Nữ bác sĩ gần 30 năm sống trong 'thế giới người điên'

'Với tôi mắc ung thư không đáng sợ, chỉ sợ mình không được chữa bệnh cứu người', là tâm sự của bác sĩ Phương Mai với gần 30 năm điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

30 năm nặng lòng với bệnh nhân tâm thần

9h sáng thứ 5, người ra vào thăm khám tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) đông đúc hơn mọi ngày. Hàng dài người bệnh xếp hàng trước cửa phòng khám, khuôn mặt ai nấy ủ dột, quầng mắt thâm đen hiện rõ sự mệt mỏi.

Trong phòng khám, BS.CKII Phạm Phương Mai, Trưởng khoa Khám bệnh thăm khám cho nam thanh niên 19 tuổi. Trái ngược với dáng người to cao, bề ngoài điển trai, thanh niên này mang tâm hồn non nớt, hành động như trẻ 3 tuổi.

Chẳng chịu ngồi yên, chàng trai ngó nghiêng xung quanh rồi cười lớn, người bố ngại ngùng chỉ biết xin lỗi. Bác sĩ Mai tiến đến cầm tay khẽ nhắc cậu về ghế, giữ yên tĩnh để bác sĩ trao đổi với bố.

Bố ngạc nhiên khi con trai lại nghe lời như vậy. Ông kể, tuần trước cậu phát bệnh, trốn khỏi nhà 2 lần, có lúc tìm thấy trong đám tang, lần khác hàng xóm báo thấy cậu ở làng bên.

Bệnh nhân nam rời đi, một nữ sinh 18 tuổi tiến vào phòng, bật khóc, khẽ kéo cánh tay áo lên bên dưới chằng chịt vết dao cứa. Cô gái tâm sự gặp nhiều áp lực trong học tập nhưng bố mẹ không hiểu, đường cùng cô muốn kết thúc cuộc sống của mình.

Một lát sau, lại có người mẹ đưa con trai đến viện, khóc xin nói chuyện riêng với bác sĩ vì lo ngại câu chuyện của bản thân khó ai có thể chấp nhận được - bà đã làm điều không nên làm với đứa con trai mắc bệnh tâm thần, để cuối cùng con bệnh càng thêm nặng, mẹ rơi vào rối loạn tâm lý.

"Với các bệnh nhân tâm thần, họ như ở một thế giới khác, suy nghĩ hành động đều bất thường”, bác sĩ Mai nói. Nhiều người có xu hướng giấu bệnh, người nhà không chấp nhận rằng con, em mình có khiếm khuyết về tâm trí nên thường đến viện khi bệnh đã nặng.

"Gần 30 năm thanh xuân của tôi ngoài gia đình còn lại đều dành cho bệnh nhân tâm thần"

BS.CKII Phạm Phương Mai

Từng chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh vì mắc bệnh tâm lý, tốt nghiệp cấp 3 chị Mai quyết định theo ngành y. Chị nộp hồ sơ vào Đại học Y Bắc Thái, lựa chọn chuyên ngành tâm thần. “Tôi muốn làm gì đó cho người bệnh tâm thần, để họ và gia đình có thể trở lại cuộc sống bình thường”, chị Mai nói.

6 năm trên ghế nhà trường chị Mai chỉ có đúng một tháng học về chuyên ngành tâm thần. Năm 1995 chị tốt nghiệp về làm tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 Hà Nội.

Từ sinh viên tuổi đời còn trẻ, chưa lập gia đình, chị bước vào “thế giới người điên”, nơi các bệnh nhân tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch, suốt ngày la hét, đập phá, được quây trong phòng kín. Ban đầu, chị luôn đi khám cùng các bác sĩ có kinh nghiệm. Sau này khi hiểu hơn về bệnh nhân, chị dần biết cách chế ngự cơn bệnh của họ, chị đi khám một mình.

“Ngày đó tôi sợ lắm, nhưng vượt lên cả nỗi sợ, tôi thương bệnh nhân. Mình đối xử với bệnh nhân thế nào, họ sẽ đối xử lại như vậy, chỉ cần kiên trì, yêu thương họ sẽ không làm hại mình”, bác sĩ Mai nói.

Phát hiện bị ung thư vú chị không sợ chết, chỉ sợ không còn cơ hội làm việc.

Mệt mỏi nhưng chưa từng muốn bỏ nghề

Gắn bó với công việc đặc biệt đến nay gần 30 năm, theo nữ bác sĩ, để làm tốt công việc này, ngoài yêu nghề, chuyên môn cao còn phải có "tinh thần thép" mới bước vào được “thế giới của người điên”. Ngoài chuyện nghe bệnh nhân mắng chửi như cơm bữa, họ còn đánh cả bác sĩ.

Chị Mai không ít lần bị bệnh nhân chửi bới, dùng tay chân đấm đá, nhưng chị hiểu họ không muốn thế, chỉ là bị bệnh tật chi phối, không kiểm soát được hành vi.

20 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, năm 2015 chị Mai xin chuyển về làm việc tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Lý do, nơi làm việc mới gần nhà chị và thuận tiện hơn cho việc học lên chuyên khoa 2. Trước đây mỗi ngày chị đi làm 20km, cả đi cả về hết 40 km.

Về làm bác sĩ tại khoa Khám bệnh, mỗi ngày chị Mai đón tiếp từ 40 đến 50 người đến khám, chủ yếu gặp vấn đề về trầm cảm, rối loạn lo âu. Không còn tiếp xúc nhiều với bệnh nhân cấp tính, nhưng mỗi bệnh nhân tâm thần lại có đặc điểm riêng, chị phải tìm hiểu, học hỏi để điều trị cho người bệnh.

Đầu năm 2017, chị phát hiện mình bị ung thư vú. Dù là bác sĩ tâm lý nhưng chị vẫn rơi vào hoảng hốt, suy sụp. Nhờ thầy cô, bệnh viện động viên chị vừa học, vừa điều trị.

Sau 2 năm hóa, xạ trị cuối 2018 chị kết thúc đợt hóa trị cuối cùng, cũng là lúc cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp chuyên khoa 2 loại giỏi. Chị đảm nhiệm chức Trưởng khoa Khám bệnh tại Bệnh viện tâm thần nan ngày Mai Hương. Sáu năm sau ngày hóa trị chị vẫn uống thuốc duy trì hàng ngày.

Nữ bác sĩ tâm sự, gần 30 năm hành nghề chữa trị cho bệnh nhân tâm thần, chị từng chịu nhiều buồn tủi. Ngày nào cũng bị bệnh nhân mắng chửi, công việc vất vả nhưng thu nhập không bằng bác sĩ viện công khác, ngược lại còn chịu nhiều ánh mắt kỳ thị của người ngoài khi là bác sĩ tâm thần. Trái với các bác sĩ bệnh viện khác được tôn trọng, săn đón, mọi người ngại tiếp xúc với chị, nhưng nữ bác sĩ chưa từng có ý định bỏ việc.

“Với tôi chỉ cần thấy bệnh nhân phục hồi tốt, quay trở lại cuộc sống bình thường mọi buồn tủi đều đáng giá”, bác sĩ Mai nói.

PGĐ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương Trần Thị Hồng Thu nói bác sĩ Mai là người có chuyên môn cao, tận tình với bệnh nhân. Công tác tại viện gần 10 năm bác sĩ Mai luôn hoàn thành tốt công việc được giao, thăm khám điều trị thành công cho hàng trăm ca bệnh, nhận được sự yêu quý của nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp.

“Dù mắc bệnh hiểm nghèo, bác sĩ Mai vẫn rất nỗ lực vượt lên trên bệnh tật để cống hiến cho người bệnh”, bác sĩ Thu nói.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nu-bac-si-gan-30-nam-song-trong-the-gioi-nguoi-dien-ar857408.html