Nụ hôn gửi đường phố Sài Gòn của người LGBT

Điều gì dẫn lối Nguyễn Hồng Anh, một người Việt 9X sinh ra và lớn lên tại Đức trở về, tìm hiểu cộng đồng LGBT tại Sài Gòn, từ đó đạo diễn bộ phim 'Saigon Kiss' và mang bộ phim này tham gia các liên hoan phim trên thế giới?

Nguyễn Hồng Anh vừa giới thiệu bộ phim ngắn về đề tài LGBT ở Sài Gòn tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Clermont-Ferrand - liên hoan phim ngắn lớn và uy tín nhất thế giới. Bộ phim nhận đề cử cho giải Grand Prix và nhận được Special Mention từ Ban giám khảo Queer, một giải thưởng được tổ chức với sự cộng tác của Queer Palm (giải thưởng dành cho người đồng tính của Liên hoan phim Cannes). T

iếp theo đó bộ phim đã ra mắt tại Liên hoan phim BFI Flare ở London trước khi chính thức công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM vào tháng 4.2024.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Anh tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Clermont-Ferrand và nhận được Giải thưởng Đặc biệt (Special Mention) của Ban giám khảo Queer.

Saigon Kiss là một chuyện tình lãng mạn theo chân hai người phụ nữ đồng tính trẻ giữa giao thông hỗn loạn của Sài Gòn và tập trung vào vẻ đẹp của những cuộc gặp gỡ thoáng qua. Hai vai chính do đạo diễn hành động, diễn viên Nguyễn Vũ Trúc Như và vũ công đương đại Thương Lê đảm nhận. Phim là sản phẩm hợp tác giữa nhiều tài năng trẻ đến từ các nước như nhà sản xuất Nguyễn Thị Xuân Trang (Việt Nam), nhà sản xuất Andrew Undi Lee (Úc), nhà sản xuất âm nhạc Nodey (người Pháp gốc Việt)…

Cơ duyên nào khiến bạn, một người trẻ sinh ra và lớn lên tại Đức lại tìm về Việt Nam để làm phim về đề tài LGBT?

Tôi là người gốc Việt nhưng ba mẹ tôi, một người Hà Nội, một người Huế, nên khi đến Sài Gòn, tôi quan sát thành phố này bằng cái nhìn của một người từ bên ngoài và cảm thấy thú vị khi cái cũ và cái mới luôn cùng tồn tại trên mọi ngóc ngách của thành phố to lớn, nhộn nhịp này.

Khác các thành phố lớn trên thế giới như New York, Tokyo - những nơi làm mình dễ có cảm giác cô đơn, xa cách, Sài Gòn cho tôi cảm giác ấm áp, con người đối xử với nhau rất thân tình. Đặc biệt, vì tôi đi Grab nhiều nên với người lạ dễ dàng trở nên rất gần gũi.

Tôi lớn lên tại Đức, khi đến các không gian dành cho cộng đồng LGBT tại Đức, dù thấy thoải mái nhưng vẫn cảm giác có gì đó còn thiếu và một chút băn khoăn khi thấy ít người gốc Việt trong cộng đồng. Tôi tò mò về cộng đồng LGBT của người Việt, muốn tìm hiểu thêm cộng đồng LGBT tại Việt Nam và văn hóa của người Việt đồng tính ra sao?

Năm 2019, tôi chuyển đến Sài Gòn để tiếp xúc một nền văn hóa mà tôi đã xa cách. Tôi sớm hòa mình vào khung cảnh LGBTQIA+ sôi động của thành phố, nơi chào đón và tiếp thêm sức mạnh cho tôi để nắm bắt danh tính có gạch nối của mình. Saigon Kiss là một nỗ lực nhằm chụp lại bức ảnh đô thị hiện đại đang thay đổi nhanh chóng. Giống như thành phố, cả hai nhân vật chính Mơ và Vicky đều đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

Poster phim Saigon Kiss.

Bạn có thể nói thêm một chút về hai nhân vật chính của phim?

Mơ và Vicky gặp nhau ngay trong thế giới hỗn loạn hiện đại nhưng xa lạ của Sài Gòn. Câu chuyện về cuộc gặp gỡ của họ như một kỷ niệm cho những cuộc gặp chân thực và sâu sắc với những người lạ và trân trọng những nơi phù du vì chúng có thể biến mất bất cứ lúc nào. Cả hai đấu tranh để tìm chỗ cho mình suy ngẫm. Tuy nhiên, bất chấp cảnh quan luôn thay đổi và tốc độ nhanh chóng của nơi này, họ vẫn tìm thấy niềm an ủi và dịu dàng khi ở bên nhau.

Nụ hôn Sài Gòn là sự trân trọng đầy u sầu về sự căng thẳng giữa cái cũ và cái mới, cũng như những cuộc gặp gỡ thoáng qua thực sự khiến chúng ta cảm động nhưng có thể chỉ kéo dài trong một chuyến đi xe máy ngắn ngủi. Những nhân vật như Mơ và Vicky, những người phụ nữ Việt Nam hiện đại đồng tính, những người có câu chuyện không chỉ được xác định bằng cuộc đấu tranh với sự kỳ lạ của họ, vẫn còn hiếm trên màn ảnh nhưng điều đó hoàn toàn không phản ánh đúng thực tế.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thực sự đưa ra luật pháp và sự bảo vệ cho cộng đồng LGBTQIA+ tại Việt Nam. Nhưng gần đây, cộng đồng đã nỗ lực rất nhiều để hướng tới tầm nhìn và tạo ra không gian cho chính họ, thực sự thúc đẩy các đạo luật. Nếu bạn đến Sài Gòn và tìm kiếm những sự kiện kỳ lạ, bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ đa dạng, mạnh mẽ của các hoạt động trong cộng đồng của chúng tôi.

Đối với tôi, Saigon Kiss là một bức thư tình gửi tới đường phố Sài Gòn, một nhật ký điện ảnh của chính tôi. Đặc biệt là vào thời điểm tôi bắt đầu trở về, trên màn hình chưa có nhiều câu chuyện về đồng tính, chưa có nhiều người đồng tính bước ra ánh sáng. Người đồng tính nữ đầu tiên công khai mà tôi biết là đạo diễn hành động Nguyễn Vũ Trúc Như (Katt), tôi đã mời Như vào phim này.

Hai diễn viên chính trong phim Saigon Kiss: Nguyễn Vũ Trúc Như (trái) và Thương Lê

Ba mẹ của bạn nghĩ gì về hành trình trở về Việt Nam, làm phim về cộng đồng LGBT của bạn?

Ba mẹ đã dạy tôi về văn hóa Việt, tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi luôn thấy thiếu hiểu biết một cách sâu sắc về văn hóa Việt, không thể đi vào tận cùng của câu chuyện văn hóa Việt, không hiểu nhiều lớp nghĩa, sự đa dạng của văn hóa Việt.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Frankfurt và tốt nghiệp đại học sân khấu, điện ảnh ở Edinburgh, Scotland. Nhưng tôi luôn ấp ủ ý định trở về Việt Nam để tìm hiểu nhiều hơn về nguồn gốc của mình nói chung và cộng đồng của mình nói riêng. Trước đây, khi tôi chưa thoải mái với chuyện đồng tính của mình thì cũng ngại không chia sẻ những tác phẩm đề tài này với ba mẹ. Bên cạnh đó, ba mẹ tôi cũng không hiểu nhiều về điện ảnh, họ không rõ công việc này ra sao, có tốt không. Nhưng rất vui là sau một thời gian, kể từ khi tôi công khai với ba mẹ cách đây 10 năm, thì giờ đây cả hai phía đã chấp nhận nhau.

Tháng trước, khi phim ra mắt ở Đức thì gia đình tôi có coi phim này tại rạp. Ba mẹ cũng coi phim và cười cùng nhau. Dù quá trình để gia đình tôi chấp nhận rất dài nhưng rõ ràng cuối cùng ba mẹ tôi đã thấy đề tài đồng tính cũng rất bình thường.

Cơ duyên nào Saigon Kiss có thể quy tụ nhiều bạn trẻ tài năng tham gia sản xuất phim đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau?

Một trong hai nhà sản xuất của phim là anh Andrew Undi Lee. Chúng tôi gặp nhau cách đây 10 năm tại Liên hoan phim ShortFest ở Palm Springs. Andrew là người Úc gốc Hàn và cũng là người LGBT nên anh hiểu rất rõ câu chuyện mà tôi muốn kể và cũng hiểu được tại sao tôi muốn kể câu chuyện này. Nguyễn Thị Xuân Trang, một nhà sản xuất Việt của phim cũng hỗ trợ tôi hết sức.

Bộ phim cũng có anh Nodey tham gia vai trò sáng tạo nhạc gốc. Nodey là người Pháp gốc Việt nên anh hiểu rõ sự sáng tạo của hai nền văn hóa khác nhau. Trước giờ tôi rất thích cách anh pha trộn nhạc Tây và ta để tạo ra màu sắc mới. Và nhờ Nodey thì bản nhạc Honda Dream trong phim mới có ca sĩ Hương Thanh hát.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Anh (giữa) và hai nhà sản xuất Nguyễn Thị Xuân Trang, Andrew Undi Lee.

Điều mong mỏi lớn nhất của Hồng Anh khi làm Saigon Kiss nói riêng và các dự án của mình nói chung có phải là để đấu tranh cho một cộng đồng chưa có tiếng nói bình đẳng tại Việt Nam?

Tôi muốn khán giả đại chúng kết nối được với các nhân vật trong phim và nhận ra là mặc dù đây là các nhân vật đồng tính nhưng họ cũng có những đam mê và băn khoăn như mọi người. Tôi cũng muốn kết nối con người trong một thành phố mà sự thay đổi nhanh và mạnh mỗi ngày. Và đôi khi những buổi gặp gỡ tình cờ với người lạ cũng có khả năng chạm tới lòng mình mặc dù khoảnh khắc này sẽ trôi đi. Và cuối cùng mình cũng muốn yêu. Không khác những con người khác.

Nguyễn Hồng Anh là một biên kịch, đạo diễn và nhà dựng phim người Đức gốc Việt đang làm việc tại Frankfurt am Main và TP.HCM. Chị là đạo diễn phim tài liệu cho EST Eastern Standard Time, nêu bật tiếng nói của phụ nữ Việt Nam hiện đại. Trước Saigon Kiss, phim ngắn Amber Blue được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Queer Scotland và trình chiếu tại Tuần lễ phim nữ quyền Berlin và Cineffable Paris.

Bài: Trâm Anh - Ảnh: CTV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nu-hon-gui-duong-pho-sai-gon-cua-nguoi-lgbt-43186.html