NSND Bạch Tuyết: 'Nếu không có tình thương thành nghệ sĩ cải lương làm gì?'

NSND Bạch Tuyết chia sẻ điều tiên quyết để trở thành một người nghệ sĩ cải lương bên cạnh giọng ca, tiếng hát chính là tình thương đối với mọi người xung quanh.

Ngày 18-1, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Hằng cùng các thí sinh của chương trình truyền hình thực tế mang tên Học viện cải lương đến thăm chùa nghệ sĩ tại Gò Vấp (TP.HCM).

NSND Bạch Tuyết cùng các thí sinh tại mộ NSND Phùng Há. Ảnh: VĂN HÀ

NSND Bạch Tuyết kỳ vọng vào các thí sinh

Tại buổi viếng thăm chùa nghệ sĩ, NSND Bạch Tuyết, NS Thanh Hằng cùng các thí sinh đã cũng nhau viếng và thắp nhang cho các nghệ sĩ đình đám của cải lương miền Nam được chôn cất tại đây như NSND Phùng Há, NS Thanh Nga, soạn giả Hoa Phượng...

NSND Bạch Tuyết viếng nghệ sĩ Thanh Nga

Tại buổi thăm viếng, các thí sinh của học viện cải lương đã chúc mừng NSND Bạch Tuyết khi lọt vào danh sách 50 người phụ nữ Châu Á có tầm ảnh hưởng của Forbes.

Trước niềm vui này, NSND Bạch Tuyết gửi thành tích cao quý này cho các thí sinh của học viện cải lương.

"Tôi tin rằng các em sẽ tiến bộ, sẽ trở thành những gương mặt đẹp để làm cho nghệ thuật cải lương ngày càng tốt đẹp hơn, sang trọng và giá trị hơn đối với văn hóa của dân tộc" – nữ nghệ sĩ bày tỏ.

NSND Bạch Tuyết viếng soạn giả Hoa Phượng

Cũng tại đây, NSND Bạch Tuyết cũng trình bày mong muốn đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới với các bậc tiền bối.

Bà luôn quan niệm nghệ thuật nói chung, cải lương nói riêng luôn cần thay đổi để thích nghi và tồn tại. Bà tin quyết định "táo bạo" này tuy sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ được tiền nhân ủng hộ.

Theo NSND Bạch Tuyết, ngoài sự nỗ lực của nghệ sĩ kỳ cựu, thế hệ trẻ còn cần sự chung tay của các nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu này.

Để đạt được điều này, chương trình đã nhận được sự hỗ trợ đồng hành của công ty Mỹ phẩm Sài Gòn. Bà Trần Thị Kim Yến, đại diện đơn vị này chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng thế hệ nghệ sĩ cải lương mới với kỹ năng nghề tốt, am hiểu văn hóa sẽ tiếp tục làm đẹp thêm cho văn hóa Việt mình".

Những kỷ niệm khó quên với NSND Phùng Há

Trong buổi viếng chùa nghệ sĩ, khi thăm nhà thờ NSND Phùng Há, NSND Bạch Tuyết đã có dịp ôn lại những kỷ niệm với người thầy, người ơn giúp cho bà trở thành nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ngày nay.

NSND Bạch Tuyết tại nhà thơ NSND Phùng Há

Chia sẻ với PLO, NSND Bạch Tuyết cho biết mình nhớ từng lời, từng cử chỉ của má Bảy Phùng Há dạy từ khi mới chập chững vào nghề cho đến lúc nổi tiếng.

"Bà như một người mẹ thứ hai của tôi, dù không sinh tôi ra nhưng cho tôi một vị trí trong nghệ thuật cải lương. Khi tôi nghe bà từng lời và thực hiện điều bà nói thì tất cả đều thành công. Đó chính là phúc báu trong đời của tôi.

Tôi nghĩ rằng rất hiếm người được hạnh phúc như vậy cho nên khi tôi tới đây thì thấy như một nơi để mình trở về. Khi mẹ mất lúc 8 tuổi thì bà là chỗ dựa mà mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên, cho nên còn thở thì tôi sẽ làm cải lương thật tốt theo lời bà dạy" – NSND Bạch Tuyết nói.

Nhớ về những tiết học với cố NSND Phùng Há, NSND Bạch Tuyết kể: “Hồi đó bà và má Hai Thu Cúc đang dạy tuồng Dương Vân Nga, trong đó có đoạn ‘Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông. Chảy trong óc trong tim trong trang sử tiên rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối đế gắn liền hãnh diện giữa xưa - sau. Để cho ta trang trọng khoác long bào. Ngôi cửu ngũ từ nay đà có chủ...’

Má Bảy dặn tôi "Con làm đào chánh, khi con đưa tay ra mà ở dưới khán giả muốn đỡ cái tay con như vậy mới thành công". Và đó là những bài học quý báu của thầy Tổ mà suốt cả cuộc đời làm nghề tôi không thể nào quên được.

Hôm nay kể lại cũng là thêm một dịp để thưa lại với tổ nghề, là các thế hệ sau này chúng con hứa sẽ hết lòng với nghề tổ để trả ơn phần nào đó công ơn và tất cả những gì mà tổ đã hình thành cho nghệ thuật cải lương và văn hóa dân tộc” – nữ nghệ sĩ trải lòng.

Nữ nghệ sĩ nhớ lại những kỷ niệm xưa

Bên cạnh đó, NSND Bạch Tuyết cũng tâm sự, NSND Phùng Há luôn dạy cho bà tính khiêm tốn, biết ơn những người hỗ trợ mình.

"Bên cạnh việc làm cho mình tỏa sáng, má Bảy muốn tôi làm sao để ánh sáng rọi cùng đồng nghiệp đi với mình chứ không nên đi một mình. Cho nên càng nổi tiếng chừng nào phải thương những người thống khổ chừng đó. Phải thận trọng trong cư xử với hậu đài, những người nhỏ trong đoàn thì như vậy tổ nghiệp mới phù hộ.

Hồi đó vô học nghề các thầy chưa cho ca, mà phải phát âm cho đúng mới kêu ca, sau khi ca thì phải còn theo dõi về đạo đức, lối sống. Khi đó tôi cứ nghĩ sao khó quá với những điều đó đâu liên quan gì đến ca hát, nhưng sau đó tôi phải sám hối. Vì thực ra nếu không có tình thương nào thì trở thành nghệ sĩ cải lương để làm gì?" – NSND Bạch Tuyết bày tỏ.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nsnd-bach-tuyet-neu-khong-co-tinh-thuong-thanh-nghe-si-cai-luong-lam-gi-post772575.html