Nông thôn mới Tường Thượng

Đến xã Tường Thượng, huyện Phù Yên hôm nay, cảm nhận đầu tiên là vùng quê tràn đầy sức sống, đường giao thông được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà kiên cố, cao tầng, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên... Đó là kết quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới nơi đây.

Trung tâm xã Tường Thượng, huyện Phù Yên.

Ông Đinh Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đến từng người dân. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, kết hợp các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước với huy động nội lực trong nhân dân, huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã có nhiều chuyển biến. Từ năm 2020 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trên 15,2 tỷ đồng, nhân dân xã Tường Thượng đóng góp gần 3,1 tỷ đồng; hiến hơn 8.650 m2 đất; đóng góp trên 4.550 ngày công đổ bê tông 5,2 km đường liên bản, liên xã và xây mới 7 nhà văn hóa bản...

Đến nay, 100% đường xã, 80% đường nội bản, 6,5 km đường trục chính nội đồng đã đổ bê tông, đảm bảo đi lại thuận tiện 4 mùa; hệ thống thủy lợi của xã xây dựng đồng bộ, với 8 công trình phai, đập kiên cố, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất 130 ha lúa 2 vụ, hoa màu. Điều vui nhất là xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 39 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,5%. Đầu năm 2023, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chứng kiến sự đổi thay của xã, ông Lò Văn Liềm, người có uy tín bản Khoa 2, phấn khởi: Nhìn những tuyến đường bê tông, chúng tôi vui lắm, mọi người thường nhắc nhau phải giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ. Nông thôn mới, không chỉ có đường đi thuận lợi, người dân còn được sinh hoạt, vui chơi trong nhà văn hóa; con cái được học hành trong ngôi trường khang trang. Kinh tế ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của bà con trong bản được nâng lên.

Điểm nhấn đổi thay ở vùng quê lòng hồ là UBND xã rà soát, quy hoạch khu vùng sản xuất, giúp người dân lựa chọn cây, con chủ lực trong phát triển kinh tế. Đối với khu vực dọc quốc lộ 43, vận động người dân phát triển thương mại - dịch vụ, thâm canh lúa chất lượng cao, chăn nuôi gia súc. Khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình, tận dụng diện tích đất bán ngập canh tác lúa nước, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, xã tích cực phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; các tổ chức đoàn thể giúp hội viên, đoàn viên tiếp cận với các nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng dư nợ hơn 59 tỷ đồng. Hiện nay, nhân dân trong xã gieo trồng hơn 130 ha cây lương thực; chăm sóc 112 ha cây ăn quả; duy trì trên 3.000 con gia súc, trồng hơn 50 ha cỏ.

Đến thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Lê Văn Chiển, bản Khoa 2, với quy mô 400 con được ông đầu tư nuôi từ năm 2011 và trồng 5 ha cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn. Ông Chiển cho biết: Mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ nuôi bò vỗ béo và tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình còn tham gia hỗ trợ các hộ khó khăn, người có công với cách mạng trên địa bàn; đóng góp làm các tuyến đường giao thông và nhà văn hóa bản.

Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, xã Tường Thượng tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; phát huy tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bài, ảnh: Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/nong-thon-moi-tuong-thuong-p7RPLRRSR.html