'Nóng' vấn đề tài nguyên, môi trường

Chiều ngày làm việc thứ hai (8/12) Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở TN-MT Đặng Ngọc Anh những vấn đề về lĩnh vực quản lý của sở này.

* Đại biểu Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa và các đại biểu tổ HĐND tỉnh số 7 chất vấn về hoạt động tại mỏ cát của Công ty CP Hồng Phúc. Công ty này có tuân thủ đúng quy định về hoạt động khoáng sản, môi trường và có được phép vận chuyển cát trên tuyến đường từ sông Ba đi vào địa phận TP Tuy Hòa không?

- Giám đốc Sở TN-MT Đặng Ngọc Anh: Công ty CP Hồng Phúc được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát sông Đà Rằng, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) với diện tích 10ha, thời hạn khai thác đến ngày 14/7/2029. Qua kiểm tra định kỳ, Công ty CP Hồng Phúc cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường (BVMT), chưa phát sinh khiếu nại nào từ cử tri ở huyện Phú Hòa. Tuy nhiên, công ty này cũng có mặt tồn tại là khai thác chưa đúng khung thời gian được cho phép, Thanh tra Sở TN-MT đã xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng.

Khi cấp giấy phép khai thác mỏ cát, Công ty CP Hồng Phúc sử dụng tuyến đường hiện hữu có từ trước để vận chuyển cát từ mỏ của công ty về TP Tuy Hòa. Việc công ty sử dụng tuyến đường này đã được đánh giá, cho phép trong hồ sơ BVMT và phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Sau khi giấy phép khai thác hết hạn, công ty phải cải tạo phục hồi môi trường, tháo gỡ tuyến đường tạm này. Như vậy, Công ty CP Hồng Phúc sử dụng tuyến đường nêu trên để phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản là phù hợp quy định.

Tháng 11/2022, Sở TN-MT phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Phú Hòa, UBND xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) kiểm tra thực địa tại mỏ cát và tuyến đường vào mỏ cát nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, một số đoạn của tuyến đường có ổ gà, có chất thải xà bần đổ thành đống. Theo UBND xã Bình Ngọc, chất thải này (cũ) trước đây các xe tải vận chuyển đến lén lút đổ thải, xã thường xuyên kiểm tra, xử lý và đến nay không còn tái diễn. Sở TN-MT đã tham mưu và UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh việc đổ xà bần dọc sông Đà Rằng khu vực giáp ranh giữa TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát của Công ty CP Hồng Phúc để đảm bảo việc khai thác đúng quy định.

Hiện nay, đa số các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều lắp đặt trạm cân, camera nhưng chưa được đấu nối về cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát. Sở TN-MT đang triển khai công tác đấu nối này, đồng thời sẽ kiểm tra việc sử dụng tuyến đường hiện hữu và việc đấu nối để vận chuyển cát của Công ty CP Hồng Phúc từ mỏ về TP Tuy Hòa có đúng như hồ sơ cho phép.

* Đại biểu Đào Phạm Hoàng Quyên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên chất vấn về công tác quản lý môi trường đối với các trang trại chăn nuôi heo; công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường đối với những nơi này?

- Giám đốc Sở TN-MT Đặng Ngọc Anh: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 315 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó có 14 trang trại nuôi heo thuộc đối tượng lập thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt; 49 cơ sở thuộc đối tượng lập bản cam kết BVMT, kế hoạch BVMT được UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận; còn lại là các cơ sở nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, quy mô hộ gia đình. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở chăn nuôi heo phát sinh nước thải và mùi hôi, nếu không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Sở TN-MT thường xuyên hướng dẫn, đề nghị các địa phương tăng cường công tác BVMT trong hoạt động chăn nuôi và yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm quy định về môi trường, đảm bảo xử lý nguồn thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải; không để người dân tự phát chăn nuôi trong khu dân cư, hạn chế các vụ việc vi phạm về môi trường trong chăn nuôi, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Qua kiểm tra, Sở TN-MT và các địa phương đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về môi trường, xử lý vi phạm 6 cơ sở chăn nuôi với tổng số tiền 245 triệu đồng…

Các trang trại thuộc thẩm quyền cấp tỉnh phê duyệt hồ sơ môi trường cơ bản đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn, nhưng có lúc vẫn còn xảy ra tình trạng xử lý chưa đạt, nước thải chảy tràn ra môi trường, mùi hôi vẫn ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh. Ý thức BVMT của chủ cơ sở chưa cao nên không chấp hành nghiêm, không vận hành hệ thống xử lý nước thải. Các trang trại thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt hồ sơ môi trường có đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng công nghệ xử lý không đảm bảo, chất lượng nước thải sau khi xử lý chưa đảm bảo yêu cầu, gây ô nhiễm đến khu dân cư xung quanh; quá trình nuôi đã tự ý tăng quy mô nên lượng chất thải phát sinh nhiều, hệ thống xử lý không đáp ứng được, gây ô nhiễm môi trường. Việc xử lý vi phạm ở cấp huyện chưa quyết liệt, các trang trại chăn nuôi đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có chủ trương đầu tư, không có hồ sơ về môi trường, đất đai, xây dựng, nhất là tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An… Đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, phần lớn không thực hiện đúng quy định BVMT cũng như các quy định khác trong lĩnh vực chăn nuôi.

Để đảm bảo công tác quản lý môi trường trong chăn nuôi và hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi, rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường.

* Đại biểu Lê Xuân Hà, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với 138 lô đất thuộc khu dân cư thôn Phước Long, xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa) kéo dài nhiều năm nhưng chưa thực hiện được?

- Giám đốc Sở TN-MT Đặng Ngọc Anh: Năm 2004, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đất ở nông thôn tại xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa (nay là TX Đông Hòa), với diện tích 19.800m2. Năm 2005, UBND huyện Tuy Hòa thu hồi, chuyển mục đích và giao đất ở, mỗi hộ 140m2. Tuy nhiên, UBND xã Hòa Tâm tự ý phân lô và giao mỗi hộ 200m2 (vượt 60m2 mỗi lô).

Tháng 11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận và giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết vướng mắc vấn đề trên.

Việc UBND xã Hòa Tâm tự ý phân lô thành 200m2 và thu chênh lệch tiền 60m2 mỗi lô đưa vào ngân sách xã để sử dụng vào mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng là không đúng quy định pháp luật. Tháng 7/2021, UBND tỉnh chỉ đạo và Sở TN-MT đã hướng dẫn về mặt chuyên môn để UBND TX Đông Hòa giải quyết đúng thẩm quyền, chặt chẽ, đúng quy định vấn đề này. UBND TX Đông Hòa đã chỉ đạo Thanh tra thị xã tiến hành thanh tra, làm rõ nguyên nhân, khuyết điểm liên quan đến trường hợp 138 lô đất thuộc khu dân cư thôn Phước Long để UBND thị xã xem xét, chỉ đạo xử lý. UBND TX Đông Hòa đang thành lập đoàn thanh tra để giải quyết nội dung nêu trên.

Việc cấp GCNQSDĐ đối với 138 lô đất tái định cư tại thôn Phước Long thuộc trường hợp giao đất, cấp giấy chứng nhận lần đầu, thuộc thẩm quyền của UBND TX Đông Hòa. Để trả lời cụ thể thời gian hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ đối với 138 lô đất trên thì UBND TX Đông Hòa trả lời theo thẩm quyền. Sau khi có kết luận thanh tra, làm rõ nguyên nhân, Sở TN-MT sẽ phối hợp với UBND thị xã hướng dẫn về mặt chuyên môn theo quy định.

Liên quan đến vấn đề cấp GCNQSDĐ đối với 138 lô đất tái định cư tại thôn Phước Long, đại biểu Lê Trung Hưng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng, vụ việc này kéo dài 18 năm nay, người dân đã đóng đủ tiền trên diện tích đã cấp. Còn việc khoản tiền này địa phương sử dụng như thế nào, sử dụng có sai hay không thì phải kiểm tra, thanh tra, nếu sai thì xử lý. “Thay mặt bà con cử tri, tôi kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và sớm cấp GCNQSDĐ cho 138 trường hợp này”, ông Lê Trung Hưng nói.

ANH NGỌC (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/291140/-nong--van-de-tai-nguyen-moi-truong.html