Nông thôn mới ở vùng đất Ba Tơ

Nhờ chính sách định cư, cùng các chương trình mục tiêu quốc gia mà nhiều buôn làng ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) đã thay da đổi thịt, hướng tới xây dựng nông thôn mới.

Khu đô thị mới Ba Tơ được đầu tư xây dựng tại huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Phạm Thắng

Ba Tơ là một trong 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, chủ yếu có 2 dân tộc Hrê và Kinh cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,53% dân số. Trên con đường băng qua những cung đường đèo ngoạn mục, ngắm nhìn những thị trấn, thị tứ đang đổi thay nhiều mặt. Những con đường liên thôn, liên xã, những chiếc cầu kết nối các bản làng ngày một nhiều lên, cùng với đó là sự giao thương, trao đổi, mua bán tấp nập, những di tích lịch sử minh chứng một thời hào hùng cách mạng của nhân dân các dân tộc Ba Tơ được bảo tồn, tu sửa, nâng cấp; những công trình hạ tầng văn hóa, xã hội được mọc lên... là những nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh đầy sức sống của huyện Ba Tơ trên đường đổi mới.

Những ngày này, tại các cánh đồng của các địa phương trên địa bàn huyện miền núi Ba Tơ, có rất đông bà con nông dân ra thăm đồng. Người lấy nước vào ruộng, người bón phân, người phun thuốc. Tất cả tạo nên một khí thế làm việc khẩn trương, cầu mong một năm mùa màng bội thu. Nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Để công tác giảm nghèo bền vững đi vào thực chất, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Tơ đã tập trung làm tốt công tác “Dân vận khéo”, mở hướng sinh kế mới cho người dân, đời sống của đại bộ phận người dân được nâng lên, kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển. Năm 2022, huyện Ba Tơ đã triển khai thực hiện 3 mô hình ngắn ngày gồm: Mô hình trồng thâm canh cây sắn bền vững, mô hình nuôi ốc bưu đen thương phẩm và mô hình chăn nuôi gà bản địa. Cùng với đó là 3 mô hình dài ngày gồm: Mô hình chuối già Nam Mỹ, mô hình cây gỗ dổi và mô hình trâu đực giống.

Năm 2023, huyện Ba Tơ đã triển khai 5 mô hình gồm: Mô hình “1 phải, 5 giảm trong sản xuất lúa” tại xã Ba Động; mô hình “thâm canh lúa thuần vùng khó khăn” tại xã Ba Trang; mô hình nuôi cá chim trắng trong ao tại xã Ba Vì và thị trấn Ba Tơ; mô hình trồng thâm canh cây dứa tại thị trấn Ba Tơ; mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất rau và mô hình trồng cây su su.

Qua đánh giá hiệu quả thực hiện, ngành chức năng đã triển khai tốt nhiệm vụ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, phối hợp với địa phương tuyên truyền nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giúp cho người nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới ngày càng nhiều, hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu những rủi ro. Từ những hiệu quả mà mô hình mang lại, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống của dân cư nông thôn.

Tổ hợp tác xã nuôi cá xã Ba Liên (huyện Ba Tơ) thả cá tại hồ Núi Ngang, xã Ba Liên. Ảnh: Tiêu Dao

Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai một số mô hình mới có tính khả thi cao như: Mô hình trồng nấm sò (nấm bào ngư); mô hình nuôi dúi sinh sản; mô hình nuôi cầy vòi hương sinh sản; mô hình nuôi hươu sao sinh sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn các mô hình đang có hiệu quả cao trong năm 2022-2023, đẩy mạnh việc kết nối, liên kết thị trường đầu ra thông qua các hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty, tạo ra các kênh liên kết phân phối bền vững.

Cùng với đó, những năm gần đây, 45 thành viên của Tổ hợp tác xã nuôi cá xã Ba Liên (huyện Ba Tơ) đã tận dụng tốt mặt nước hồ chứa nước Núi Ngang để phát triển kinh tế. Nguồn cá đánh bắt không chỉ cải thiện bữa cơm thường ngày cho người dân, mà còn tạo điều kiện cho bà con nơi đây mua bán. Việc kết hợp giữa thủy lợi và nuôi cá nước ngọt cùng dịch vụ câu cá, nâng cao giá trị sản phẩm hướng phát huy lợi thế mặt nước, góp phần phát triển kinh tế cho người dân và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Anh Phạm Văn Sương, Tổ trưởng Tổ nuôi cá nước ngọt hồ Núi Ngang cho biết: “Sản phẩm cá từ hồ rất phong phú, mang giá trị kinh tế cao như chạch chấu, thác lác, cá diếc, cá chình... Hiện nay chưa kết thúc vụ khai thác, nhưng mỗi thành viên trong Tổ hợp tác cũng có thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng từ việc bán cá. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn mở thêm dịch vụ câu cá giải trí. Từ đầu năm 2023 đến nay, sau khi trừ chi phí quản lý câu cá, dịch vụ này đã mang lại khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này được dùng cho việc mua cá giống cho vụ sau”.

Huyện miền núi Ba Tơ hôm nay đang nỗ lực vượt khó, vươn mình mạnh mẽ trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, với 10,5 tiêu chí/xã, trong đó, Ba Động là xã đầu tiên của các huyện miền núi trong tỉnh đạt xã nông thôn mới. Trong xây dựng nông thôn mới, huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Ba Động và Ba Cung, số tiêu chí bình quân đạt 12,22 tiêu chí/xã. Thị trấn Ba Tơ, khu đô thị mới Ba Vì, cụm công nghiệp Ba Động; các công trình: Quảng trường 11-3, cầu, đường, kè chống sạt lở... cũng là những nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh đầy sức sống của Ba Tơ trên đường đổi mới, đi lên.

Tiêu Dao - Phạm Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nong-thon-moi-o-vung-dat-ba-to-post474692.html