Nước giàu 'khát' lao động nhập cư giá rẻ

A.I

(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp trong những ngành đòi hỏi kỹ năng thấp ở các nước giàu đang dựa nhiều hơn vào lực lượng lao động nhập cư giá rẻ để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại chỗ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo, sự phụ thuộc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như kìm hãm đổi mới, việc áp dụng công nghệ tự động hóa cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp yếu kém. Trong dài hạn, những vấn đề này có thể làm suy yếu năng suất tổng thể của nền kinh tế.

Lao động nhập cư làm việc ở một trang trại bò sữa ở bang Wisconsin. Mỹ. Ảnh: Wisconsin Center for Investigative Journalism

Ồ ạt tiếp nhận lao động nhập cư

Ở các nước như Canada, Đức và Anh, dòng chảy người nhập cư hiện cao gấp hai đến ba lần so với mức trước đại dịch Covid-19. Tại Mỹ, số người di cư đến nhiều hơn 3,3 triệu so với số người rời đi vào năm ngoái. 75% lao động nông trại và 30% công nhân xây dựng và khai thác mỏ ở Mỹ hiện nay là người nhập cư. Tổng thể, người nhập cư chiếm 18% lực lượng lao động của Mỹ vào năm 2021, so với 16% cách đây một thập niên, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Tại Anh, số lao động nhập cư tăng đột biến kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020. Hiện nay, hơn 27% y tá của Cơ quan Y tế quốc gia Anh là người nước ngoài, tăng từ khoảng 14% vào năm 2013. Ở Đức, khoảng 80% lao động tại các lò mổ là người nhập cư.

Với làn sóng di cư đạt mức cao kỷ lục trên toàn thế giới, các nhà kinh tế đang tranh luận về việc liệu một số ngành ở các nước giàu có đang trở nên quá phụ thuộc vào lao động nước ngoài hay không.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài có tay nghề thấp trở nên cấp thiết hơn khi dân số địa phương già hóa dẫn đến tình trạng khan hiếm của lực lượng lao động có sẵn.

Ở vùng nông thôn thuộc bang Wisconsin (Mỹ), John Rosenow không thể tìm được lao động địa phương làm việc ở trang trại bò sữa rộng 1.000 mẫu. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng 13 lao động nhập cư đến Mexico, ông đã tiết kiệm được khoản đầu tư tốn kém vào robot vắt sữa bò. Rosenow tự tin cho rằng, nếu cần gấp đôi nhân lực, ông có thể tuyển dụng thêm lao động nhập cư trong vòng một tuần.

Tuy nhiên, theo một một số nhà kinh tế, sự phụ thuộc vào lao động nhập cư đang lên đến ngưỡng không lành mạnh ở một số khu vực của nền kinh tế Mỹ. Điều này kìm hãm tăng trưởng năng suất và khiến các doanh nghiệp trì hoãn tìm kiếm giải pháp bền vững hơn cho tình trạng thiếu lao động như tăng đầu tư vào tự động hóa hoặc tái cấu trúc triệt để.

“Khi một ngành công nghiệp được tổ chức lại theo cấu trúc mới, khuyến khích tuyển dụng lao động nhập cư, rất khó để đảo ngược”, Martin Ruhs, giáo sư nghiên cứu di cư ở Florence (Ý) nói.

Cuộc tranh luận về lao động nhập cư có thể sẽ nóng hơn nữa khi các xã hội ở phương Tây tiến gần hơn đến “vực thẳm nhân khẩu học”. Lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, các nền kinh tế tiên tiến ghi nhận dân số trong độ tuổi lao động suy giảm. Theo một báo cáo gần đây của Công ty bảo hiểm Allianz của Đức, dân số trong độ tuổi lao động của EU sẽ giảm 20% vào năm 2050.

Có nhiều cách để bù đắp xu hướng suy giảm đó như khuyến khích người lao động lớn tuổi trì hoãn nghỉ hưu nhưng nhập khẩu lao động nước ngoài thường là sự lựa chọn dễ dàng nhất nhờ nguồn cung lao động dồi dào từ những khu vực có thu nhập thấp như Mỹ Latin hoặc châu Phi. Chính sách khuyến khích nhập cư cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì giúp tăng dân số và chi tiêu, ngay cả khi điều này vấp phải sự phản đối từ các nhóm bảo thủ, như đã xảy ra ở Mỹ và châu Âu.

Năng suất yếu hơn khi phụ thuộc lao động nước ngoài tay nghề thấp

Một số nghiên cứu kinh tế cho thấy, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào lao động nhập cư có tay nghề thấp có thể dẫn đến tăng trưởng năng suất yếu hơn. Điều này rốt cục sẽ quyết định nền kinh tế có thể mở rộng nhanh như thế nào.

Một nghiên cứu vào năm 2022 ở Đan Mạch cho thấy, khi dễ dàng tiếp cận lao động nhập cư, doanh nghiệp sẽ đầu tư ít hơn vào tự động hóa. Theo các nghiên cứu ở Úc và Canada, người nhập cư di cư có thể giúp các công ty yếu kém tồn tại nhưng ảnh hưởng đến năng suất tổng thể.

Tăng trưởng năng suất lao động ở các nền kinh tế tiên tiến đã chậm lại trong những năm gần đây. Tại Mỹ và Anh, năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp đã không thay đổi trong một thập niên qua hoặc lâu hơn. Dữ liệu của OECD cho thấy, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước có chính sách nhập cư ít thông thoáng hơn, năng suất của ngành nông nghiệp tăng khoảng 1,5% mỗi năm.

Tại Canada, các nhà kinh tế cho biết, chính phủ đã từ bỏ hệ thống nhập cư được giám sát cẩn thận, ưu tiên những người lao động có tay nghề cao. Trong những năm gần đây, Canada tăng cường tiếp nhận sinh viên nước ngoài và những người lao động tạm thời có tay nghề thấp.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố cuối năm ngoái, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, David Dodge cho rằng, bằng cách ồ ạt nhập khẩu lao động giá rẻ, Canada có thể đang hỗ trợ các doanh nghiệp kém cạnh tranh, cuối cùng gây tổn hại đến năng suất.

Mikal Skuterud, nhà kinh tế của Đại học Waterloo ở tỉnh Ontario, lưu ý sau nhiều năm tiếp nhận lượng dân nhập cư cao kỷ lục, Canada đã ghi nhận sản lượng kinh tế bình quân đầu người thấp hơn so với năm 2018.

Tìm kiếm sự cân bằng hợp lý để duy trì sự năng động của nền kinh tế ở các nước đang có dân số già hóa bằng cách tận dụng nguồn lao động nhập cư nhưng tránh sự phụ thuộc quá mức vào nguồn lao động này là điều khó khăn. Trong nhiều ngành, chủ doanh nghiệp ở các nước phát triển không có giải pháp rõ ràng để thay thế lao động nước ngoài. Việc dừng sử dụng lao động nhập cư đột ngột sẽ khiến giá một sản phẩm đắt đỏ hơn và tước đi cơ hội cải thiện thu nhập của người lao động ở nước nghèo.

Anna Boucher, chuyên gia di cư toàn cầu của Đại học Sydney, cho rằng lao động nhập cư có tay nghề thấp có lẽ cần thiết trong ngắn hạn để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động bản địa. Nếu không sử dụng lao động nhập cư, một số dịch vụ chăm sóc trẻ em ở Úc sẽ ngừng hoạt động và rau củ sẽ chết héo trên các cánh đồng.

Robot thu hoạch dâu tây ở một trang trại tại bang Tasmania, Úc. Tăng cường tự động hóa trong sản xuất là giải pháp để bù đắp cho vấn đề thiếu lao động tại chỗ ở các nước giàu nhưng nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, đầu tư cho tự động hóa quá tốn kém. Ảnh: abc.net.au

Robot không hiệu quả bằng con người?

Theo Dan Andrews, chuyên gia về năng suất của OECD, đối với các chính phủ của nước giàu, việc theo đuổi những cải cách nhằm tăng năng suất và cho phép các công ty yếu kém phá sản khó hơn rất nhiều so với việc triển khai chính sách tăng cường nhập cư.

Để thúc đẩy tự động hóa, chính phủ Anh đang đổ tiền đầu tư vào các công nghệ nông nghiệp. London đang xem xét bãi bỏ quy định cho phép doanh nghiệp trả lương cho lao động nhập cư thấp hơn 20% so với mức trả cho lao động bản địa. Kế hoạch này vấp phải phản đối từ các nhóm vận động hành lang cho các chủ trang trạng ở Anh vì những người này cho rằng, nông dân sẵn sàng áp dụng công nghệ nhưng robot hái trái cây và thu hoạch rau quả không hiệu quả như con người.

Năm ngoái, chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ dừng việc tuyển dụng lao động nước ngoài. Các quan chức Malaysia cho rằng, sự phụ thuộc quá mức vào lao động nước ngoài giá rẻ đã tạo ra một chu kỳ bất lợi, kìm hãm sự đổi mới của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp phản đối kế hoạch trên vì cần thời gian để đầu tư vào tự động hóa và nâng cấp kỹ năng của lao động. Kể từ đó, một số ngành như sản xuất và đồn điền nông nghiệp được phép tiếp tục thuê lao động nhập cư.

Ở bang Wisconsin của Mỹ, nông dân chăn nuôi bò sữa Rosenow hoài nghi tính hiệu quả của máy vắt sữa bò tự động. Theo ông, một số chủ trang trại quay lại sử dụng sức lao động của con người sau khi thử nghiệm máy vắt sữa bò và tốn quá nhiều chi phí sửa chữa. Chi phí mua và vận hành máy vắt sữa bò cao gấp đôi so với lao động nhập cư.

Onan Whitcomb, một nông dân chăn nuôi bò sữa ở bang Vermont lại không đồng tình với quan điểm của Rosenow. Khi muốn tăng sản lượng sữa bò, Whitcomb quyết định không thuê lao động nhập cư. Thay vào đó, ông chi 800.000 đô la Mỹ để mua 4 máy vắt sữa do Hà Lan sản xuất. Nhờ máy vắt sữa, sản lượng sữa trên mỗi con bò tăng 30% và tỷ lệ mắc bệnh viêm vú đã giảm 80%, đồng nghĩa với việc chi tiêu ít hơn cho thuốc kháng sinh. Ông tính toán khoản đầu tư này sẽ hoàn vốn sau 7 năm.

Theo WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nuoc-giau-khat-lao-dong-nhap-cu-gia-re/