NSƯT Khuất Quỳnh Hoa: Nghệ thuật chân chính luôn có 'lửa'

Trong số 4 nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam vừa được phong danh hiệu NSƯT có diễn viên Khuất Quỳnh Hoa - một gương mặt khá nổi bật trên sàn diễn của nhà hát trong những năm qua. Được khán giả nhớ đến với những vai diễn sân khấu và vai các nhân vật trong phim truyền hình đầy nội tâm, chịu nhiều thiệt thòi, Khuất Quỳnh Hoa là diễn viên có một tình yêu sâu đậm với sân khấu.

Phóng viên Chuyên đề VNCA có cuộc trò chuyện với diễn viên Khuất Quỳnh Hoa.

- Xin chào nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa và chúc mừng chị vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT. Danh hiệu này có ý nghĩa như thế nào với con đường nghệ thuật mà chị đang theo đuổi?

+ Đối với tôi, đó không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là phần thưởng, sự ghi nhận gắn với một chặng đường tuổi trẻ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tiếp xúc với các thầy cô là NSND hay NSƯT, tôi chỉ dám nghĩ, không biết trong cuộc đời làm nghệ sĩ của mình liệu có được niềm vinh dự chạm tay đến danh hiệu ấy hay không. Chính vì thế, danh hiệu này có ý nghĩa quan trọng đối với con đường nghệ thuật của tôi, là nguồn động viên tinh thần to lớn để tôi vững bước trên con đường mình đã chọn.

NSƯT Khuất Quỳnh Hoa.

- Vừa qua Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục công diễn vở "Bóng rối" (Kịch bản: Vũ Hoàng Hoa; đạo diễn: NSND Tạ Tuấn Minh) - một vở diễn về đề tài đương đại tạo được sự chú ý với khán giả - trong đó Khuất Quỳnh Hoa đảm nhiệm vai diễn người mẹ với những giằng xé nội tâm phức tạp. Đây chắc hẳn cũng là vai diễn khó đối với Khuất Quỳnh Hoa?

+ Quả thực, đây chính là vai diễn khó nhất cho đến thời điểm này mà tôi được giao đảm nhiệm. Nhận kịch bản, tôi vừa mừng vừa lo, vì lời thoại trong kịch bản khá dài, nặng tính văn học và nội tâm nhân vật đan xen nhiều giằng xé. Đặc biệt là, trên sân khấu không có công cụ, phương tiện gì hỗ trợ ngoài các lớp rèm, nên hầu như diễn viên phải diễn bằng toàn bộ nội lực, biểu cảm của mình. Bản thân tôi cũng là người không muốn bị "đóng đinh" bởi một dạng vai, không muốn nhân vật của mình chỉ thể hiện bên ngoài dữ dội, gây chú ý mà phải có một nội tâm sâu sắc, có câu chuyện, có số phận phía sau. Chính vì thế, tôi rất hào hứng khi được đạo diễn Tạ Tuấn Minh giao vai diễn này. Tôi nhớ NSND Anh Tú - người thầy mà tôi vô cùng kính trọng - đã dạy cho rất nhiều thế hệ diễn viên một câu nói mà tôi luôn khắc ghi: "Đó là sự ngoạn mục trong diễn xuất!", nhằm thể hiện quá trình biến đổi và bùng nổ nội tâm nhân vật.

- Được biết Khuất Quỳnh Hoa là một trong những diễn viên trẻ chủ chốt của Nhà hát Kịch Việt Nam, với hàng loạt vai chính và quan trọng trong các vở diễn của Nhà hát trong hơn chục năm qua. Chị có thể chia sẻ với độc giả VNCA biết thêm về tình yêu sân khấu của mình?

+ Đối với tôi, sân khấu là tình yêu nghệ thuật và là niềm đam mê lớn nhất. Từ những năm đầu về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi đã được các đạo diễn, đồng thời là những người thầy trong nghề tin tưởng giao nhiều vai diễn quan trọng trong các vở "Chấm hỏi, chấm than", "Tai biến", "Hamlet" của đạo diễn, NSND Anh Tú; vở "Nhân danh công lý" của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang; vở "Đạo học" của đạo diễn. NSND Lê Hùng; vở "Bệnh sĩ" của đạo diễn, NSND Tuấn Hải... Nhà hát Kịch Việt Nam là một môi trường rất tốt cho các diễn viên trẻ thực hành và trưởng thành. Nhờ được tiếp lửa nghề từ các bậc cha chú trong nhà hát, mỗi lần vào một vai diễn, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng "cháy" hết mình để sân khấu thực sự là thánh đường nghệ thuật.

- May mắn được làm việc với các đạo diễn và cũng là những người thầy có tên tuổi từ khi mới về Nhà hát Kịch Việt Nam, với Khuất Quỳnh Hoa người thầy nào có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con đường nghệ thuật của chị?

+ Tôi nghĩ rằng, mỗi đạo diễn, mỗi người thầy lớn đều có những ảnh hưởng ở mặt nào đấy đến con đường nghệ thuật của tôi. Tuy nhiên, người tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là NSND Anh Tú. Thực ra, NSND Anh Tú ảnh hưởng, tỏa bóng đối với nhiều nghệ sĩ chứ không chỉ riêng tôi. Tôi nhớ mãi câu nói rất thấm thía của NSND Anh Tú: "Dù dưới hàng ghế khán giả chỉ còn một khán giả thì mình vẫn phải diễn hết mình, có thể ngày mai họ không đến rạp xem nữa, thì tại sao mình không cháy hết mình!". Câu nói đó đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của tôi và tôi cho rằng, có lẽ đó cũng chính là lí do tại sao nghệ thuật chân chính luôn có "lửa".

NSƯT Khuất Quỳnh Hoa trong vở kịch đương đại "Bóng rối".

- Những vai diễn đã mang lại cho Khuất Quỳnh Hoa giải thưởng cá nhân trong các kỳ hội diễn có phải là những vai mà chị thích nhất không?

+ Cho đến thời điểm này, vai diễn mà tôi thích nhất chính là vai Oliphia trong vở "Hamlet", bởi đó là vai diễn đẹp quá và với tôi, việc được hóa thân vào vai diễn đó vốn là niềm mơ ước. Các hội diễn chuyên nghiệp là một sân chơi đẳng cấp mà từ các nghệ sĩ gạo cội đến các diễn viên trẻ đều mong có dịp được tham gia. Nhưng, với tôi lại khác một chút, đó là các vở diễn mà tôi tham gia trong các kỳ hội diễn - liên hoan thường không phải là các vở được dàn dựng để đi dự thi, mà đều là các vở diễn độc lập, đã có đời sống riêng. Vai diễn đầu tiên tôi tham gia dự thi đạt được Huy chương Vàng là vai Nhàn trong vở "Bệnh sĩ" (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Tuấn Hải tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 2015. Sau đó là các Huy chương Vàng cho vai Oliphia trong "Hamlet", vai Diễm Lệ trong "Bão tố Trường Sơn" và Huy chương Bạc cho vai bà Lượng trong vở "Bạch đàn liễu" (Kịch bản: Xuân Trình; đạo diễn: NSND Trần Lực) tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 là những sự ghi nhận, niềm động viên lớn để tôi tiếp tục nỗ lực với nghề.

- Một số vai diễn trong phim truyền hình của Khuất Quỳnh Hoa là những vai diễn có số phận nhiều thiệt thòi. Với Khuất Quỳnh Hoa, đâu là vai diễn về thân phận phụ nữ mà chị cảm thấy bị ám ảnh nhất?

+ Có lẽ đó là vai diễn Xuân trong phim "Lựa chọn số phận", đòi hỏi sự giằng xé nội tâm phức tạp nên tất cả các phân đoạn của mình quay đi quay lại nhiều lần. Lúc đầu, tôi còn hồ nghi về nhân vật, bởi lẽ có những trường đoạn tôi không thể tin nó lại có thể tồn tại trong đời sống thực tế. Tuy nhiên, một lần, khi ngồi uống trà bên đường, tôi đã chứng kiến cảnh một phụ nữ bị chồng bạo hành ngay giữa thanh thiên bạch nhật, bị đánh và kéo lê trên đường. Tôi lặng lẽ đi theo và hỏi chuyện thì được chị kể lý do chị còn ở lại cuộc hôn nhân này là vì con. Chính vì thế, tôi mới có được thực tế sinh động và niềm tin đối với nhân vật để hoàn thành tốt vai diễn ấy.

- Với Hoa, công việc làm nghệ thuật có đem đến một đời sống vật chất dư dả không? Hay, chị cũng giống nhiều nghệ sĩ khác, phải lấy "tay trái" để nuôi "tay phải"?

+ Tôi chưa bao giờ đặt nặng kinh tế khi làm nghệ thuật. Tôi vẫn cho rằng, làm nghệ thuật là công việc đáng quý, hơn nữa còn là niềm đam mê của tôi. Thời gian gần đây, nhiều diễn viên bước ra từ các nhà hát kịch có cơ hội lo cho cuộc sống đầy đủ hơn từ những vai diễn ấn tượng, những hợp đồng quảng cáo hay lời mời dự sự kiện là điều rất đáng mừng. Nhưng, với tôi, nếu có phải lấy "tay trái" để nuôi "tay phải", tôi cũng không buồn, bởi vì mình vẫn đang nuôi dưỡng niềm đam mê và hạnh phúc khi được làm nghề, được đứng trên sân khấu. Làm nghệ thuật là để mình có cơ hội cống hiến, không phải là nơi để đắn đo xem mình nên làm gì để kiếm được tiền nhiều hơn. Thậm chí, đến giờ tôi còn cảm thấy biết ơn vì mình được "bay" trong môi trường, được cháy hết mình cho nghệ thuật!

- Xin cảm ơn NSƯT Khuất Quỳnh Hoa!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nsut-khuat-quynh-hoa-nghe-thuat-chan-chinh-luon-co-lua-i726596/