Nữ doanh nhân Đắk Nông và lối rẽ nâng tầm cà phê đặc sản

Chị Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đang kiên trì theo đuổi giấc mơ sản xuất cà phê sạch, giúp mang lại giá trị kinh tế bền vững cho nông dân.

Kỹ tính từ đầu vào

Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, chị Lương Thị Hương đã quyết định thành lập Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức để hiện thực hóa khát vọng sản xuất, chế biến cà phê đặc sản chất lượng cao của mình.

Chị Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil với sản phẩm cà phê đặc sản

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp diễn ra không mấy suôn sẻ với nữ doanh nhân trẻ này. Nào là về vấn đề nguyên liệu, nguồn vốn, thói quen canh tác của bà con… Không nản lòng trước những khó khăn, chị Hương luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất ra được sản phẩm cà phê chất lượng cao, từng bước chinh phục những người tiêu dùng khó tính.

Chị Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) kiểm tra nguyên liệu cà phê sau khi thu hái

Chị Hương cho hay, trước đây, nông dân ít chú ý canh tác để ra một ly cà phê chất lượng, uống ngon, mà còn phó mặc cho thời tiết. Giờ đây, nhu cầu tiêu dùng thay đổi nên chị quyết tâm thực hiện “cuộc cách mạng” để thay đổi tư duy từ canh tác cà phê truyền thống sang sản xuất cà phê sạch cho nhiều hộ dân trên địa bàn. “Trong quá trình canh tác, tôi cương quyết nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chất kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, quy trình sản xuất hữu cơ và thực hiện thủ công ở tất cả các khâu, giúp cây sống khỏe, đề kháng tốt, hạt cà phê sạch”.

Tỷ lệ cà phê thu hái với trên 90% quả chín

Quá trình thu hoạch, chị Hương đã tận tình hướng dẫn bà con lựa trên 90% quả cà phê chín để hái, không thu hoạch những trái còn đang xanh và non, loại bỏ trái hư, trái lép. Sự kỹ tính này đã giúp cho chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm cà phê của doanh nghiệp ngày càng đạt chuẩn.

Sản phẩm cà phê Robusta của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức được công nhận là cà phê đặc sản tại Cuộc thi cà phê đặc sản VietNam Amazing Cup.

Gia tăng hàm lượng công nghệ

Cà phê đặc sản của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức, huyện Đắk Mil hiện đang có mặt ở nhiều thị trường lớn trong nước nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng.

Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức đầu tư máy bắn màu, phân loại hạt cà phê đặc sản

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, chị Hương luôn tranh thủ tham gia tất cả các triển lãm, hội chợ, cuộc thi cà phê đặc sản và sự kiện về nông nghiệp sạch, phân phối sản phẩm qua các đại lý, quán cà phê...

Giám đốc Công ty Lương Thị Hương cho biết, mỗi năm nhu cầu thị trường mỗi khác nên bắt buộc doanh nghiệp phải luôn có những thay đổi về công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp. Nhiều lớp chế biến, rang xay nâng cao, bảo quản cà phê từ các chuyên gia đầu ngành được doanh nghiệp tích cực tham gia để trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm.

Kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm cà phê

Đặc biệt, do nhu cầu về cà phê sạch của thị trường tăng cao nên những năm gần đây, công ty đã mở rộng thêm nhà xưởng và thuê thêm nhân công phục vụ sản xuất. Các máy móc, thiết bị tiên tiến được doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ cho quá trình tạo ra sản phẩm. Trong đó, vào năm 2023, công ty được hỗ trợ 1 máy bắn màu, phân loại hạt cà phê đặc sản từ nguồn Quỹ Khuyến công quốc gia. “Máy bắn màu giúp tỷ lệ hạt cà phê được phân loại chính xác hơn. Thiết bị mới không chỉ hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ lại lượng đường trong cà phê, tạo hương thơm nhiều hơn”, bà Hương chia sẻ.

Sản phẩm cà phê Robusta của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức được công nhận là cà phê đặc sản tại Cuộc thi cà phê đặc sản VietNam Amazing Cup

Theo đó, cùng với nguồn vốn 380 triệu đồng của đơn vị, chương trình khuyến công sẽ hỗ trợ thêm 300 triệu đồng giúp doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất. Việc đầu tư thiết bị máy móc mới giúp sản lượng của cơ sở tăng lên gấp 4 lần so với trước đây. Độ chính xác khi phân loại hạt cao hơn so với làm thủ công.

Đầu tư công nghệ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp

Chị Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty cho biết, có máy móc mới, mỗi giờ, cơ sở sẽ phân loại được gần 2 tấn cà phê, tăng gấp 5 lần so với trước. Chi phí sản xuất giảm mạnh. Ngoài ra, việc đưa thiết bị mới vào sản xuất sẽ giúp công ty giảm khoảng 80% công lao động. Giá trị sản phẩm ra thị trường tăng gấp đôi so với trước đây.

Nguyên liệu đầu vào của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức ngày càng đạt chuẩn

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Phan Bá Tịnh cho biết, sản xuất cà phê sạch được địa phương định hướng rất rõ ràng. Vì vậy, để nâng cao giá trị liên kết chuỗi và sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất nông sản cho bà con, doanh nghiệp. Trong đó, huyện tập trung nâng cao nhận thức của các nông hộ sản xuất gắn liền với lợi ích kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời, huyện hướng dẫn nông hộ áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C, Rainforest Allan và các chứng chỉ khác...

Lê Dung

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nu-doanh-nhan-dak-nong-va-loi-re-nang-tam-ca-phe-dac-san-200973.html