Nữ đại gia bán bún nổi danh ở Sài Gòn với khối tài sản 'siêu khủng', qua đời để lại 1.000 tỷ cho con gái nuôi

Khối tài sản hơn 1000 tỷ do bà Phát để lại trước khi qua đời trở thành nguyên nhân khơi mào những cuộc tranh chấp thừa kế gây xôn xao dư luận một thời.

Khối tài sản hơn 1000 tỷ do bà Phát để lại trước khi qua đời trở thành nguyên nhân khơi mào những cuộc tranh chấp thừa kế gây xôn xao dư luận một thời.

Bà Thạch Kim Phát, hay còn được biết đến với cái tên khác là Năm Lũng, được mệnh danh là "đại gia ngầm" nức tiếng bậc nhất Sài Thành nhờ vào nghề bán bún. Sinh ra trong một gia đình đông con, bà sớm theo nghề truyền thống của gia đình, thuở nhỏ bà đã theo cha mẹ bỏ mối bún, nui khô dọc từ miền Trung cho tới Sài Gòn.

Sau này, bà tự thân lập nghiệp, mở ra thương hiệu làm bún gia truyền Phúc Kiến. Việc kinh doanh của bà thuận lợi, bún Phúc Kiến nổi tiếng khắp Sài Gòn lúc bấy giờ, nhanh chóng lan rộng ra khắp từ Bắc chí Nam.

Chân dung bà Năm Lũng - “đại gia ngầm” nức tiếng Sài Thành.

Tích góp được chút vốn liếng, bà Năm Lũng lấn sân sang cả bất động sản vào cuối những năm 80. Bà mua các lô đất rộng hàng chục nghìn mét vuông nhưng không bán ra mà để xây phòng trọ, nhà xưởng cho thuê. Khi đất có giá, người người đổ về Sài Gòn làm ăn, nghề buôn bất động sản của bà liền phất lên như “diều gặp gió”.

Nhiều người tấm tắc, ngả mũ kính phục người phụ nữ có đầu óc kinh doanh, tích lũy và có chiến lược bài bản để trở thành đại gia nghìn tỷ. Những người từng biết đến bà cũng kể rằng bà chủ vựa bún này có cốt cách đàn ông, ý chí mạnh mẽ, quyết đoán, làm việc dứt khoát.

Giàu có là vậy nhưng khi nhắc lại bà Năm Lũng, người ta chỉ nhớ đến hình ảnh một người phụ nữ giản dị, đi đôi dép nhựa sờn, chạy chiếc xe Dream lùn cũ và mặc bộ quần áo phai màu. Bà làm việc chăm chỉ, lúc nào cũng làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối khuya, chẳng khi nào người ta thấy bà nghỉ ngơi hay đi du lịch.

Nếu như người thường làm được 8 đồng tiêu 3 để dành 5 thì với bà Phát, nếu kiếm được 8 đồng, bà sẽ mượn thêm 2 đồng nữa cho chẵn một chục đồng, chấp nhận ăn mắm ăn muối, sống kham khổ để tích lũy tài sản.

Bà Phát sống đơn thân nhiều năm, cho đến thời điểm 1987, khi muốn có một đứa con để ẵm bồng, bà vào Bệnh viện Hùng Vương để xin nhận nuôi một trẻ bị bỏ rơi. Con gái nuôi của bà tên là Thạch Hà Huệ Lan khi đó mới sinh được 2 ngày tuổi. Bà Phát đưa Huệ Lan về nhà nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương hết mực như con đẻ. Mãi đến năm 20 tuổi (năm 2007), Huệ Lan mới được nhận là con nuôi hợp pháp trên giấy tờ của bà.

Ảnh hiếm hoi của bà Phát (áo nâu, đeo kính) cùng gia đình.

Dù sống giản dị nhưng bà Năm Lũng không ngại chi tiền đầu tư cho con gái học hành đến nơi đến chốn. Theo lời kể, Huệ Lan có dáng người nhỏ nhắn, cá tính, rất thông minh, nhạy bén và nói được 4 thứ tiếng gồm Đức, Anh, Pháp và Trung Quốc. Hằng ngày, dù bận việc đến mấy, bà vẫn chạy chiếc xe máy hoặc ô tô đưa đón con đi học đều đặn. Muốn con gái học hành nên người sau này về tiếp quản công ty, năm cô con gái vừa tròn 21 tuổi, bà Phát cho Lan sang Singapore, sau đó qua Đức du học.

Chân dung con gái nuôi được bà Phát yêu thương hết mực.

Sóng gió bắt đầu ập đến với gia đình vào 3/2011, khi Huệ Lan còn đang du học ở nước ngoài thì hay tin bà Năm Lũng đột ngột qua đời ở tuổi 65. Đau buồn còn chưa nguôi, người nhà phát hiện bà để lại số tài sản trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng gồm vàng, kim cương, ngoại tệ, 23 sổ tiết kiệm cùng với nhiều giấy tờ sở hữu nhà, đất,...

Do bà Phát ra đi đột ngột không để lại di chúc nên theo quy định của pháp luật, số tài sản này sẽ do cô con gái nuôi duy nhất là chị Thạch Hà Huệ Lan (27 tuổi) thừa kế. Tuy nhiên, người thân của bà Phát không đồng ý để cô hưởng trọn tài sản, từ đó xảy ra nhiều tranh chấp gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ.

Một phần số tiền tiết kiệm của vị đại gia sau khi qua đời.

Năm 2012, ông Thạch Vũ Phương (em trai bà Phát) đại diện cho 6 anh em ruột trong nhà đứng tên khởi kiện Huệ Lan, đòi lại căn nhà cùng đất ở tại địa chỉ 110/1 đường Tô Hiệu, quận Tân Phú. Thế nhưng sau đó, TAND TP HCM quyết định đình chỉ vụ án do ông Phương làm đơn kiện khi vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện.

Ông Phương cho rằng căn nhà do mẹ mình mua từ trước chứ không phải tài sản cá nhân.

Ngoài vụ kiện này, 2 người anh em khác của bà cũng cũng có đơn yêu cầu Huệ Lan trả lại lần lượt 90.000 Euro và 100.000 USD, do họ hùn hạp làm ăn với bà Năm Lũng lúc sinh thời. Dai dẳng đến tháng 5/2012, những vụ kiện tụng chỉ tạm lắng khi TAND TP HCM hòa giải, Thạch Hà Huệ Lan đồng ý trả lại số tiền cho hai người cậu nuôi như cam kết trước tòa.

Đời sống của Huệ Lan ít khi được chia sẻ rộng rãi sau hơn 10 năm ồn ào vì chuyện thừa kế. Từ khi xảy ra vụ việc, cô ít tiếp xúc với người ngoài và giới truyền thông, thậm chí cô thuê vệ sĩ để bảo vệ ngày đêm. Thông tin cuối cùng người ta còn được biết về Huệ Lan là cô đã lo liệu chu toàn cho hậu sự của mẹ. Mộ phần của bà được đặt tại Tây Ninh trên một khuôn viên đất rộng lớn, được mua với giá 275 triệu, riêng tiền xây mộ là 2,3 tỷ, có người chăm sóc mỗi ngày.

Mộ phần bà Phát được đặt tại phần đất của một tòa thánh ở Tây Ninh.

Theo H.A (Tri thức & Cuộc sống)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nu-dai-gia-ban-bun-noi-danh-o-sai-gon-voi-khoi-tai-san-sieu-khung-qua-doi-de-lai-1000-ty-cho-con-gai-nuoi-172240406161703172.htm