NSND Trần Nhượng: Nửa thế kỷ dưới ánh đèn

Tối 25/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật đặc biệt 'NSND Trần Nhượng - Nửa thế kỷ dưới ánh đèn' được tổ chức nhân kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 Âm lịch hằng năm), nhằm tri ân tới các bậc tiền bối trong ngành nghệ thuật, đặc biệt là lời cảm ơn chân thành mà nghệ sĩ Trần Nhượng dành cho đông đảo khán giả đã ủng hộ anh hơn nửa thế kỷ qua.

Chia sẻ về ý tưởng tổ chức chương trình nghệ thuật “Nửa thế kỷ dưới ánh đèn”, NSND Trần Nhượng cho biết, dù được khán giả cả nước biết tới ở cả lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình nhưng với anh, sân khấu là nơi anh bắt đầu bén duyên và thành danh trên con đường nghệ thuật. Với anh, sân khấu vẫn luôn là thánh đường xây những giấc mơ nghệ thuật, nơi anh vẫn đau đáu và vui buồn cùng nó.

NSND Trần Nhượng cùng đồng nghiệp, người thân chia sẻ về chương trình kỷ niệm 50 năm làm nghệ thuật của mình.

Anh bộc bạch: “Năm mươi năm là cột mốc bình thường trong cuộc đời một con người nhưng nửa thế kỷ đứng dưới ánh đèn để làm nghề với một nghệ sĩ là một dấu mốc đáng kể lắm chứ. Tôi muốn dành tặng chương trình này cho những khán giả mộ điệu đầy yêu thương và trân trọng. Chương trình bao gồm 2 phần. Phần 1: Lễ dâng hương Tổ nghề và trao quà cho các nghệ sĩ lão thành, các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Phần 2 là chương trình nghệ thuật với một số vai diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình để lại dấu ấn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Ngoài ra, tôi cũng sẽ hát lại một vài ca khúc thuở mới vào nghề ở vai trò ca sĩ. Đặc biệt tiểu phẩm “Nối nghiệp” (tác giả Chu Thơm) về câu chuyện của 3 cha con (NSND Trần Nhượng, đạo diễn Bình Trọng và ca sĩ, diễn viên Anh Phương) và cũng được 3 cha con diễn xuất”.

Năm mươi năm là quãng thời gian đủ dài, đủ thấm để NSND Trần Nhượng hoài niệm lại con đường đến với nghệ thuật của mình. Sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hải Dương, nhưng ngay từ nhỏ, giấc mơ được làm diễn viên đã ấp ủ trong tâm trí cậu bé Trần Nhượng. Giấc mơ ấy được bắt nguồn từ ấn tượng sâu sắc mỗi lần đoàn chèo Nam Sách, đoàn chèo Hải Hưng hay đoàn kịch Tổng cục Chính trị… về biểu diễn tại quê hương. Ngắm nhìn các nghệ sĩ say sưa với lời ca điệu hát hay hóa thân vào các nhân vật trong vở diễn… cậu bé Trần Nhượng lại khát khao có ngày mình ở vị trí đó.

Hai mươi tuổi, Trần Nhượng nộp hồ sơ dự thi đại học nhưng đúng ngày này, đoàn Ca múa kịch Hải Hưng tuyển diễn viên. Cậu bạn đi cùng biết Trần Nhượng mê nghệ thuật nên đẩy vào dự thi và được nhận vào đoàn. Khi biết tin cậu con trai theo nghiệp diễn viên, cả gia đình kịch liệt phản đối. Cha mắng, mẹ khóc, ông bà, họ hàng ngày nào cũng khuyên răn, tác động, thậm chí gia đình còn ép Trần Nhượng… lấy vợ hòng đưa anh rời xa sân khấu nhưng không lay chuyển được ý chí theo nghệ thuật ở chàng trai trẻ.

Về đoàn Ca múa nhạc Hải Hưng với vai trò ca sĩ, Trần Nhượng vẫn nhớ như in buổi biểu diễn đầu tiên với ca khúc “Bài ca Trường Sơn” phục vụ Thương - bệnh binh Viện Quân y 7 tại nơi sơ tán Hang Ma, Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương năm 1972… Tuy nhiên, sau đó tự nhận thấy chất giọng của mình không quý, hiếm, Trần Nhượng chuyển sang làm diễn viên và những vai diễn đầu tiên như vai sĩ quan Ngụy trong vở kịch ngắn “Bác sĩ Huỳnh” (1973), tiếp theo là vai chính Phú trong vở “Chị Nhàn” (1974)… Nghệ sĩ Trần Nhượng cũng bén duyên với điện ảnh bằng vai chính Trần Văn Bang trong phim “Vệt sáng ngược” của điện ảnh CAND (1980), vai Bích trong “Ai giận, ai thương” (1981). Sau đó là một loạt vai phụ trong các phim “Đêm hội Long Trì”, “Những ngôi sao nhỏ”, “Tình yêu và vực thẳm”…

Với một chặng đường dài rèn luyện và say mê làm nghệ thuật, NSND Trần Nhượng không thể nhớ hết mình đã có bao nhiêu vai diễn. Nhiều vai diễn nhận được sự ghi nhận của anh em, đồng nghiệp, mang về những giải thưởng danh giá và đặc biệt là sự yêu mến của khán giả. Giải thưởng đầu tiên Trần Nhượng nhận được ở sự nghiệp sân khấu là Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu Toàn quốc với vai Robert trong vở “Nữ ký giả” (1985). Là người có vóc dáng nhỏ bé (khi ấy nghệ sĩ Trần Nhượng chỉ 49kg) nhưng lại được giao vai một phi công Mỹ nên không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, bỏ qua nhược điểm ngoại hình, Trần Nhượng đã chinh phục được khán giả nhờ tìm hiểu kỹ từng hành động, biểu cảm của người Mỹ, đặc biệt là luyện đài từ. Bên lề Liên hoan, anh rất ấn tượng với nhận xét vui về vai diễn của khán giả: “Rất là Mỹ nhưng mỗi tội Mỹ “còi”.

Những giải thưởng mà NSND Trần Nhượng đạt được có lẽ là mơ ước của nhiều nghệ sĩ. Giải A cho vai Ông già Câm trong vở “Người với người” (năm 1991), Giải A cho tác giả vở “Thằng Mẫn tóc nâu” (1996), Huy chương vàng ở vai trò đạo diễn và vai Thiếu tướng Bảy Thắng vở “Vòng xoáy” (2005), Giải đạo diễn tìm tòi và sáng tạo trong vở “Những quân bài định mệnh” (2008), Huy chương Vàng vai chủ tịch tỉnh trong vở “Biển và bờ” (2012)… cùng nhiều giải thưởng khác. Danh hiệu NSND được trao tặng năm 2015 là sự ghi nhận những đóng góp của anh đối với nền sân khấu nước nhà.

Khi chúng tôi hỏi rằng, những năm tháng công tác ở đoàn kịch CAND có ý nghĩa nào trong sự nghiệp nghệ thuật của anh, NSND Trần Nhượng chân thành: “Năm 1983, tôi chính thức công tác tại đoàn Nghệ thuật CAND. Tính đến khi nghỉ hưu với quân hàm Đại tá là gần 30 năm mang sắc phục Công an. Sau 50 năm nhìn lại, tôi luôn biết ơn lực lượng CAND đã cho tôi những tháng ngày hoạt động nghệ thuật thăng hoa nhất, rực rỡ nhất. Lực lượng CAND nói chung và Nhà hát kịch CAND nói riêng là nơi tôi được cống hiến và phát huy năng lực sáng tạo của mình. Hiện nay, tôi đang ấp ủ thực hiện bộ phim nói về những cán bộ hưu trí của ngành Công an”.

NSND Trần Nhượng vai Thiếu tướng, Giám đốc Công an trong phim “Bão ngầm”.

Là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng khiêm nhường, hòa nhã, NSND Trần Nhượng có được sự yêu mến của bạn bè, đồng nghiệp. Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu gặp gỡ để rồi làm thành tình bạn nhiều năm qua, nhà viết kịch Chu Thơm kể, tầm những năm 1987 - 1988 thế kỷ trước, một buổi trưa tôi đang ở nhà thì thấy một nhóm các nghệ sĩ ở đoàn kịch CAND đi xe đạp, mồ hôi nhễ nhại đến nhà. Các anh ấy tới nhà để lấy kịch bản “Người mang 2 vết thương” về dựng. Tôi quen Trần Nhượng từ đấy.

Trong cảm nhận của tôi, Trần Nhượng là người điềm đạm và rất tốt tính. Gần như anh không cáu gắt với ai bao giờ. Bên cạnh làm nghệ thuật, Trần Nhượng còn luôn nghĩ đến người nghèo, chăm làm từ thiện. Trong nghệ thuật, anh là người chỉn chu, tâm huyết”. Còn trong cảm nhận của ca sĩ, NSƯT Kim Tiến, NSND Trần Nhượng là người trẻ trung, hòa đồng và rất nhân ái với anh em đồng nghiệp. Ngoài sân khấu, anh tham gia nhiều hoạt động ở các lĩnh vực với mục tiêu vì cộng đồng, xã hội. Việc anh thành lập sân khấu thử nghiệm, đội bóng ngôi sao… đều không ngoài mong muốn tốt đẹp ấy”.

NSND Trần Nhượng tâm sự, nghệ thuật cho anh nhiều thứ, nhất là tình yêu mến của công chúng nhưng phía sau thành công luôn là không ít nỗi niềm. Giờ đây, khi bước vào tuổi thất thập, NSND Trần Nhượng vẫn không nguôi niềm áy náy là khi cha mất không ở bên lo lắng được chu toàn: “Khi được tin bố hấp hối, tôi vội vàng từ nơi biểu diễn về. Ngày ấy đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên mất nhiều thời gian. Tôi về tới nhà, chạy vội vào giường bố nói nhỏ “Con về với bố đây”. Tôi nói xong, thấy hai hàng nước mắt ông ứa ra rồi ra đi thanh thản. Ngay sau đó, tôi vội vàng quay lại cho kịp giờ biểu diễn vì khi ấy tôi đang đảm nhiệm nhân vật Phú trong vở “Chị Nhàn”. Diễn xong, leo lên đi nhờ xe tải về nhà, tôi chỉ kịp cắm lên mộ bố nén hương rồi lại vội vàng lên đường đến buổi biểu diễn tiếp theo”.

Nghệ sĩ được ví như con tằm, sẽ nhả đến sợi tơ cuối cùng, kiệt cùng với nghề. Trần Nhượng có lẽ cũng là mẫu nghệ sĩ như vậy. Dù về hưu đã lâu nhưng khán giả vẫn gặp anh trên các bộ phim truyền hình. Nửa thế kỷ nhìn lại, NSND Trần Nhượng còn có niềm hạnh phúc khi có con trai và con gái cùng theo đuổi nghệ thuật như bố. Nhưng bên cạnh niềm tự hào sẽ không tránh được những lo lắng bởi anh hiểu hơn ai hết vất vả, thậm chí nghiệt ngã của nghề: “Bình Trọng trước đây có tham gia đóng phim nhưng gần đây chuyên tâm với vai trò đạo diễn. Nhiều khán giả biết tới Bình Trọng với seri phim hài “Đại gia chân đất” khá thành công. Kinh tế khó khăn nên việc làm phim cũng không đơn giản. Những khi Bình Trọng chán nản, tôi thường động viên. Và nhắn nhủ, khi nào có điều kiện thì hãy thực hiện bộ phim điện ảnh chiếu rạp chuyển thể từ “Đại gia chân đất” như cách mà Trấn Thành đã làm với “Bố già”. Còn con gái Anh Phương, từng tốt nghiệp thủ khoa lớp thiết kế mỹ thuật sân khấu nhưng lại quyết định làm diễn viên và người mẫu tự do. Ban đầu tôi phản đối nhưng lại nghĩ trước đây mình cũng từng bị ngăn cản mà có bỏ được nghệ thuật đâu nên tôi lại ủng hộ con”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nsnd-tran-nhuong-nua-the-ky-duoi-anh-den-i708730/