Núi lửa phun ở Indonesia ảnh hưởng đến thời tiết và không khí trong khu vực ra sao?

Một ngọn núi lửa hoạt động mạnh ở Indonesia đã phun trào lần thứ hai trong vòng 2 tuần. Việc này được cho là sẽ làm thay đổi thời tiết và không khí trong khu vực Đông Nam Á và thậm chí là rộng hơn.

Núi lửa Ruang ở Indonesia đã có những đợt phun trào rất mạnh trong thời gian gần đây. Theo ước tính của vệ tinh, các vụ phun trào của núi Ruang đã tạo ra những đám tro khổng lồ và một số loại khí từ núi lửa bị bắn lên cao gần 20 km, tức là cao hơn khoảng 7 km so với độ cao mà máy bay thương mại thường bay.

Theo các chuyên gia khí tượng, một vụ phun trào lớn của núi lửa có khả năng gây ảnh hưởng đến thời tiết và không khí trong khu vực do các loại tro và khí mà núi lửa phun ra sẽ bay cao, lan rộng.

Núi lửa Ruang ở Indonesia phun nham thạch và tro bụi lên cao. Ảnh: Trung tâm Giảm thiểu Rủi ro Núi lửa và Địa chất/ AFP/ Getty.

Tro từ núi lửa thường là hỗn hợp gồm đá, các khoáng chất và thủy tinh bị nghiền nát, còn các loại khí thì thường gồm hơi nước, carbon dioxide (CO2) và sulfur dioxide (SO2), theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Tro núi lửa bay lên có thể chặn bớt ánh nắng, nên khiến nhiệt độ giảm tạm thời ở các vùng gần núi lửa, đồng thời khiến chất lượng không khí giảm, có thể đến mức độc hại. Ở các nước lân cận, nếu có tro bụi núi lửa bay sang thì người dân nên dùng khẩu trang lọc khí tốt để che kín đường hô hấp khi ra ngoài (khẩu trang bình thường ít hiệu quả). Thực tế, tro bụi từ núi lửa Ruang đã lan sang tới Malaysia, theo trang The Guardian.

Dù sao, tro bụi nặng nên sẽ nhanh chóng rơi xuống, thường là sau vài ngày, còn thứ tồn tại lâu chính là các loại khí mà núi lửa phun ra, ở trên cao trong bầu khí quyển.

Tro bụi từ núi lửa Ruang đã lan sang Malaysia. Ảnh: AFP.

Một số loại khí mà núi Ruang phun ra, như hơi nước và SO2, đã lên cao đến tầng bình lưu, là tầng thứ hai của bầu khí quyển Trái Đất, ở phía trên tầng đối lưu. Tại đây, hơi nước và khí SO2 kết hợp tạo thành những sol khí (có khi được gọi là bụi khí) axit sulfuric, từ đó lại tạo ra một lớp các giọt sương rất nhỏ. Những giọt này lan đi rất xa khỏi vị trí ban đầu (nơi mà núi lửa phun lên), tồn tại rất lâu, phản chiếu ánh nắng ngược trở lại và khiến nhiệt độ trong khu vực (Đông Nam Á hoặc rộng hơn) giảm một chút.

Hôm nay, nồng độ khí SO2 ở Indonesia và Malaysia đang ở mức cao (màu đỏ đậm). Ảnh: Windy.

Tuy nhiên, theo ông Greg Huey, người đứng đầu Trường Khoa học Khí quyển và Trái Đất của Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ), thì ảnh hưởng của vụ phun trào núi lửa Ruang đến thời tiết trong khu vực cũng chỉ ở mức ít và không kéo dài vì chưa biết rõ lượng khí SO2 lên đến tầng bình lưu là bao nhiêu trong khoảng 300.000 tấn khí SO2 mà núi Ruang phun ra. Hơn nữa, do tác động của biến đổi khí hậu còn lớn hơn nhiều nên ảnh hưởng của núi Ruang - làm giảm nhiệt một chút - cũng sẽ chỉ là ngắn hạn mà thôi. Người dân ở các nước trong khu vực chủ yếu nên theo dõi mức độ ô nhiễm không khí do các loại khí từ núi lửa, từ đó có cách phù hợp để giảm thiểu tác hại.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/nui-lua-phun-o-indonesia-anh-huong-den-thoi-tiet-va-khong-khi-trong-khu-vuc-ra-sao-post1633619.tpo