'Nóng' với nội dung sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; sạt lở tại đèo Bảo Lộc khiến 3 chiến sĩ hy sinh; cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu gạo

Tuần 31/7- 6/8, các thông tin nóng được dư luận đặc biệt quan tâm là việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tình trạng mưa lũ gây sạt lở đất tại các địa phương; cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam và nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình một số số quốc gia cấm xuất khẩu gạo…

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đứng đầu về số huyện, xã phải sắp xếp, sáp nhập
Sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu: Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể

Theo rà soát của các địa phương, giai đoạn 2023-2025 có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã của 58 tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất cả nước. Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. TP Hồ Chí Minh có 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp trong giai đoạn này.

Sạt lở đất vùi lấp Trạm cảnh sát giao thông

15 giờ 30 phút ngày 30/7, tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp một phần Trạm Cảnh sát giao thông đóng trên đèo Bảo Lộc. Mưa lũ cũng làm Quốc lộ 55 đoạn qua cống ngầm xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm bị ngập nặng, khiến giao thông tạm thời bị chia cắt. 3 cán bộ, chiến sĩ của Trạm cảnh sát giao thông và một người dân đã hy sinh.

Cũng tại tời điểm xảy ra sạt lở, một chiếc xe khách loại 45 chỗ đang lưu thông trên đèo đã bị đất đá đẩy trôi vào hộ lan về phía vực trên đèo Bảo Lộc, rất may không rơi xuống vực.

Xe ô tô tại Trạm Cảnh sát giao thông trên đèo Bảo Lộc bị vùi lấp. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 31/7, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Sau vụ sạt lở đất vùi lấp Trạm Cảnh sát giao thông trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm bốn người tử vong, dư luận đặt câu hỏi về tính pháp lý của vườn sầu riêng (có 1/4 diện tích đất vườn đã sạt lở xuống Trạm).

Diện tích khu vực sạt lở khi chưa bị san ủi, chưa có vườn sầu riêng năm 2018. Ảnh: TTXVN phát

Kết luận của Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, phần nhà chốt Cảnh sát giao thông không thuộc phần diện tích quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích đất bị sạt trượt bao gồm: một phần diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích này thuộc khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô, do bà Đặng Thị Lộc canh tác cây nông nghiệp ổn định từ trước năm 1985 đến nay (hiện trạng là cây sầu riêng khoảng 3 năm tuổi).

Theo thông tin ban đầu, mặc dù khu vườn này có một phần diện tích đất rừng nhưng bà Đặng Thị Lộc (trú thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) đã canh tác ổn định từ năm 1985 đến nay. Trước đây, diện tích vườn này trồng các loại cây ăn trái như bơ, mít… Đến năm 2019, do hiệu quả kinh tế thấp nên chủ vườn đã phá bỏ các loại cây trên để trồng cây sầu riêng.

Căn cứ vào các hình ảnh trước khi vụ sạt lở xảy ra có ý kiến nhận xét việc san ủi, tạo mặt bằng ở sân chốt Cảnh sát giao thông đã tạo nên một bờ ta-luy dương quá cao mà không được xây dựng kè chống sạt lở. Mặt khác, trong khi cả khu vực đều là rừng phòng hộ, thì chỉ có diện tích phía trên chốt Cảnh sát giao thông là vườn sầu riêng với cây nhỏ và thưa thớt. Hiện trạng này khiến cho dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm quản lý trước nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên…

Cũng trong tuần qua, tình trạng sạt lở đất xảy ra tại nhiều địa phương. Ngày 4/8, tại xóm Ban Tiện, thôn Phù Ninh, xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng xói, lở đất làm nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt, gây khó khăn trong đi lại, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Chính thức sử dụng VNeID đối với khách làm thủ tục đi máy bay

Từ ngày 2/8, chính thức triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (tài khoản VNeID) đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước.

Hành khách làm thủ tục đi máy bay bằng ứng dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Ảnh: PV/Vietnam+

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai áp dụng việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa (đối với công dân Việt Nam, VNeID có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân; đối với người nước ngoài, VNeID có giá trị tương đương hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Liên quan đến thắc mắc của người dân về việc nếu không sử dụng VNeID có ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc triển khai sử dụng VNeID tại tất cả các sân bay trên toàn quốc không ảnh hưởng đến người chưa có tài khoản VNeID. Nếu hành khách chưa tải ứng dụng VNeID thì vẫn sử dụng các loại giấy tờ khác như trước đây để làm thủ tục bay.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Trước tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây trên thế giới biến đổi liên tục như việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo… Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu gạo sang các nước.

Ảnh: TTXVN phát

Tại nội địa, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm có hiệu lực). Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam tỏ ra khá thận trọng trong việc thu mua và nhận đơn hàng mới để tránh các rủi ro khó lường trước.

Để tạo thuận lợi cho việc thu mua, xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mong muốn, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn vay lưu động mua hàng vào; đồng thời, xem xét kéo dài thời hạn để doanh nghiệp cân nhắc thời điểm bán hàng phù hợp hơn, tránh rủi ro. Song song đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có khuyến cáo để tránh tình trạng nông dân quay lại mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo khiến việc chuyển đổi cây trồng không theo kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký văn bản hỏa tốc số 5102/BCT-TTTN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai việc bình ổn thị trường lúa gạo. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở công thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Cùng đó, Bộ Công Thương yêu cầu địa phương chỉ đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Ngày 4/8, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023. Tại Hội nghị, Bộ Công thương khẳng định: Sản lượng lúa gạo có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tựu trường sớm nhất trước một tuần so với ngày khai giảng

Ảnh: minh họa TTXVN.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tuần qua, Bộ quy định thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Các trường học trong cả nước sẽ tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9/2023.

Thời gian kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1/2024; hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2024 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2024.

Việc xét công nhận hoàn thành chương trình Tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp Trung học Cơ sở trước ngày 30/6/2024; hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2024.

PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nong-voi-noi-dungsap-nhap-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-sat-lo-tai-deo-bao-loc-khien-3-chien-si-hy-sinh-co-hoi-mo-rong-thi-phan-xuat-khau-gao-20230804204756472.htm