Nữ vận động viên khuyết tật quê Nghệ An từng phá kỷ lục thế giới

Bị khuyết tật từ nhỏ, phải vào miền Nam để mưu sinh, nhưng từ niềm đam mê thể thao, vận động viên Nguyễn Thị Hải (quê ở huyện Hưng Nguyên) đã vượt qua mọi khó khăn để giành nhiều thành tích ấn tượng tại các giải đấu.

“Máy gặt vàng” của thể thao người khuyết tật Việt Nam

Sinh năm 1985, là con út trong một gia đình 6 anh, chị em ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), ngay từ khi còn rất nhỏ, Nguyễn Thị Hải đã gặp một biến cố lớn khiến cô trở thành người khuyết tật. Cơn sốt bại liệt ác tính vào năm 3 tuổi đã khiến đôi chân của cô teo lại và không bao giờ còn đi đứng như người bình thường.

Tuy vậy, Hải luôn khát khao được đến trường, được hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Hiểu được mong muốn của con nên dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng bố mẹ Hải vẫn gắng cho cô con gái tật nguyền của mình đi học.

Vận động viên Nguyễn Thị Hải nhận Huân chương Lao động hạng Ba sau thành tích giành 3 Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) năm 2023. Ảnh: NVCC

Giữa năm 2003, sau khi Nguyễn Thị Hải tốt nghiệp THPT, một “bài toán” nan giải được đặt ra đối với Hải là kinh tế gia đình quá eo hẹp, bố mẹ cô sức khỏe yếu, các anh chị cũng đều gặp khó khăn trong việc mưu sinh nên cô không còn chỗ dựa nào, phải tìm cách tự lập. Trong khi đó, ở quê nhà, những người khuyết tật như cô rất khó để tìm được việc làm phù hợp. Sau nhiều trăn trở, tìm hiểu, Hải quyết định “Nam tiến” vào Thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà cô biết rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn ở quê nhà.

Tại thành phố mang tên Bác, Nguyễn Thị Hải tìm đến một mái ấm tình thương ở quận Bình Thạnh - nơi dạy nghề, tạo việc làm cho các trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật. “Vào đây em thấy có nhiều chị em còn khuyết tật nặng hơn mình. Lúc đó em mới thấy rằng, mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Thế là em tự hứa sẽ phấn đấu, cố gắng chứng minh được bản thân mình khuyết tật, nhưng mình sẽ làm được những việc mà những người bình thường làm được”, Nguyễn Thị Hải kể lại.

Được học nghề, tạo việc làm, Nguyễn Thị Hải ngày càng cảm thấy tự tin, sức khỏe cũng ngày một tốt hơn. Và dù đôi chân không thể đi lại bình thường, nhưng nhờ có thể hình, sức khỏe tốt nên vào cuối năm 2004, cô đã được giới thiệu tới huấn luyện viên điền kinh Đặng Văn Phúc lúc bấy giờ đang đi tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao khuyết tật của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong một lần thử đẩy tạ, cô gây bất ngờ với thành tích nổi trội hơn các vận động viên tập luyện từ trước. Lập tức Hải được bổ sung vào đội tuyển thể thao người khuyết tật thành phố để tập luyện, chuẩn bị tham gia các giải đấu toàn quốc.

Tháng 7/2005, Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Thị Hải tham gia 3 môn đẩy tạ, ném lao, ném đĩa và giành luôn 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, rồi được vào Đội tuyển điền kinh khuyết tật Việt Nam dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEA Para Games) được tổ chức tại Thủ đô Manila của Philippines.

Tại giải đấu này, Nguyễn Thị Hải giành 3 Huy chương Vàng ở 3 nội dung ném lao, ném đĩa, đẩy tạ, là thành tích giúp cô được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nguyễn Thị Hải trong lần tham gia Paralympic 2020 tại Tokyo. Ảnh: NVCC

Kể từ đó, Nguyễn Thị Hải trở thành một “máy gặt vàng” hàng đầu của thể thao người khuyết tật Việt Nam. 18 năm thi đấu ở các đấu trường trong nước và quốc tế, vận động viên quê Nghệ An này đã đoạt 24 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại các kỳ Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games), trong đó, đặc biệt nhất là tại ASEAN Para Games 2014, cô đã từng phá kỷ lục thế giới ở môn ném lao với thành tích 24,88m.

Ở quy mô các giải thi đấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2006, cô đoạt Huy chương Bạc môn ném đĩa và Huy chương Đồng nội dung đẩy tạ. Năm 2015, vừa mới trở lại thi đấu sau khi sinh con gái đầu lòng được hơn 6 tháng, Hải đoạt Huy chương Bạc Asian Para Games ở Singapore. Năm 2018, khi giải đấu này diễn ra tại Indonesia, cô đoạt Huy chương Đồng nội dung ném đĩa.

“Giải đấu mà em nhớ nhất, dù không giành được huy chương, là Paralympic được tổ chức ở Thủ đô London của nước Anh. Những ngày đầu tiên đến với thể thao, em đã mơ ước một ngày được dự một kỳ Olympic dành riêng cho người khuyết tật. Lúc ấy với em, đó hoàn toàn chỉ là một giấc mơ, vậy mà đến năm 2012 nó đã trở thành hiện thực.

Đó cũng là lần đầu tiên em được đặt chân đến một đất nước châu Âu, được tranh tài với các vận động viên khuyết tật trên khắp thế giới. Sau này, vào năm 2021, em có thêm một lần dự Paralympic tại Tokyo, nhưng giải đấu tại London vẫn là giải đấu đặc biệt nhất trong cuộc đời em.

Vận động viên Nguyễn Thị Hải

Mái ấm hạnh phúc

Nguyễn Thị Hải cho rằng, những thành công mà cô đạt được trong thể thao đến ngày hôm nay là nhờ động lực đến từ gia đình: “Trong gia đình, em là người duy nhất học hết THPT, các anh chị đều đã phải nghỉ học giữa chừng để cho em được đến trường. Hồi em còn đi học, các anh, chị đều tự nguyện, thậm chí còn giành nhau để ngày nào cũng có người chăm nom, rồi đưa, đón em đi học.

Chính vì thế, mỗi khi gặp khó khăn hay nản chí trong cuộc sống và sự nghiệp thể thao, em lại nghĩ về gia đình với những người thân yêu ở quê nhà, rồi tự nhủ không được phép buông xuôi, phải trụ vững bằng được trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Không những có động lực từ gia đình ở quê nhà Nghệ An, tình yêu, tổ ấm mới ở mảnh đất phương Nam cũng tiếp thêm cho Hải sức mạnh để vượt lên chính mình, giành nhiều thành tích ấn tượng trong sự nghiệp thể thao cũng như vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Những năm đầu tại mái ấm tình thương ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Hải đã gặp Cao Ngọc Hùng (SN 1990), cũng là một người khuyết tật, quê ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Dù là “chị em” cách nhau 5 tuổi, nhưng niềm đam mê thể thao làm cầu nối họ đến gần nhau hơn. Suốt 10 năm ròng, từ năm 2004 - 2014, họ vừa là chị em, là đồng đội cùng nhau luyện tập 3 nội dung sở trường là ném lao, ném đĩa, đẩy tạ, rồi cùng nhau thi đấu nhiều giải quốc tế.

Cặp vợ chồng vận động viên người khuyết tật Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải. Ảnh: NVCC

Cuối năm 2014, Nguyễn Thị Hải và Cao Ngọc Hùng kết hôn, trở thành cặp đôi vàng trong làng thể thao người khuyết tật Việt Nam. Số phận sắp đặt họ không có được sự hoàn hảo về cơ thể, nhưng bù lại chính là nghị lực phi thường. Sau khi chính thức lập gia đình, nghề chính của hai vợ chồng là kinh doanh quán ăn.

Với tấm bằng Trung cấp Dược, Nguyễn Thị Hải còn nỗ lực kiếm thêm thu nhập qua bán mỹ phẩm trực tuyến. Nhưng họ vẫn duy trì tập luyện thể thao để tham dự các giải đấu trong nước, quốc tế, giành huy chương để có tiền thưởng trang trải cho cuộc sống. Khi Cao Ngọc Hùng ngồi ghế, ném lao hay đẩy tạ, cô là người thu hồi dụng cụ và ngược lại. Lúc sinh con đầu lòng, Nguyễn Thị Hải ngừng tập luyện, ở nhà làm hậu phương để giúp chồng theo đuổi sự nghiệp và thành quả là tấm Huy chương Đồng lịch sử ở môn ném lao của Cao Ngọc Hùng tại Paralympic 2016.

Đến năm 2020, cuộc sống của cặp vợ chồng vận động viên khuyết tật bớt khó khăn khi họ được nhận lương dành cho vận động viên. Nên biết rằng, trong rất nhiều vận động viên khuyết tật, rất ít người có lương đều đặn, chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt và đạt thành tích cao. Cũng trong năm 2020, Nguyễn Thị Hải lọt vào danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Hiện nay, cặp đôi Hùng - Hải đã có với nhau 2 cô con gái khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

Nguyễn Thị Hải cho biết, hơn 18 năm gắn bó với thể thao người khuyết tật với bao khó khăn, vất vả và cả những vinh quang, nhưng đọng lại với cô vẫn là niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt, bởi chính thể thao đã giúp cô tự tin hòa nhập với cuộc sống, góp phần thay đổi cuộc đời và tự tin truyền cảm hứng cho những hoàn cảnh kém may mắn. Hiện Nguyễn Thị Hải đang nỗ lực tập luyện, giữ phong độ ổn định để có được suất dự Paralympic Paris 2024 tại Pháp./.

Minh Quân

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nu-van-dong-vien-khuyet-tat-que-nghe-an-tung-pha-ky-luc-the-gioi-post280977.html