Nữ Trung tá 'đa nhiệm vụ'

Gặp Trung tá Vương Bích Hòa, cán bộ Đội Huấn luyện thuộc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ (TTHL&BDNV), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tại bể bơi của đơn vị khi chị đang huấn luyện lớp sĩ quan bảo vệ tiếp cận, ấn tượng đầu tiên với tôi là khuôn mặt cực ưa nhìn và nụ cười tỏa nắng.

Với tính cách trẻ trung, tươi tắn, ít ai biết rằng chị đã bước vào tuổi 52 và là một giáo viên, huấn luyện viên, vận động viên kiêm tổng trọng tài môn bơi nghiệp vụ trong CAND.

Năm 2002, khi tròn 30 tuổi, Vương Bích Hòa làm đơn tạm tuyển vào công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Một năm sau đó, chị chính thức trở thành nữ sĩ quan Cảnh vệ và đầu quân cho Trung tâm TTHL&BDNV. Quyết định vào ngành ở độ tuổi không còn trẻ, nhiều người không khỏi ái ngại cho chị. Nhưng với tinh thần lạc quan, được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, Trung tá Vương Bích Hòa đã biến những điều tưởng như bất lợi thành lợi thế của mình.

Trung tá Vương Bích Hòa (đường đua số 4) - vận động viên Đội tuyển Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tham gia thi đấu môn bơi ứng dụng tại Hội thao ứng dụng nghiệp vụ lực lượng CAND năm 2023.

Với niềm đam mê môn thể thao bơi từ nhỏ, tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao chuyên ngành bơi, Vương Bích Hòa không quá khó khăn khi tiếp cận môi trường làm việc mới. “Ngay năm đầu về Bộ Tư lệnh Cảnh vệ công tác, tôi cứ suy nghĩ mãi về việc võ thuật, quân sự, bắn súng là những môn huấn luyện bắt buộc nhằm trang bị những kỹ năng tối thiểu cho CBCS Công an trong quá trình đấu tranh trấn áp các loại tội phạm. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, gặp các tình huống như lũ lụt, sông nước, nhất là khi bảo vệ đối tượng cảnh vệ đi công tác… thì người chiến sĩ Công an, sĩ quan bảo vệ tiếp cận phải xử lý như thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, vừa đảm bảo an toàn về người và tài liệu cho đối tượng cảnh vệ; vừa cứu được người dân…”, Trung tá Hòa chia sẻ.

Với mong muốn “nâng cấp” môn bơi từ một nội dung rèn luyện thể chất, trở thành một nội dung huấn luyện mang tính đặc thù của lực lượng Cảnh vệ, chủ động về giáo trình và nội dung huấn luyện, Ban Giám đốc TTHL&BDNV đã chỉ đạo Trung tá Vương Bích Hòa tìm hiểu kỹ về nhiệm vụ công tác cảnh vệ, nhất là nhiệm vụ của đội ngũ sĩ quan bảo vệ tiếp cận; đặt ra các tình huống nghiệp vụ cần sử dụng đến các kỹ năng bơi. Trên cơ sở đó đã dày công nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Bộ Tư lệnh ứng dụng môn bơi nghiệp vụ vào thực tiễn công tác cảnh vệ nói riêng.

Nhận thấy tính ứng dụng cao của môn bơi nghiệp vụ trong quá trình thực hiện công tác cảnh vệ, lãnh đạo Bộ Tư lệnh đã đồng ý với đề xuất của Ban Giám đốc Trung tâm; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Trung tá Vương Bích Hòa và TTHL&BDNV nghiên cứu, thử nghiệm.

Sau 3 năm nghiên cứu, tìm tòi, hoàn thiện giáo trình huấn luyện, năm 2006, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chính thức đưa môn bơi nghiệp vụ vào nội dung huấn luyện bắt buộc hằng năm đối với các đơn vị trực tiếp chiến đấu và Trung tá Hòa trực tiếp là người đứng lớp. Với bước đột phá này, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là đơn vị đầu tiên của Bộ Công an tiến hành huấn luyện môn bơi nghiệp vụ. Năm 2010, chị trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện bơi nghiệp vụ cho sĩ quan bảo vệ tiếp cận.

“Bơi nghiệp vụ gồm 3 nội dung: bơi vũ trang áp dụng trong tình huống CBCS Công an đi làm nhiệm vụ, bơi cả quần áo và mang theo cả vũ khí, công cụ hỗ trợ; bơi bao gói áp dụng trong quá trình bảo vệ đối tượng cảnh vệ đi công tác gặp tình huống lũ lụt, sĩ quan bảo vệ tiếp cận vừa phải bảo vệ người, vừa phải bảo vệ tài liệu, tư trang của đối tượng cảnh vệ; bơi cứu nạn được áp dụng trong tình huống cứu người bị đuối nước”, Trung tá Hòa chia sẻ.

Với tính ứng dụng cao, năm 2016, Bộ Công an tổ chức lớp tập huấn bơi nghiệp vụ cho trên 100 cán bộ huấn luyện của công an các đơn vị, địa phương trong cả nước và chính thức đưa vào huấn luyện trong toàn lực lượng. Trung tá Vương Bích Hòa được chọn làm giáo viên chính, trực tiếp đứng lớp. Từ năm 2017, bơi nghiệp vụ trở thành nội dung thi đấu chính thức tại các kỳ Hội thao toàn lực lượng CAND.

“Được đào tạo chính quy chuyên ngành huấn luyện viên Bơi tại Trường Đại học Thể dục Thể thao, khi về công tác tại Bộ Tư lệnh, Trung tá Vương Bích Hòa đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, bám sát nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, kịp thời tham mưu với Ban Giám đốc Trung tâm để tham mưu lãnh đạo Bộ Tư lệnh triển khai nội dung huấn luyện bơi nghiệp vụ đối với CBCS các đơn vị nghiệp vụ chiến đấu và phổ cập bơi đối với toàn thể CBCS trong Bộ Tư lệnh. Là cán bộ nữ duy nhất của Đội Huấn luyện, Trung tá Hòa đã phát huy lợi thế mang tính đặc thù về giới và vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện. Đồng chí đã trực tiếp góp phần đào tạo được nhiều thế hệ vận động viên Bơi có sự kế thừa, kế cận trong Bộ Tư lệnh” – Trung tá Vũ Thanh Khương, Giám đốc Trung tâm TTHL&BDNV chia sẻ.

Là cán bộ thuộc Đội huấn luyện, từ năm 2006 đến nay, Trung tá Vương Bích Hòa trực tiếp huấn luyện môn bơi nghiệp vụ và phổ cập bơi cho hàng vạn lượt CBCS Cảnh vệ thuộc các đối tượng khác nhau, từ chiến sĩ nghĩa vụ đến sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Nằm trong tổng thể chương trình huấn luyện của mỗi khóa đào đạo, thời gian dành cho huấn luyện môn bơi không nhiều. Vì vậy để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; độ tuổi, trình độ của từng nhóm đối tượng đòi hỏi giáo viên huấn luyện phải nghiên cứu, đưa ra những nội dung huấn luyện sát với thực tế công tác chiến đấu.

“Khi huấn luyện môn bơi cho chiến sĩ nghĩa vụ, phần lớn các cháu chưa biết bơi. Nhiều cháu còn rất sợ nước, nhất định không chịu xuống nước. Đối với những trường hợp này, mình phải dành thời gian ngoài giờ, gần gũi để tìm hiểu nguyên nhân sợ nước. Từ đó, có biện pháp trấn an, động viên, khích lệ để các cháu xóa tan nỗi ám ảnh, tự tin xuống nước học bơi. Kết thúc khóa huấn luyện, nhiều cháu không chỉ hết sợ nước mà còn hoàn thành xuất sắc môn huấn luyện. Kết thúc khóa huấn luyện, chia tay về đơn vị làm nhiệm vụ, chúng cứ tíu tít “tạm biệt mẹ Hòa”. Đối với đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận, bơi cứu nạn và bơi báo gói là hai nội dung đặc biệt quan trọng. Mục tiêu huấn luyện là trang bị cho sĩ quan bảo vệ tiếp cận những kỹ năng nâng cao nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về người cùng tư trang, tài liệu của đối tượng cảnh vệ; đồng thời có khả năng tham gia cứu được nhiều người khi gặp sự cố xảy ra” – Trung tá Hòa chia sẻ.

Không chỉ làm giáo viên đứng lớp, Vương Bích Hòa còn trực tiếp làm huấn luyện viên kiêm vận động viên đội tuyển bơi thành tích cao của Bộ Tư lệnh. Năm 2007, lần đầu tiên tham gia Giải bơi toàn lực lượng CAND, Đoàn VĐV của Bộ Tư lệnh đã mang về chiến thắng giòn giã, giành Giải Nhất toàn đoàn. Chỉ riêng ở lĩnh vực vận động viên, cá nhân chị đã có trong tay 5 Huy chương vàng, 7 Huy chương bạc và 8 Huy chương đồng ở các nội dung thi đấu. Đội tuyển bơi thành tích cao do chị trực tiếp huấn luyện và tham gia thi đấu đã mang về cho Bộ Tư lệnh hàng chục huy chương các loại ở tất cả các kỳ hội thao và các giải thi đấu của Bộ Công an.

Với trình độ chuyên môn vững chắc, uy tín, trách nhiệm, Trung tá Vương Bích Hòa nhiều lần được Ban tổ chức Hội thao toàn lực lượng mời làm Tổng trọng tài môn bơi nghiệp vụ. Sau 21 năm vào ngành, ở tuổi 52, Trung tá Vương Bích Hòa chính thức nghỉ tham gia thi đấu, chuyên tâm vào công tác huấn luyện, đào tạo.

“Mặc dù bén duyên với Cảnh vệ khá muộn, nhưng chính môi trường công tác cảnh vệ đã tạo điều kiện để tôi được sống đúng với niềm đam mê bơi lội của mình, được thỏa sức sáng tạo và cống hiến, được thể hiện năng lực của bản thân một cách tối đa. Đó là điều may mắn nhất đối với tôi. Trong quá trình công tác, đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau; trực tiếp đào tạo, huấn luyện bơi cho nhiều nhóm đối tượng có trình độ, tuổi đời, vị trí công tác khác nhau. Điều đó đã cho tôi những trải nghiệm thú vị mà không phải ai cũng có được. Đó là trải nghiệm của người làm thầy, người huấn luyện viên, vận động viên; trải nghiệm của người làm công tác trọng tài”, Trung tá Hòa vui vẻ chia sẻ.

Hải Đường

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/nu-trung-ta-da-nhiem-vu-i724662/