, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023 cũng không sử dụng voi để diễu hành trên đường phố, chỉ có các hoạt động tương tác thân thiện với voi. Hiện tại, Đắk Lắk còn khoảng 37 con voi nhà, các tỉnh Tây Nguyên theo thống kê còn khoảng 80-100 con voi hoang dã, giảm 90% số lượng so với năm 1980. Hơn 30 năm qua, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên chưa ghi nhận trường hợp voi nhà sinh sản thành công nên công tác bảo tồn voi được đặc biệt quan tâm.

Đến Buôn Đôn bây giờ, du khách sẽ thấy hai nấm mộ voi nằm song song trên đồi vắng trong Khu du lịch Buôn Đôn như một dấu ấn về sự khốn khổ của đàn voi. Sự vô tình của con người trong khai thác, sự tham lam của những kẻ săn ngà voi, săn đuôi voi còn tiếp diễn thì chẳng bao lâu nữa du khách đến với Tây Nguyên sẽ chỉ còn xem đàn voi nổi tiếng trong... bảo tàng. Nhiều người xót xa, mong rằng đừng để biểu tượng voi của Tây Nguyên chỉ còn là quá vãng.

Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã và đang cùng với Vườn quốc gia Yok Đôn và nhiều đơn vị khác phối hợp, giúp nhiều cá thể voi nhà tại Đắk Lắk thoát khỏi cảnh "xiềng xích", trở lại rừng xanh. Sau 4 năm hợp tác với AAF, 6 con voi nhà được giải cứu, thả vào Vườn Quốc gia Yok Đôn rộng 170.000 ha cùng 80 voi hoang dã.

Hoạt động thả voi về với rừng xanh của Đắk Lắk rất được cộng đồng quốc tế ghi nhận, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đồng tình ủng hộ. Những voi nhà bị ngược đãi, xuống sức sẽ được đưa về chăm sóc y tế đặc biệt. Sau khi hồi phục sức khỏe, voi sẽ được thả vào rừng tự do kiếm ăn giúp cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng và tránh xung đột với con người.

Mới đây nhất, vào 22/5/2023, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp với Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức thả chú voi rừng dính bẫy về với môi trường tự nhiên sau thời gian chăm sóc và điều trị. Khu vực thả voi thuộc tiểu khu 417, lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn. Đây là khu vực thường xuyên có voi rừng xuất hiện nên tạo điều kiện cho voi tái hòa nhập đàn.

Tiêu Dao

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nuoc-mat-cua-bay-voi-i705231/