'Nóng' tình trạng làm và sử dụng giấy tờ giả, bài 3: Hậu quả thật và những 'rào cản' pháp lý

Làm và sử dụng các loại giấy tờ giả đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mục đích sử dụng các loại giấy tờ giả mà mức độ vi phạm khác nhau, nhẹ thì bị phạt hành chính, nặng thì bị khởi tố hình sự. Không ít người đã phải trả giá đắt.

Công an lấy lời khai của một đối tượng mua giấy chứng nhận giả về huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.

Tùy loại giấy tờ mà những người sử dụng giấy tờ giả vào những mục đích khác nhau, nhưng phổ biến nhất trong các vụ án mà các cơ quan chức năng đã điều tra, xử lý, đó là để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Điển hình như đối tượng Đặng Thị Huyền Đức và chồng là Nguyễn Văn Niêm, cùng trú tại xóm 7, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), do kinh doanh thua lỗ và đánh bạc, dẫn đến nợ nần nhiều tiền đã nảy sinh ý định làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lấy tiền trả nợ.

Tháng 8-2021, Đức mượn sổ đỏ của bà Đặng Thị Mây (mẹ ruột của Đức) để làm giả 2 bản, trong đó có một giấy mang tên mình dùng để thế chấp nhằm chiếm đoạt tiền và một mang tên bà Mây. Đến tháng 9-2021, Niêm mang sổ đỏ đi cầm cố cho 1 người để vay 200 triệu đồng, với lãi suất 8 triệu đồng/tháng. Sau thời gian không thấy Đức đóng tiền lãi, người này mang sổ đỏ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Thái Nguyên để làm thủ tục sang tên thì mới vỡ lẽ là giấy tờ giả. Lúc này, Đức và Niêm đã ôm tiền cao chạy xa bay.

Hay như vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 7 tỷ đồng liên quan đến đối tượng Nguyễn Thị Huyền Trang, trú tại tổ dân phố An Châu 1, phường Bãi Bông (TP. Phổ Yên). Theo đó, khi làm Kế toán trưởng tại Công ty TNHH Sản xuất kim khí quốc tế Rand, Khu công nghiệp Sông Công 1, phường Bách Quang (TP. Sông Công), Trang nảy sinh ý định làm giả con dấu để sử dụng không phải xin ý kiến của lãnh đạo Công ty.

Sau khi nhờ người làm giả xong, Trang cấu kết với hai người ở TP. Hà Nội giả chữ ký của giám đốc, rồi đóng dấu, làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng. Nhóm đối tượng đã dùng chữ ký số, kết hợp với chứng từ mua vào, bán ra của Công ty hoàn thiện các thủ tục hoàn thuế và chiếm đoạt số tiền trên 7,6 tỷ đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong muôn kiểu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến giấy tờ giả. Ngoài ra, còn có rất nhiều hình thức lừa đảo, với nhiều loại giấy tờ giả khác nhau như: sử dụng giấy đăng ký xe ô tô, mô tô giả để cầm cố hoặc bán xe; giấy chứng nhận của ngân hàng đã chuyển khoản để lừa chiếm đoạt tài sản; dùng thẻ nhà báo giả để dọa nạt, “xin tiền” các cơ quan, doanh nghiệp; dùng giấy chứng nhận nghỉ việc, giấy ra viện giả để trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Có một điểm chung là tội phạm sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo đều rất “cao tay”, chúng lợi dụng công nghệ hiện đại, sự sơ suất của người làm công tác chứng thực, để qua mặt một số văn phòng công chứng. Đồng thời, chúng lợi dụng mối quan hệ thân quen, sự tín nhiệm của người khác để dẫn dắt, đưa “mục tiêu” vào “tròng” một cách chuyên nghiệp. Và, không ít nạn nhân đã sập bẫy lừa đảo vì giấy tờ giả.

Ba đối tượng trong vụ án làm giả con dấu, giấy tờ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bị lực lượng chức năng phát hiện.

Thực tế cho thấy, hậu quả của những vụ lừa đảo vì giấy tờ giả là nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mất tài sản lớn. Từ đó không ít người lâm vào cảnh nợ nần, phá sản, nhà tan, cửa nát, quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp lục đục, mâu thuẫn...

Vụ án làm giả giấy tờ xe để lừa đảo của Trần Văn Vinh, sinh năm 1989, ở xóm Mới, xã Tân Quang (TP. Sông Công), là một ví dụ. Do cần tiền chi tiêu cá nhân, Vinh đã thế chấp đăng ký xe ô tô MAZDA CX8 để vay số tiền hơn 600 triệu đồng. Sau đó, Vinh đặt làm giả một số giấy tờ của chiếc xe nói trên, rồi mang cầm cố cho một người ở phường Bách Quang được 600 triệu đồng. Khi không trả được số tiền cầm cố xe, Vinh lại bán chiếc xe cho chính chú họ của mình, với giá 800 triệu đồng. Hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” này không những dẫn Vinh vào con đường lao lý, mà còn làm rạn nứt tình cảm gia đình, chú cháu.

Việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm bị xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, như: buộc thôi việc, bãi nhiệm, xử lý kỷ luật, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy nhưng, nhiều người để được tuyển dụng, thăng tiến mà bất chấp, vẫn chọn “đi tắt”, để rồi “ngã ngựa” ngang đường.

Đối với Thái Nguyên, cũng đã có vụ việc cán bộ, đảng viên, công chức sử dụng bằng giả bị phát hiện và phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật: người thì bị cho thôi việc, người thì bị giáng chức... Có cả những cán bộ làm việc nhiều năm, lần lượt qua nhiều vị trí, nhưng sau hàng chục năm mới bị phát hiện.

Mới đây, một cô giáo dạy tiếng Anh là L.A. ở TP. Phổ Yên, quá trình làm hồ sơ xét tuyển hợp đồng giáo viên, thay vì ra cơ sở y tế để thực hiện quy trình khám sức khỏe thì L.A. lại đặt mua trên mạng 1 tờ giấy khám sức khỏe giả của Bệnh viện C Thái Nguyên với giá 200 nghìn đồng. Khi L.A. mang hồ sơ đến bộ phận "một cửa" của phường nộp thì bị phát hiện, sau đó bị khởi tố. L.A. đã phải chịu hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật và đương nhiên, từ đây, ước mơ được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng của cô sẽ vỡ tan theo bản án tòa tuyên.

Có thể thấy, việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng giấy tờ giả vào việc hoàn thiện hồ sơ cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, học cao học, nghiên cứu sinh… khi bị phát hiện không những làm tiêu tan sự nghiệp của bản thân, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng lao động, giảm uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp.

Nghiêm trọng hơn, có cá nhân mua chứng nhận đã tham gia các khóa tập huấn về phòng cháy, chữa cháy chỉ nhằm đáp ứng đủ điều kiện về mặt thủ tục cho cơ sở kinh doanh của mình hoạt động. Điều này đồng nghĩa, họ không hề được tập huấn và không nắm được các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, nên khi xảy ra hỏa hoạn, họ không thể xử lý tốt, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tương tự, có người không học chuyên ngành y, nhưng lại mua bằng để đủ điều kiện hành nghề làm bác sĩ, dược sĩ, điều này cũng gây nguy hiểm không kém. Nếu như trong quá trình hành nghề, xảy ra sự cố y khoa, những "bác sĩ, dược sĩ” này không biết cách xử lý đúng chuyên môn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Rõ ràng, dù sử dụng giấy tờ giả vào mục đích gì đó thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính và giảm uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, việc các cơ quan tuyển dụng thường chỉ căn cứ vào bằng cấp, chứng chỉ để tuyển dụng và trả lương đã dẫn tới tình trạng một số người thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, học tập, mua văn bằng, chứng chỉ giả để “làm đẹp” hồ sơ, gián tiếp tiếp tay cho tội phạm sản xuất, mua bán giấy tờ giả.

Đồng thời, công tác quản lý của một số ngành còn nhiều bất cập, nhất là trong quản lý tuyển sinh, đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ, sát hạch cấp phép giấy lái xe. Hay công tác quản lý dịch vụ chuyển phát nhanh, số tài khoản ngân hàng và cả số điện thoại (sim rác), mạng Internet, mạng xã hội… còn nhiều sơ hở, là cơ hội để các đối tượng phạm tội làm và sử dụng giấy tờ giả hoạt động. Bên cạnh đó, việc đấu tranh với tội phạm về giấy tờ giả còn gặp nhiều khó khăn.

Thượng tá Lưu Quang Thắng, Phó Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh, cho biết: Việc xác định đối tượng phạm tội là hết sức khó khăn, mất nhiều thời gian, có những vụ án phải mất đến vài năm, thậm chí nhiều vụ còn không thể xác định được nguồn gốc các loại giấy tờ giả, nên chỉ có thể xử lý “phần ngọn” là người mua, sử dụng, chứ chưa truy được tận gốc người sản xuất. Vì thế, mặc dù rất nỗ lực đấu tranh với tội phạm về giấy tờ giả, nhưng số vụ và đối tượng đã bị xử lý của lực lượng chức năng thời gian qua mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.

Trung tá Nguyễn Việt Hưng, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều có sự chuẩn bị từ trước việc xóa dấu vết, khai báo gian dối, tiêu hủy bằng chứng… gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay việc xử lý các tội phạm về giấy tờ giả hầu hết là khi người sử dụng giấy tờ giả gây ra hậu quả như: Thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm an toàn giao thông… Còn người làm giả con dấu để tiếp tay cho tội phạm về giấy tờ, tài liệu giả vẫn chưa bị xử lý nghiêm khắc và chế tài xử lý với người sử dụng còn nhẹ nên chưa có tính răn đe.

Đơn cử như trong vụ án đối tượng Vũ Quốc Hội (sinh năm 2001, ở xã Tiên Hội, Đại Từ) cùng đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, bị cơ quan chức năng huyện Đại Từ phát hiện năm 2023. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra phát hiện tổng số tài liệu được đặt làm giả trong dữ liệu của Hội và đồng bọn là 442 trường hợp, ở 170 huyện, thuộc 56 tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó xác minh được 20 trường hợp đặt làm giả tài liệu từ Hội.

Song, trong số 20 người này chỉ có 3 đối tượng ở các tỉnh Bắc Giang, Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế đã dùng giấy tờ mua từ nhóm của Hội thực hiện hành vi phạm tội (dùng giấy phép lái xe giả mua bán xe máy, ô tô; dùng căn cước giả để gian lận tuổi nhằm tham gia các giải bóng chuyền trẻ). Vì thế, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đại Từ đã chuyển hồ sơ tới cơ quan chức năng 3 địa phương trên để giải quyết theo thẩm quyền. Số còn lại, các đối tượng chỉ đặt làm giấy tờ giả nhưng chưa sử dụng giao dịch hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nên không đủ căn cứ để xử lý…

Trước sự “hoành hành” của thị trường giấy tờ giả, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc điều tra, xử lý loại tội phạm này ra sao, mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo trên Báo Thái Nguyên…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202404/nong-tinh-trang-lam-va-su-dung-giay-to-gia-bai-3-hau-qua-that-va-nhung-rao-can-phap-ly-8b231c0/