Nữ tiến sĩ bám bản dạy học để 'trả nợ'

Giáo viên muốn về vùng biên giới dạy học đã ít, giáo viên giỏi muốn ở lại còn ít hơn. Vậy mà gạt đi những cơ hội hấp dẫn, Tiến sĩ Lã Thị Thanh Huyền tình nguyện bám trường, bám bản với khát khao cống hiến để 'trả nợ' mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.

Khi tiếng Mông bước vào đề tài luận án tiến sĩ

Đến Trường Phổ thông THCS dân tộc bán trú Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An)-nơi chị Huyền đang làm Phó hiệu trưởng-vào một buổi chiều muộn, chúng tôi có dịp quan sát chị họp chuyên môn với đồng nghiệp. Nhìn cách chị Huyền triển khai công việc, chúng tôi thêm hiểu vì sao cô gái quê gốc TP Vinh, tỉnh Nghệ An lại có thể gắn bó 20 năm cuộc đời mình ở mảnh đất miền Tây xứ Nghệ đầy nắng gió.

Về công tác tại Kỳ Sơn đầu năm 2003, cô nữ sinh Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Lã Thị Thanh Huyền được phân công dạy học tại Trường THCS Mường Lống ở xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn. Tiếng Mông đến với chị Huyền từ mong muốn hiểu ngôn ngữ, văn hóa, tập quán của người Mông để có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đến khi chị Huyền làm dâu của người Mông thì Mường Lống trở thành quê hương thứ hai của chị và các con.

Tiến sĩ Lã Thị Thanh Huyền góp phần đưa tri thức đến gần hơn với học sinh người dân tộc Mông.

Là dâu người Mông nên chị Huyền càng có cơ hội nhận ra học sinh người Mông không hề kém mà chỉ chưa thành thạo tiếng Việt để tiếp nhận kiến thức. Ngôn ngữ là vật chất của tư duy. Không có vốn tiếng Việt thì không thể viết tư duy của mình, nói ý nghĩ của mình bằng tiếng Việt. Làm thế nào để học sinh người Mông nâng cao chất lượng học tập? Với trăn trở đó, năm 2011, chị Huyền xuống núi thi cao học ở Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Vinh. Đề tài “Rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh dân tộc Mông ở trường trung học cơ sở” đã được chị đưa vào luận văn bảo vệ thạc sĩ thành công năm 2013. Chưa dừng lại ở đây, năm 2019, chị Huyền bảo vệ thành công đề tài luận án tiến sĩ “Dạy học đọc hiểu văn bản thông tin trong môn Ngữ văn cho học sinh dân tộc thiểu số Mông ở trường trung học cơ sở”.

Nhận tấm bằng tiến sĩ trở về, chị Huyền được nhiều trường đại học lớn chiêu mộ bởi chuyên ngành chị theo đuổi là một trong những chuyên ngành mà hệ thống đại học đang rất thiếu. Trở về Trường THCS Na Ngoi làm một giáo viên dạy Ngữ văn bình thường, chị nhận ra mục tiêu đi học của mình hóa ra không phải để có cơ hội thay đổi môi trường tốt hơn mà là muốn làm những điều có giá trị cho Kỳ Sơn. “Ngày xưa cứ nghĩ học xong để đi về xuôi nhưng tôi mang ơn Kỳ Sơn. Mảnh đất này đã đón nhận tôi những ngày mới ra trường và nuôi tôi đi học, tôi quay lại để cống hiến, để trả ơn. Bạn ở đâu không quan trọng, mà ở đó bạn làm gì, có thoải mái không, có hứng thú không. Thế là tôi ở lại”, chị Huyền tâm sự.

Mong biến “đá thành ngọc”

Trong suốt 20 năm công tác ở Kỳ Sơn, chị Huyền chia sẻ: “Ba năm ở Trường Phổ thông THCS dân tộc bán trú Tây Sơn là thời gian đặc biệt nhất trong nghề của tôi. Những trăn trở, hoài bão, ý tưởng đến việc triển khai thực hiện được đồng bộ. Nhiều giải pháp thành công hơn cả mong đợi”. Đặc biệt, ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông của chị Huyền đã trở thành hiện thực. Cùng với sự đồng hành của thầy Vi Văn Hùng, Tổng phụ trách Đội của nhà trường, câu lạc bộ thu hút sự quan tâm của học sinh, nhen lên tình yêu, niềm tự hào về giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mông, để các em có trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Mới thành lập được ít năm nhưng đến giờ, câu lạc bộ đi thi ở đâu đều gặt hái thành công ở đó.

Song song với các hoạt động ngoại khóa, những nghiên cứu khoa học của TS Lã Thị Thanh Huyền đều được áp dụng vào hoạt động giảng dạy, khai thác những mặt mạnh của giáo viên và học sinh. Hành trình đầy nỗ lực, đam mê và trách nhiệm của chị Huyền lại có thêm "trái ngọt" khi lần đầu Trường Phổ thông THCS dân tộc bán trú Tây Sơn đi thi có giải-năm học 2021-2022, học sinh của chị đoạt giải ba cấp huyện và cấp tỉnh cuộc thi khoa học kỹ thuật. Chất lượng học sinh được nâng dần lên, chỉ sau 3 năm từ vị trí cuối, trường đã vươn lên đứng thứ 13/19 trường toàn huyện. Trước đây, học sinh ở Tây Sơn chỉ có 1 đến 2 học sinh giỏi cấp huyện thì nay con số đã là hơn 10 em.

Ở vùng đất lần đầu tiên có giáo viên trình độ tiến sĩ thì việc một số người không hiểu công việc của họ đặc thù thế nào cũng không có gì lạ. Vượt qua những khó khăn ngoại cảnh, nói như giới nghiên cứu khoa học thì lĩnh vực dân tộc thiểu số như một vùng đất hoang, có rất nhiều đề tài để khai phá, để thay đổi. Chị Huyền mong mình có nhiều “đất” để triển khai các ý tưởng, từ định hướng nghề nghiệp cấp THCS đến tiếp cận tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhìn lại hai thập niên đồng hành với học trò nơi vùng cao, chị Huyền trải lòng: “Thực tế, kiến thức hiện nay nhiều và nặng, không phân biệt đối tượng, dân tộc nào, học sinh lên lớp nghe cô giảng bằng tiếng Việt như “vịt nghe sấm”. Làm thế nào để cân bằng chủ trương bảo tồn tiếng nói của người dân tộc, để họ có tri thức phát triển kinh tế đặc thù vùng miền? Muốn vậy, chương trình học phải khác. Học sinh phải được tiếp cận tri thức bằng chính ngôn ngữ của họ, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai". Vì lẽ đó, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu biên soạn tài liệu bổ trợ song ngữ Việt-Mông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An” vừa được phê duyệt đã giúp chị Huyền có thêm cơ hội cống hiến cho mảnh đất Kỳ Sơn nhiều duyên nợ với mình.

Thay đổi giáo dục Kỳ Sơn không chỉ cần những người sẵn sàng hy sinh mà còn rất cần những con người tiên phong thực hiện nhiệm vụ lớn, vì cộng đồng. Chia sẻ về điều này, ông Phạm Viết Phúc, Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: “Những mô hình, sáng kiến của cô Huyền đã phát huy hiệu quả. Thông qua những dự án, tỷ lệ học sinh bỏ học thuyên giảm bởi những hoạt động học tập thú vị đã cuốn hút các em tới trường hơn. Chúng tôi muốn lan tỏa mô hình học tập của cô Huyền sang các trường trong vùng khác để nâng cao chất lượng dạy học, đưa học sinh đến trường nhiều hơn". Đồng quan điểm, bà Vi Thị Quyên, Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn cho hay: “Không riêng gì cô Huyền, những ai có chuyên môn giỏi, quản lý tốt đều được lãnh đạo huyện tạo điều kiện để phát triển. Nếu có cơ hội, huyện sẽ bố trí một vị trí, môi trường phù hợp hơn để cô Huyền phát huy tài năng, trí tuệ của mình”.

Bài và ảnh: HÀ SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nu-tien-si-bam-ban-day-hoc-de-tra-no-735772