Nữ cán bộ y tế và nỗi niềm về những đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Sau gần 10 năm 'bén duyên', rồi gắn bó với công tác xã hội, chị Nguyễn Thị Thái, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội không thể nào nhớ nổi đã góp phần lấy lại nhịp đập trái tim cho bao nhiêu cháu nhỏ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chị luôn hết lòng, dốc sức mỗi khi bắt gặp những 'mảnh đời' kém may mắn, khó khăn…

Những cháu bé “tím tái” được hồi sinh…

Chúng tôi tìm đến Bệnh viện Tim Hà Nội vào một chiều đầu năm, mưa phùn giăng mắc. Trong căn phòng điều trị chờ phẫu thuật của bệnh viện này, dù các bức tường đều được trang trí bằng những hình vẽ rất ngộ nghĩnh, bắt mắt nhưng vẫn không thể nào xóa nhòa đi vẻ mệt mỏi, căng thẳng của những ông bố, bà mẹ trẻ cùng với những đứa con xanh xao, tím tái.

Nằm lọt thỏm trên chiếc giường ở cuối căn phòng là một bé trai người dân tộc Khơ Mú chừng 8-9 tuổi. Tiếp xúc với chúng tôi, bố cháu bé, anh Lò Văn Lơi không giấu được sự rầu lòng nhưng cũng tràn đầy hy vọng. Anh Lơi cho biết, con trai anh được phát hiện bị tim bẩm sinh từ lâu nhưng chỉ đến khi đoàn bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội lên Điện Biên khám từ thiện thì cháu mới có cơ hội được phẫu thuật miễn phí.

“Cháu đang chờ đến lượt để được các bác sỹ phẫu thuật. Hi vọng sau ca phẫu thuật, con trai tôi sẽ có được một trái tim khỏe mạnh” - anh Lơi bày tỏ.

Cạnh đó là giường bệnh của bé T.G.K 1 năm 6 tháng tuổi. K được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh thể Fallot4, khi vừa bước qua lần sinh nhật đầu đời. Chị Lò Thị Thêm (dân tộc Thái) – mẹ cháu bé nghẹn ngào: “Đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình tôi. Bởi gia đình thuộc hộ nghèo, không có tiền phẫu thuật cho con. Nhưng nhờ có các nhà tài trợ nên con tôi sẽ sớm có được trái tim khỏe mạnh như mọi người”.

Là người sát cánh cùng mẹ con chị Thêm trong suốt thời gian qua, chị Nguyễn Thị Thái, Phó trưởng phòng Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Tim Hà Nội) chia sẻ, hiện tại 4/16 cháu bé người dân tộc thiểu số ở Điện Biên sẽ được phẫu thuật tim miễn phí trong vài ngày tới. Đây là những cháu bé nằm trong chương trình phối hợp mổ tim miễn phí giữa Viện tim Hà Nội và tổ chức VinaCapital. “Các cháu này đều mắc các chứng bệnh từ nhẹ đến phức tạp nhưng bệnh viện sẽ hết sức cố gắng để các cháu sớm có một trái tim khỏe mạnh nhất” – chị Thái nói.

Tìm hiểu về những đứa trẻ kém may mắn tại Bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi được biết, suốt gần 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Thái chính là một trong những người được giao trọng trách kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để phẫu thuật cho cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và các cháu nhỏ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số không may bị mắc bệnh tim bẩm sinh trên mọi miền đất nước.

Chừng ấy thời gian chưa phải thật dài nhưng với chị Thái thì đó là khoảng thời gian mang rất nhiều ý nghĩa, nghĩ suy. Đã có khá nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn xảy ra trong hành trình nữ cán bộ y tế này làm công tác xã hội.

Đó là vào năm 2015, trong chương trình khám sàng lọc miễn phí ở Hà Giang, các bác sỹ phát hiện một cháu bé bị tim bẩm sinh cần phải được phẫu thuật sớm. Và rồi sau khoảng thời gian chị Thái kêu gọi, một “mạnh thường quân” cam kết tài trợ mổ tim cho cháu bé. Thế nhưng sát ngày phẫu thuật, cháu bé bất ngờ bị bỏng nặng, để rồi cháu không còn cơ hội “cải tử hoàn sinh”.

Chị Nguyễn Thị Thái Tặng quần áo mới (do phòng CTXH vận động) cho các bệnh nhi khó khăn.

“Cháu bé chưa được đưa đi phẫu thuật tim thì đã đoản mệnh do nhiễm trùng vết bỏng. Tôi đã tự trách bản thân rằng nếu mình cố gắng hơn chút nữa, kêu gọi tài trợ sớm hơn chút nữa và cháu được đưa xuống bệnh viện sớm hơn thì có lẽ không xảy ra chuyện đau buồn. Về sau mỗi khi phát hiện có trường hợp cầu phẫu thuật tim thì tôi đều nỗ lực hết sức để các cháu không bị tuột mất cơ hội sống” – chị Thái dằn lòng.

"Hậu phương" sẻ chia...

Vẫn trong câu chuyện về những cháu bé kém may mắn khi mắc phải bệnh tim bẩm sinh, chúng tôi cũng được biết đến một trường hợp khá hy hữu và có phần “hài hước” nhưng lại rất đời. Đó là trường hợp cháu Lò Thị H (SN 2009, dân tộc Thái), ở tỉnh Sơn La, bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Gia đình đã đưa cháu đi nhiều nơi và đều có chỉ định phải phẫu thuật nhưng bất lực vì không có tiền.

Thời điểm H được đưa xuống Bệnh viện Tim Hà Nội, cháu quá nhỏ bé so với lứa tuổi, người tím ngắt, thể trạng yếu ớt và hô hấp tự nhiên vô cùng khó nhọc. Tức thì các bác sỹ yêu cầu gia đình cho H nhập viện ngay để theo dõi và tiến hành phẫu thuật. Nhưng ngặt nỗi, gia đình cháu bé này gần như không có một xu nào nên tỏ ra chấp nhận buông xuôi.

Hay tin, chị Thái tức tốc gặp gỡ bố mẹ cháu bé động viên, rồi đau đáu nghĩ cách cứu người. “Tôi khuyên gia đình cứ cho cháu nhập viện đã. Kinh phí thế nào, tôi sẽ dốc sức kêu gọi tài trợ sau. Nghe ra, bố cháu H đã đồng ý” – chị Thái nhớ lại.

Và sau khi H được tài trợ phẫu thuật, một “mạnh thường quân” khác đã gián tiếp hỗ trợ thêm bằng việc nhận làm đầu mối tiêu thụ mật ong rừng của gia đình cháu bé cùng các nông, lâm sản của đồng bào Sơn La. Nghe theo lời khuyên bảo của mọi người, bố cháu bé về sau còn chăn nuôi dê để phát triển kinh tế... Nhờ đó mà gia đình cháu bé này có thêm một khoản thu nhập tương đối ổn định trong cuộc sống.

Nói về những hoạt động thiện nguyện, nghĩa tình ở Bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi còn được biết thêm rằng, không chỉ những trường hợp trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em trong các gia đình chính sách được mổ tim miễn phí mà ngay cả những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc éo le cũng luôn được chị Thái và bệnh viện tận tâm giúp đỡ.

Đôi khi đó chỉ là một bữa ăn miễn phí hoặc một túi quà nho nhỏ của những người hảo tâm nhưng tất cả đều chan chứa tình người và thể hiện rõ tinh thần không một ai bị bỏ rơi. Thế nên không có gì lạ khi đội ngũ y, bác sỹ nơi đây và cá nhân chị Thái luôn nhận được những lá thư hoặc những cuộc điện thoại cảm ơn từ các gia đình bệnh nhân đã được cứu chữa, khỏi bệnh.

Ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của nữ cán bộ y tế đối với công tác xã hội trong suốt nhiều năm qua, Bộ Y tế, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng một số cơ quan, tổ chức khác cũng đã trao tặng cho chị Thái những bằng khen và những phần thưởng cao quý.

Khi được hỏi về gia đình nhỏ của mình, chị Thái khá hồ hởi nhưng rồi lại “trùng” xuống ngay. Bởi theo chị, gần 16 năm làm việc trong ngành y tế là chừng ấy thời gian chị gắn bó với cơ quan, công việc. Đặc biệt là từ khi được đảm đương mảng việc công tác xã hội, năm 2014.

Công việc đòi hỏi chị phải đi công tác thường xuyên vào những dịp cuối tuần. Thậm chí, hết giờ làm việc mỗi ngày trở về nhà nhưng chị Thái cũng không tài nào dứt ra được chiếc điện thoại vì liên tục phải tiếp chuyện, giải đáp, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối các với gia đình có con em bị bệnh tim bẩm sinh ở khắp nơi gọi đến.

Thành thử đôi khi trong sâu thẳm tâm hồn người phụ nữ này cứ cảm thấy “có lỗi” với gia đình vì không có nhiều thời gian dành cho chồng con. Song vượt lên tất cả, chị Thái luôn cảm thấy thật may mắn, hạnh phúc khi có được những đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn và một người chồng biết sẻ chia. Hơn thế, nhờ có mẹ làm công tác xã hội nên các con của chị sớm đã nhận thức được ý nghĩa, việc làm của mỗi người trước những “mảnh đời” kém may mắn xung quanh.

Chị Nguyễn Thị Thái (áo Blue trắng) vui mừng khi gặp lại 3 cháu bé được phẫu thuật tim miễn phí tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Từ khi thành lập (năm 2004), Bệnh viện Tim Hà Nội đã rất chú trọng công tác từ thiện – xã hội. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, khi Phòng công tác xã hội ra đời, hoạt động này ngày một hiệu quả và thiết thực. Cụ thể: Hàng năm, bệnh viện phối hợp với Quỹ Bảo trợ các tỉnh, thành phố và các quỹ tài trợ tổ chức hàng chục đợt khám sàng lọc phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em ở các địa phương với khoảng 30.000 – 40.000 cháu bé. Qua đó đã phát hiện hàng nghìn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và đưa về bệnh viện phẫu thuật, can thiệp tim mạch... Đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã phối hợp với các quỹ, các tổ chức, cá nhân tìm nguồn hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, can thiệp bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho 3.127 bệnh nhân nghèo với tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng.

Hồng Nhung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nu-can-bo-y-te-va-noi-niem-ve-nhung-dua-tre-mac-benh-tim-bam-sinh-233516.html