Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: Bậc anh hoa chiếu diệu

Chúng tôi ngồi trò chuyện dưới tán cây vú sữa trong khuôn viên nhà Từ đường dòng họ Đoàn làng Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Câu chuyện trở nên rôm rả hơn khi ông Đoàn Doãn Lực, hậu duệ đời thứ 18 của ông Đoàn Doãn Nghi - người được coi là Tổ họ Đoàn làng Giai Phạm hào hứng khoe: 'Ông về thăm làng dịp này thật là may. Làng vừa khánh thành nhà thờ cụ Đoàn Thị Điểm'. Nói rồi ông Lực dừng ít giây rồi nói tiếp: 'Họ Đoàn ở làng này đã hai mươi đời rồi ông ạ'.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là người con thứ ba (sinh năm 1705) trong ba người con của cụ Đoàn Doãn Nghi nhưng lại là con gái một. Cha của bà, cụ Đoàn Doãn Nghi, đỗ Hương cống nhưng không muốn làm quan, cụ chỉ một mực xin được cho theo nghề dạy học và bốc thuốc.

Đoàn Doãn Lực cho biết thêm: “Cụ Nghi có hai người con trai là Đoàn Doãn Sỹ (không rõ năm sinh) và Đoàn Doãn Luân (sinh năm 1703). Cả hai người con trai này đều đỗ Hương cống như người cha nhưng khác người cha ở chỗ là nhận một chức quan nhỏ để giúp dân”.

Đền thờ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ở quê nhà, làng Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên.

Sinh ra từ đất quê nhà, trong một gia đình học hành và nền nếp nên mặc dù là phận gái, nhưng với tư chất thông minh đặc biệt, ngay từ thuở nhỏ bà Đoàn Thị Điểm đã được học đủ Tứ Thư, Ngũ Kinh… lại được mẹ dạy cho học nữ công gia chánh nên đến năm 16 tuổi, bà đã nổi tiếng là một tài nữ trẻ tuổi.

Ông Đoàn Doãn Lực kể: “Dạo còn nhỏ, năm mới lên 6 tuổi thôi, cụ Điểm được người anh trai chăm chút dạy học và được đọc sách chữ Nho. Đâu như có lần khi đang học Sử ký Trung Hoa thì cụ Đoàn Doãn Luân dừng dạy học và lấy một câu bất kỳ trong Sử ký ra để ra câu đối, câu đối là: “Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiểm nhi trảm chi” nghĩa là: “Rắn trắng giữa đường, ông Quý (Lưu Bang) tuốt gươm mà chém”. Không một đắn đo, cô bé Điểm cũng ứng khẩu luôn bằng một câu trong Sử ký: “Hoàng long phụ chu, vũ ngưỡng thiên nhi thán viết” nghĩa là: “Rồng vàng đội thuyền, ông Vũ (Hạ Vũ) ngửa mặt lên trời mà than”. Người anh trai từ đó dành sức để dạy em.

Lại có hôm người anh thấy em gái đứng bên cửa sổ soi gương trang điểm nên đã đối: “Đối kính họa mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm”, nghĩa là “Trước gương vẽ mày, một Điểm hóa thành hai Điểm”. Cô em gái vẫn soi gương nhưng liền đáp lại: “Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân”, nghĩa là: “Tới ao xem trăng, một vừng tròn chuyển thành hai vừng”. Ông Đoàn Doãn Lực giảng giải thêm với tôi: “ Cái hay của hai câu đối này là sự tài tình ở đây là cảnh rất thực, dùng được hai tên người là Luân và Điểm với cảnh vẽ mày và xem trăng”.

Lại cũng có lần người anh đi từ ngoài vào nhà thấy em gái đang ngồi bên rổ kim chỉ bèn liền đọc: “Huynh lai đường thượng tầm song nguyệt”, nghĩa là: “Anh trai đến nhà trên tìm hai mặt trăng”. Cô em gái đáp lại: “Muội đáo song tiền tróc bán phong”, nghĩa là: “Em đến trước cửa sổ bắt nửa làn gió”.

Từ đó chuyện cô Điểm tài sắc, văn hay, học giỏi, đối đáp tài lan ra khắp chốn, lan đến tận kinh thành. Hay chuyện ấy mà Quan Thượng thư Lê Anh Tuấn, vốn quen biết Hương cống Đoàn Doãn Nghi, lại mến tài văn chương và đức hạnh của Đoàn Thị Điểm nên đã nhận bà làm con nuôi. Bà được đón về ở nhà của dưỡng phụ (cha nuôi) tại Trường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Đây là thời gian bà đọc được rất nhiều sách quý trong kho sách của quan Thượng thư, nên vốn kiến thức được mở rộng, lại tiếp xúc với nhiều người danh gia, khoa bảng vì vậy tiếng tăm về tài ứng đối văn chương, về hoa tay khéo léo của tài nữ họ Đoàn càng lan xa.

Trong thời gian ở Kinh thành, Đoàn Thị Điểm thường được cha nuôi dẫn đi thăm thú các nơi, cũng như đến chơi nhà những người bạn của cha nuôi. Quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn rất tự hào về người con gái nuôi của mình. Và cũng muốn cô con gái nuôi được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bậc văn hay chữ tốt nơi kinh thành. Một lần cùng cha nuôi ra ngoại thành chơi, hai cha con tới làng Kẻ Mục nay là Hạ Đình Hà Nội. Hai cha con vào thăm nhà một người bạn của cha nuôi. Tại đây cô gái trẻ Đoàn Thị Điểm đã gặp cậu Đặng Trần Côn, là con nhà gia thế. Đặng Trần Côn là một thiếu niên anh tuấn, tài hoa, 15 tuổi đã đỗ Hương cống và kém cô Điểm hai tuổi.

Tác giả trò chuyện với các hậu duệ họ Đoàn dưới gốc cây vú sữa trong khuôn viên Từ đường họ Đoàn.

Đôi trẻ gặp nhau và thực sự mến tài học, tài thơ văn và tài ứng xử của nhau nên họ mau chóng nên thân. Cậu Hương cống Đặng Trần Côn lúc đó đã mến nhan sắc của cô Điểm, nên sau một thời gian quen nhau Đặng Trần Côn đã không giấu được tình cảm của mình với người con gái tài sắc. Cậu đã làm thơ và gửi đến Đoàn Thị Điểm. Nội dung bài thơ là bầy tỏ nỗi niềm, bày tỏ yêu thương. Nói cách khác là cậu Hương cống Đặng Trần Côn ngỏ ý cầu hôn. Ông Đoàn Doãn Lực cười cho hay: “Người đời đồn đại về câu chuyện tình giữa hai người”.

Đoàn Thị Điểm nhận được bài thơ “tỏ tình” của Đặng Trần Côn nhưng không viết thư trả lời, song có lần nói đùa với mấy chị em bạn bè: “Cái ông Cống miệng còn hơi sữa, làm thơ chưa xong mà lại đi nói chuyện vợ chồng”. Không ngờ câu nói đùa ấy lọt đến tai cậu Đặng Trần Côn, cậu tức lắm nhưng không nói lại mà từ đó cậu chăm chỉ đèn sách, miệt mài học hành, nhưng lại thi rớt ở kỳ thi Hội.

Thượng thư Lê Anh Tuấn rất muốn cô con gái nuôi được đem tài năng thi thố nên tiến cử cô vào phủ Chúa Trịnh để dạy học cho các cung nữ. Cô Điểm nhất mực từ chối, cô muốn dành tâm sức để giúp cha, giúp anh, chăm lo việc nhà.

Tôi vội hỏi lại ông Lực, ông Nam: “Câu chuyện “tình” với cậu Cống Đặng Trần Côn sau này thế nào?”. Cả hai cùng vui vẻ: “Tuy hai người không đến được với nhau nhưng tình bạn thì vẫn còn đó. Họ có dịp là gặp nhau trao đổi chuyện văn chương chữ nghĩa”.

Chuyện trao đổi văn chương chữ nghĩa giữa cô Điểm với cậu Côn có lẽ thường xuyên hơn là sau khi cả hai người đã yên bề gia thất. Họ là đôi bạn tri âm tri kỷ hay nói cách khác là rất hiểu nhau, hiểu văn chương của nhau và hiểu cả tâm tình tâm sự của nhau. Ông Đoàn Doãn Lực kể cho tôi hay: “Các cụ tôi kể lại: Vào đầu năm Cảnh Hưng nhà Lê Trung Hưng gặp buổi chiến tranh ly loạn, trai tráng bị bắt đi lính đánh giặc phương xa, gây cảnh biệt ly đau đớn cho nhiều gia đình.

Đúng vào thời điểm ly loạn ấy ông Đặng Trần Côn đem hết sức học bình sinh viết lên tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” bằng chữ Hán theo thể Cổ nhạc phú, nghĩa là dạng phú hành văn. Nhớ tới người bạn tâm giao Đoàn Thị Điểm lúc này có chồng đang đi sứ bên Trung Quốc, gặp cảnh giặc giã nên đường về bị cắt. Biết cô Điểm đang ngày đêm trông ngóng chồng trở về và phần vì trước đây bị cô gái trẻ tài sắc tỏ ý xem thường mình nên đã gửi cho bà Đoàn Thị Điểm xem, ý chừng như ông Côn muốn nhắc bà Điểm là: “Bà đã xem thường tôi là lầm to”.

Đoàn Thị Điểm không để tâm tới chuyện xưa cũ, bà nhận tác phẩm rồi đọc say sưa, bà rất thán phục tài văn chương của Đặng Trần Côn. Nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn của một người đàn bà có chồng đi biền biệt nên bà rất đồng điệu với tâm hồn của “nàng chinh phụ” trong "Chinh phụ ngâm khúc".

Và như một “duyên phận”, bà Đoàn Thị Điểm đã để trí, để lực và để hết tài văn chương của mình để dịch "Chinh phụ ngâm khúc" từ chữ Hán sang chữ Nôm, chữ của người Việt, với mong muốn nỗi lòng người chinh phụ kia được bầy tỏ rộng rãi hơn.

Cái hay, cái tài của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là khi dịch bài phú chữ Hán sang chữ Nôm, bà không chỉ gửi gắm tâm trạng của mình vào đó, mà còn tìm cách để nó được ngân xa. Và cũng như Nguyễn Du, khi chuyển câu chuyện nàng Kiều trong "Đoạn trường tân thanh" bằng chữ Hán của Thanh Tâm tài nhân, Nguyễn Du đã sáng tác thành "Truyện Kiều" theo thể thơ lục bát của người Việt và bằng chữ Nôm cũng của người Việt, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chuyển bài phú thành thơ, thể thơ song thất lục bát, một thể thơ của người Việt.

Ví dụ như trong chữ Hán: Đặng Trần Côn viết: “Thiên địa phong trần”. Thì Đoàn Thị Điểm dịch chuyển thành câu thơ: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Hay câu: “Hồng nhan đa truân”. Thì Đoàn Thị Điểm dịch thành câu thơ: “Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”.

Chuyện còn dài, tôi đứng lên chào ông Lực, ông Nam, hẹn hai ông dịp tới lại về làng, rồi rảo chân ra viếng Đền thờ Đoàn Thị Điểm. Dưới nắng, màu đỏ của mái ngói mới ánh lên đỏ thắm. Trong đền, vàng soi dòng chữ “Anh hoa chiếu diệu” nói lên cuộc đời tài sắc vẹn toàn của bà.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nu-si-doan-thi-diem-bac-anh-hoa-chieu-dieu-i720666/