NSƯT Minh Vượng: Con chim khuya một mình trong tổ

Một nhà văn nào đó nói về một cô gái đẹp ở đất Hà Thành: “Mỗi khi em cười, nửa Hà Nội nghiêng theo nụ cười của em”, Minh Vượng không theo vẻ đẹp chuẩn mực ấy, nhưng với nhiều người Minh Vượng có nụ cười tỏa nắng.

NSUT Minh Vượng.

Nụ cười đấy không làm say đắm ngất ngây người trai lạ, không khiến hoa thẹn, mây tủi nhưng lại dịu dàng như mùa thu tỏa nắng, ấm áp như xuân sang, tươi tắn như nắng vàng rực rỡ. Và ngay cả khi mùa đông buốt giá, vô tình bắt gặp nụ cười ấy cũng đủ sưởi ấm trái tim, làm lòng ta dịu lại. Ngay cả bây giờ, dưới ánh nắng gắt gao sôi sục như chảo lửa của buổi ban trưa, Vượng cười, nụ cười hồn hậu khoe đôi răng trắng đều như hạt lựu. Tươi tắn là vậy, đôi mắt ướt át, lúng liếng là vậy nhưng sao buồn đến thế.

Nỗi buồn thăm thẳm được ẩn vào bên trong cái dáng vẻ vững chãi. Và, chẳng hiểu sao cứ mỗi lần tôi nhìn thấy chú chim nào lại bật chợt nhớ đến chị với những vần thơ mênh mông buồn: “Đêm lang thang, dưới ánh trăng vàng/ Trăng cuối tuần mùa hạ./ Đường phố vắng không người qua. / Tán lá chìm trong đêm ngủ./ Con chim khuya về tổ đã lâu. /Trong mỗi căn nhà giấc ngủ nồng từ tối. /Ta đi lũi lầm như một kẻ lang thang. Không mái ấm không vòng tay chờ đón.”

Đấy! Người buồn thơ có vui đâu bao giờ. Người cô đơn nhậy cảm như chị, đêm, ánh trăng, đường phố, con chim, căn nhà, lang thang…Tất cả tổ hợp đấy cứ lập đi lập lại hàng chục năm nay, Vượng vẫn một mình trong căn nhà lạnh. Chị tìm quên trong công việc, trong bạn bè. Nhưng, bảo Vượng là con người của cá tính ngang tàng, của sự bất cần thì đều không phải. Vượng nhậy cảm mong manh, yếu đuối, bất cứ ai ở gần cũng đều thấy vậy. Vượng quá đa cảm. Người đa cảm thì thường hay buồn. Những vần thơ của Vượng lại luôn buồn. Vượng bảo: “Chỉ khi nào buồn mới có thơ thôi”. Vượng sinh sống trong căn nhà nhỏ nơi đằng sau trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã hằng chục năm nay. Nhà không có đàn ông chỉ duy nhất có Vượng và chú chó nhỏ.

Nhưng rồi theo quy luật tự nhiên của tạo hóa, chú chó cũng đến lúc phải ra đi, căn nhà còn lại mình Vượng. Trước đây chị nuôi một chú chó để làm bạn, mỗi khi thấy Vượng đi diễn về lạch cạch mở cửa, chú chó nhỏ mừng quýnh. Chị nuôi hai đời chó. Chó mẹ ( Ben) và chó con (Tô Ni). Chị kể: Khi con Ben chết, ba con con cũng lần lượt qua đời vì bệnh tiêu chảy, duy chỉ còn Tô Ni. Nhìn mấy con chó mẹ đã tắt thở, chị lặng lẽ tắm cho chúng rồi nhẹ nhàng lấy tấm vải trắng cuốn con mẹ và 3 con con vào, sức nước hoa mang đi nghĩa trang Quảng Bá chôn. Hôm đấy là chiều thu. Trời lất phất mưa, người đàn bà trên con đường Hà Nội hôm đấy buồn nôn nao, hai hàng nước mắt trào ra nơi khóe mắt. Suốt cả đoạn đường đi, chị vừa đi vừa khóc. Trong lòng thấy hụt hẫng và trống vắng vô cùng. Một mất mát lớn lao. Một điểm tựa tinh thần bị tước bỏ. Sau này, chị dành hết yêu thương cho Tô Ni. Con chó út may mắn sống sót. Đến khi Tô Ni già yếu sinh bệnh mà chết chị đã thề không nuôi thêm một con vật nào nữa.

Lúc nào cũng đa cảm, đa sầu lại vương nghiệp diễn. Những ngày cùng đoàn lưu diễn đến các trại tù ở đồi heo hút gió, nơi núi rừng âm u, nhìn thân phận người phụ nữ trong trại tù khiến lòng chị se sắt lại. Từng khuôn mặt trẻ phạm tội, những người đàn bà với án tù chung thân, tóc bạc trắng và trên mặt hằn lên nếp nhăn ngang dọc của thời gian, của đau đớn, ăn năn muộn màng, của lầm đường lạc lối. Chị thấy họ đáng thương hơn đáng giận. 28 Tết rồi, họ đã đón bao nhiêu cái Tết ở trong trại tù, xung quanh là bốn chấn song sắt. Còn chị sau chuyến lưu diễn vào ngày giáp Tết chị lại về đối mặt với cô đơn. Họ, những phạm nhân ấy như con chim bị nhốt trong lồng. Còn chị là con chim được tự do tung cánh ngoài bầu trời, nhưng lòng chị chống trải, vẫn một nỗi mênh mông buồn - sự cô đơn đến tột cùng. “Chỉ còn lại một mình đi về khi tan rạp./ Chỉ còn lại một mình ra về trong chống vắng./ Ta cứ đi cứ đi, chân đếm thầm từng nhịp./ Mong đừng xa cứ xa. Cho lòng thôi thổn thức. Cho lòng quên rạo rực. Cho mình quên hẳn nhau./ Ta nào khóc đâu em, chắc sương rơi trên má. / Hạt sương sa lành lạnh./ Giọt rơi rơi rơi. Trên môi mình mằn mặn./ Ta cứ đi cứ đi. Chân đếm thầm từng nhịp.”

NSUT Minh Vượng.

Cuộc sống của chị cũng thật phong phú, vì đi nhiều được trải nghiệm. Chị sống một mình, chả vướng bận chuyện chồng con, nên tha hồ tung tẩy thích đi đâu tùy hứng, làm gì tùy thích, không bị ai cấm cản. Thế nên chị đi diễn nhiều lắm. Chị nghĩ mình còn sức khỏe làm được gì cho đời thì cứ làm, chứ nếu nhỡ đến một lúc nào không diễn được nữa thì sao?! Có những xuất diễn khiến cho chị không thể nào quên, đó là những lần diễn cho những khán giả đặc biệt ở những nơi đặc biệt. Khi diễn ở trại giam xa lắc xa lơ, lại có lúc theo đoàn từ thiện cho nơi có trẻ lang thang cơ nhỡ, Bệnh viện tim, Bệnh viện nhi, Bệnh nhân HIV trẻ con, trẻ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu… Chị kể: Diễn hài mà chị phải ngửa mặt lên trời vì nhìn xuống, nước mắt không ngăn được sẽ trào ra. Hàng ghế dưới kia là những đứa trẻ yếu ớt, run rẩy vì bệnh tật, những đứa trẻ bị bệnh tim người xanh ngắt như tàu lá chuối, cả đứa bé bị ung thư rụng hết tóc, những đứa bé thân thể không lành lặn vì bị ung thư xương phải cưa một bộ phận nào đó trên cơ thể. Và còn có cả những đứa bé vô tội bị căn bệnh thế kỷ. Chị pha trò đấy, ầm ào tưng tửng đấy mà lòng thắt đau nghĩ đến số phận và cái chết không báo trước của những đứa trẻ mắc căn bệnh nan y, hôm nay còn ở nơi đây ngày mai biết cơ sự thế nào?

Chị khóc thương cho những thân phận thiệt thòi, và cũng khóc thương cho cả chính mình. Cuộc sống với quy luật, sinh, lão, bệnh, tử, con người không ai thoát khỏi vòng xoay sinh - tử. Nhưng, chị cũng cũng ngậm ngùi khi nghĩ đến kiếp người bé mọn, có những đứa trẻ mất ngay khi chưa kịp lớn. Có người sống trong cuộc đời chẳng được hưởng những ngày tự do mà cho thân vào chốn lao tù, để rồi mất đi gia đình, mất đi chính mình. Chị thương cảm cả những cô gái vật vờ ăn đêm ở ngoài bãi, khuôn mặt nhạt nhòa son phấn, ốm o vì tật bệnh. Một lần trong một chuyến công tác vào thành phố Huế, bên bờ sông Hương chị đã gặp những cô gái ăn đêm và chị ngồi cả đêm để nói chuyện với họ, sau đó chị về và viết nên những câu thơ: “Xin một lần sự tha thứ dịu êm/ Đem giọt ấm trả về trong đôi mắt/ Cho em sống làm người trong sạch/ Cho em đi làm lại cuộc đời.”

Chị mong manh là vậy những lại ẩn trong dáng vẻ mạnh mẽ cương quyết. Không hiếm những người bệnh ngày mai lên bàn mổ mong gặp chị để được nghe lời an ủi, gặp chị họ như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, tinh thần được giải tỏa.

Tuổi ngoài 50, bệnh tật lũ lượt kéo đến, bệnh tiểu đường, dạ dầy, huyết áp. Ngày nào cũng mấy mũi tự tiêm vào người. Bao nhiêu năm nay chung thân với thuốc.Thi thoảng lại còn bị nhập viện, nhưng chị chưa bao giờ ngưng việc. Đêm đêm chị nghĩ đến kịch bản, tự tay ra phác thảo, lập dàn ý rồi lên khuôn. Tự mình kiêm luôn ba vai trò, sáng tác, diễn viên, đạo diễn chương trình của mình. Trong căn nhà, chị vẫn đọc những câu chuyện cổ tích, vẫn xem hoạt hình. Chị bảo: Ở thế giới đó ấm áp và nồng đượm tình cảm với đầy lòng nhân ái, tính đoàn kết. Nghĩ bắt đầu từ tình yêu thì tội ác sẽ biết dừng lại. Còn con người không có tình yêu thì cái gì cũng có thể phạm được. Tội ác xảy ra khi con người ta sống không biết yêu thương, để lòng tham và hận thù che khuất.”

Căn nhà nhỏ xinh đó, chị vẫn giữ lại những đồ vật đã từng là kỉ niệm, giờ tuy không dùng đến nữa nhưng chị vẫn cẩn thận giữ chúng lại như một phần thân quen của kí ức. Đồ vật của ngày đã qua, nhắc về một thời đã sống. Góc kia, chiếc xe máy cũ giờ không còn đi nữa vẫn được để đấy như một kỉ niệm về những chuyến đi, những chặng đường ghi dấu ấn trên từng xa lộ. Nơi ngăn tủ, vẫn có một chỗ để những bộ quần áo cũ mà đã từ lâu lắm rồi chưa bao giờ mặc đến, nhắc nhớ về một thời đã qua, không thể nào quên . Cả bát đĩa, cốc chén sứt mẻ cũng không nỡ vất đi, gói ghém vào một chỗ. Những con thú bông nhỏ bạn bè hay khán giả tặng chị đều trân trọng giữ gìn cho dù đã cũ lắm. Cả những bức ảnh của một thời xa lắm…Đêm tối dần buông, căn nhà như ấm lên bởi những đồ vật thân quen từ bao năm nay vẫn ở đó làm bạn. Chị tin mỗi một đồ vật đều có linh hồn, và chị ở đây, người bạn của những linh hồn. Ở chị là một linh hồn rộng lớn, dồi dào năng lượng, dạt dào tình yêu, thừa thãi sự bao dung mà bất cứ ai cũng đều muồn gần nữa, gần mãi. Minh Vượng yêu dấu của tôi!

Thái Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nsut-minh-vuong-con-chim-khuya-mot-minh-trong-to/116277