Nữ bác sĩ được làm mẹ sau 13 năm hiếm muộn

Là bác sĩ với nhiều kiến thức y khoa nhưng hạnh phúc đến với gia đình chị vẫn không thể đủ đầy suốt 13 năm vì thiếu vắng tiếng trẻ thơ.

Sáng 18/11, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 500 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Câu chuyện về hành trình 13 năm tìm con của nữ bác sĩ Thảo (Hà Nội) đã khiến nhiều người xúc động.

Mô phỏng quá trình chọc thủng nang trứng để bơm tinh trùng trong TTTON. Ảnh: Việt Hùng.

Bác sĩ Thảo chia sẻ: “Vì cũng là một bác sĩ nên tôi tìm hiểu rất nhiều địa chỉ tin cậy để chữa trị chứ không điều trị lung tung. Đông hay tây y tôi đều thử vì khát khao có con mãnh liệt. Nhưng suốt 13 năm mọi nỗ lực của chúng tôi đều chưa có kết quả”.

Năm 2014, nguồn hy vọng đến với chị khi được người quen giới thiệu đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (HTSS), Bệnh viện Bưu Điện.

“Lần đầu tiên áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ điều trị cho biết phôi phát triển rất đẹp nhưng không thành công. Lúc đó, tuổi tôi đã cao nên không dám hy vọng nhiều, thậm chí còn có ý định buông xuôi. Nhưng câu nói của bác sĩ Nhã (Trưởng trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu Điện - PV) khiến tôi nhớ như in và chợt bừng tỉnh: Khi nào em thất vọng nhất chính là lúc hy vọng nhiều”.

Sau đó, được sự động viên của các bác sĩ, chị Thảo tiếp tục TTTON lần hai. Hạnh phúc đã đến khi chị biết mình mang thai. Chị Thảo kể lại câu chuyện của mình trong xúc động. Lúc đó chân tay chị như rụng rời vì hạnh phúc. Hiện anh chị đã có em bé 18 tháng.

Nữ bác sĩ khuyên mọi người, đặc biệt là các cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm hãy kiên trì và luôn hy vọng như chính bản thân chị. “Với tôi mọi chuyện tưởng chừng như không thể mà vẫn còn cơ hội. Ai cũng có cơ hội riêng của mình. Các bạn đừng vội tuyệt vọng”, chị Thảo nhắn nhủ.

Cũng tại lễ kỷ niệm, chị Trần Thị Phúc (50 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) không giấu được niềm vui khi bế trên tay em bé 10 tháng tuổi. Trước đó, chị lấy chồng hơn 10 năm nhưng sảy thai tới 3 lần khiến thành tử cung mỏng, không giữ được phôi. Tại Bệnh viện Bưu Điện, sau khi được bơm tinh trùng thành công, mong ước có con của vợ chồng chị đã được toại nguyện.

Ngày càng nhiều em bé được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: Hà Quyên.

BS.CKI Nguyễn Thị Nhã, Trưởng trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu Điện, cho hay từ tháng 3/2010 đến nay, bệnh viện đã đón chào 500 em bé ra đời bằng phương pháp TTTON, trong đó có nhiều ca khó như bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân có tinh trùng bất động 100%. Hơn 3.000 chu kỳ TTTON đã được thực hiện tại Bệnh viện Bưu Điện có tỷ lệ thành công ổn định từ 50-60%.

Bên cạnh việc điều trị, Trung tâm HTSS còn thường xuyên tổ chức tư vấn, nâng cao nhận thức về hiếm muộn miễn phí cho cộng đồng, để làm tốt sứ mệnh mang lại niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh.

Hiện nay chi phí cho một ca thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam từ 60-80 triệu đồng. Mức phí này rất thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực, song lại là gánh nặng với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Do đó, nhân dịp chào đón ''em bé ống nghiệm'' thứ 500 ra đời, Bệnh viện Bưu điện dành 20 suất thụ tinh ống nghiệm miễn phí, mỗi suất trị giá 30 triệu đồng, cho 20 cặp vợ chồng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có xác nhận của chính quyền địa phương.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-bac-si-duoc-lam-me-sau-13-nam-hiem-muon-post698881.html