NSND Trung Anh: Hết ông bố này sẽ đến ông bố khác

Nhiều năm trở lại đây, dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng NSND Trung Anh luôn bận bịu với các lời mời đóng phim. Một nữ diễn viên trẻ tiết lộ, cô đã lỡ dịp đóng chung với nam nghệ sĩ trong ít nhất 2 bộ phim điện ảnh vì anh không thu xếp được thời gian. Dù vậy, chỉ trong vài tháng gần đây, tên của anh liên tục gắn liền với các bộ phim ra mắt khán giả, từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh rộng.

Đã quan sát rất nhiều ông bố

- Phóng viên: Chào NSND Trung Anh, khán giả rất bất ngờ khi thấy anh xuất hiện trên sóng màn ảnh nhỏ với vai diễn ông bố trong phim “Chúng ta của 8 năm sau”. Nhưng ông bố lần này có vẻ hơi… lạ. Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi hóa thân vào vai ông bố không phải “quốc dân” này không?

NSND Trung Anh trong phim “Chúng ta của 8 năm sau”

- NSND Trung Anh: Nhiều người hỏi tôi: “Sao cứ đóng vai ông bố mãi thế?”. Thú thật, ở tuổi này tôi làm sao đủ điều kiện đóng những vai trẻ trung “soái ca” được, chắc chắn chỉ có thể vào vai ông bố có một hay vài đứa con thôi. Thế nên hết vai ông bố này thì sẽ lại đến vai ông bố khác (cười). Có điều, vai ông bố lần này đúng là hơi khác thật. Nói vậy là bởi khán giả đã quen với hình ảnh nhân vật “ông bố quốc dân” mà tôi từng đóng, cả đời hy sinh cho con cái. Còn lần này, vai ông bố trong phim “Chúng ta của 8 năm sau” lại là một người cha có nhiều toan tính, tính cách lạnh lùng, sòng phẳng, thậm chí còn bỏ rơi cô con gái duy nhất của mình. Hành trình kết nối giữa nhân vật này với cô con gái sau đó đã phải trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm, từ khi ông bố là đại gia cho tới khi rơi vào cảnh cùng cực, phải làm lại cuộc đời. Sự khác biệt tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn chính là đời sống nội tâm của ông bố này so với các ông bố khác.

- Có vẻ như để nhấn mạnh sự khác biệt mà ngay từ khâu tạo hình ông bố trong phim này cũng rất độc đáo và khác lạ?

- Như khán giả thấy, tạo hình của ông bố mà tôi hóa thân trong “Chúng ta của 8 năm sau” có sự khác biệt, từ mái tóc màu trắng bạch kim, phong cách ăn mặc sang trọng để phù hợp với hình ảnh một người giàu có. Đây là lần hiếm hoi tôi được đóng vai nhà giàu (cười). Điều này cũng một phần khiến tôi bị thu hút khi đọc kịch bản phim và để tâm tới nhân vật mà mình được mời đóng. Sự khác biệt với những vai mà tôi từng đóng đã tạo ra sự thách thức, song cũng là động lực thôi thúc tôi đi tìm và gắn kết với nhân vật. Song, sự khác biệt về tạo hình bên ngoài chỉ là những gì mọi người nhìn thấy. Vai diễn ông bố này thực ra lại không quá quan trọng về ngoại hình mà có sự đào sâu về cảm xúc nội tâm. Tôi rất thích ý tưởng mà biên kịch phim đưa vào, đó là khi người ta tưởng chừng đã mất tất cả thì lại tìm thấy điều quý giá nhất.

- Được khán giả yêu mến gắn với biệt danh “ông bố quốc dân” của màn ảnh Việt, anh cảm thấy thế nào về danh xưng này?

- Tôi cũng như bao nghệ sĩ khác, được mọi người yêu mến là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh được. Nhưng thú thực một cách rất chân thành là tôi không dám nhận về mình danh xưng quý giá đó, vì nó mang ý nghĩa quá lớn lao. Dù sao để có được những vai diễn ông bố được khán giả ít nhiều đón nhận như vậy, tôi cũng đã dành thời gian quan sát rất nhiều ông bố ở ngoài đời, từ hàng xóm, bạn bè… và góp nhặt vốn sống cho mình để sau này có chất liệu thể hiện. Thời điểm phát sóng phim “Về nhà đi con”, con gái tôi còn nói vui rằng: “Hình như bố yêu các cô con gái trên phim hơn là con gái thật ngoài đời”.

Tôi nấu ăn dở lắm

- “Đóng đinh” với vai ông bố nhiều đến vậy, có lúc nào anh muốn đạo diễn ngắm cho mình dạng vai khác không?

- Tôi cũng mong muốn thử sức với những dạng vai hơi xa lạ với khán giả một chút, có thể đa nhân cách, khó thể hiện. Hoạt động nghệ thuật, cụ thể là làm diễn viên thì ai cũng vậy, đều muốn chinh phục đỉnh núi này đến đỉnh núi khác thay vì chỉ chinh phục mãi một đỉnh núi. Việc đóng nhiều dạng vai khác nhau cũng là điều thú vị.

- Cách đây không lâu, anh từng có vai một chiến sĩ công an trên màn ảnh nhỏ. Đó có phải vai diễn ghi dấu sự khác biệt mà anh mong muốn?

- Đúng vậy, đó là vai diễn chiến sĩ công an trong bộ phim truyền hình “Đấu trí” do đạo diễn Nguyễn Danh Dũng dàn dựng. Thật ra trước bộ phim này tôi từng có dịp hóa thân vào hình ảnh tương tự, song là trên sân khấu kịch. Ban đầu khi đọc kịch bản phim, tôi đề xuất đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho mình đóng vai tội phạm cơ (cười). Tuy nhiên, sau đó anh Danh Dũng thuyết phục nhận tôi vào vai Đại tá Trần Giang. Trước đó, khi mới có series phim “Cảnh sát hình sự”, không hiểu sao tôi cứ có cảm nhận là mình có thể đóng được nhiều vai, nhưng không diễn được vai công an. Đó là lý do mà dù đã bị đạo diễn Danh Dũng thuyết phục, song tôi vẫn lo lắng khi đảm nhận vai chiến sĩ công an trong bộ phim này.

- Gần đây, người hâm mộ còn thấy anh góp mặt trong bộ phim điện ảnh cổ trang “Hồng Hà nữ sĩ” với vai quan Thượng thư. Anh có thể chia sẻ một chút về vai diễn này không?

- Thực tế diễn viên bây giờ ít có cơ hội cọ xát với các phim thuộc dòng lịch sử, phim cổ trang, mà chủ yếu đóng các phim hiện đại nhiều hơn. Bởi vậy khi vào vai trong phim “Hồng Hà nữ sĩ”, tôi cũng đã phải nỗ lực rất nhiều. Đóng phim điện ảnh, lời thoại của nhân vật không nhiều nên học thuộc cũng không khó. Cái khó là ở các lớp lang, ẩn ý đằng sau mà diễn viên phải thể hiện ra. Tôi cũng như các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn làm phim đã cố gắng diễn sao cho tốt nhất. Chúng tôi đều là những diễn viên chuyên nghiệp nên không ngại khó, ngại khổ, chỉ lo không biết nhân vật mình đóng sẽ được mọi người đón nhận thế nào thôi.

- Sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Việt Nam, anh dường như còn bận hơn khi tham gia cả công tác giảng dạy ở Đại học Sân khấu điện ảnh. Ngoài những lúc bận ra, anh dành thời gian cho bản thân và gia đình thế nào?

- Thường thì những lúc không đi đóng phim hay làm việc khác thì tôi sẽ cố gắng đỡ vợ chuyện gia đình, nhà cửa, trừ chuyện bếp núc vì tôi nấu ăn dở lắm (cười). Tôi cũng dành thời gian để dậy sớm chăm sóc cây cối, uống trà, đọc sách, xem bóng đá… Tôi ít khi lui tới những chỗ đông người, cái này là thói quen từ xưa rồi vì tôi cũng không uống bia, rượu.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của NSND Trung Anh!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nsnd-trung-anh-het-ong-bo-nay-se-den-ong-bo-khac-post557640.antd