Nụ cười của thầy thuốc là niềm hy vọng cho người bệnh

Ông bà mình thường nói 'Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ', nụ cười của người thầy thuốc không chỉ là liều thuốc bổ, mà còn là niềm hy vọng cho bệnh nhân.

Ông anh rể của tôi bị đi tiêu ra phân có đàm máu kéo dài. Bác sĩ cho đi nội soi và phát hiện có khối u ở trong ruột già, nên bác sĩ đã cắt một miếng thịt của khối u để làm xét nghiệm và hẹn một tuần sau đến tái khám để biết kết quả ra sao, điều trị như thế nào.

Một tuần lễ chờ đợi của gia đình anh tôi là một tuần căng thẳng tột độ. Đến hẹn lại lên, người bác sĩ mang khẩu trang, cầm xấp hồ sơ xét nghiệm trên tay, lật xem từng tờ, đôi mắt nhíu lại. Bỗng nhiên đôi mắt người bác sĩ xuất hiện nếp nhăn ở khóe mắt hình chân chim, ánh mắt rạng rỡ, ông nói “Chúc mừng anh, u lành tính!”. Nụ cười và lời nói của vị bác sĩ đã cho anh tôi niềm hy vọng tuyệt vời. Anh tôi nói nụ cười hôm ấy của bác sĩ giống như một ông Bụt xuất hiện kéo anh ấy từ cõi chết trở về vậy đó!!!

Nụ cười của thầy thuốc là một phần quan trọng trong y đức và nghệ thuật giao tiếp với bệnh nhân, nó không chỉ đơn giản là một biểu cảm khuôn mặt, mà còn là một lời động viên, khích lệ, là niềm hy vọng dành cho bệnh nhân. Các nhà khoa học đều khẳng định nụ cười của thầy thuốc cũng là thuốc, vì nó giúp người bệnh tự sản xuất nhiều hóc môn hạnh phúc, tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật, chống đau đớn và chống được trầm cảm.

Khi người bệnh đến gặp bác sĩ, phần lớn họ có tâm trạng bất an, nếu người bác sĩ quan tâm, yêu thương người bệnh như người thân của mình, chỉ cần người bác sĩ nở một nụ cười ấm áp, thân thiện có thể giúp họ giảm bớt căng thẳng, hết lo âu và tạo cảm giác an tâm, tự tin. Nụ cười cũng giúp tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong quá trình khám, chữa bệnh, giúp bệnh nhân có tâm trạng tốt hơn.

Trong trường hợp người bệnh bi quan về bệnh tật của mình, chính sự giải thích rõ ràng kèm theo một nụ cười của bác sĩ là người bác sĩ đó đã truyền một nguồn năng lượng mạnh mẽ để động viên người bệnh nỗ lực vượt qua chính mình, chiến đấu không bỏ cuộc với bệnh tật. Thực tế khi người bệnh đã tin tưởng vào thầy thuốc và phương pháp điều trị, họ sẽ có tinh thần lạc quan và hợp tác tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Trong thời kỳ dịch Covid-19 hiện nay, hầu hết thầy thuốc và người bệnh đều mang khẩu trang, nhiều người nghĩ rằng cười hay không cười có ai thấy, có ai biết được đâu!?

Các bạn đã lầm, qua khẩu trang và phần không bị khẩu trang che khuất, mọi người đều biết bạn có vui vẻ, có cười hay không.

Nếu chúng ta chịu khó để ý một chút thì sớm nhận ra thôi. Đó là nhìn đôi mắt, chúng ta thường quen gọi là “đôi mắt biết cười”. Đôi mắt biết cười toát lên sự vui vẻ, hạnh phúc và ấm áp khi chủ nhân của nó nở nụ cười. Những đôi mắt biết cười thường có những đặc điểm sau: Mắt hơi xếch lên, khi cười sẽ tạo thành hình vầng trăng khuyết; mí mắt trên có hai nếp mí rõ ràng, lằn mí dưới không nhìn thấy rõ lắm. Hai gò má cũng được nâng lên và lời nói có âm vực cao hơn, nhanh hơn và trong trẻo hơn.

Khi cười, nếp nhăn xuất hiện ở khóe mắt tạo thành nếp nhăn "chân chim", chân chim của niềm vui chứ không phải chân chim của tuổi già nha bà con, ánh mắt trở nên ấm áp và rạng rỡ hơn. Nụ cười thường đi kèm với những biểu cảm khác như nhướng mày, hoặc nheo mắt. Ánh mắt trong trẻo, long lanh và thu hút, toát lên sự thân thiện và dễ gần.

Tóm lại nụ cười của bác sĩ cần phải chân thành và phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ vui niềm vui của người bệnh, buồn và thấu hiểu nỗi buồn của người bệnh và gia đình của họ. Nếu người bệnh quá nặng không qua khỏi, bác sĩ sẽ giữ khuôn mặt buồn bã, cảm thông và thể hiện sự đồng cảm với thân nhân người bệnh. Đừng bao giờ để người bệnh và thân nhân người bệnh coi một số ít nhân viên y tế là người vô cảm.

Nụ cười của thầy thuốc là một liều thuốc quý giá đối với người bệnh, xuất phát từ trái tim chân thành và yêu thương của người thầy thuốc đối với người bệnh, nó giúp người bệnh giảm căng thẳng, tăng niềm tin, mau hồi phục sức khỏe. Do đó, người thầy thuốc nên thường xuyên nở nụ cười trên môi khi tiếp xúc với người bệnh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của người bệnh.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202403/nu-cuoi-cua-thay-thuoc-la-niem-hy-vong-cho-nguoi-benh-1004443/