Nông thôn mới Đắk Nông: Vững kinh tế, giàu bản sắc, đậm nghĩa tình

Nông thôn khởi sắc, kinh tế, xã hội phát triển, chương trình xây dựng nông thôn mới đang đem lại những hiệu quả tích cực tại tỉnh Đắk Nông. Điều phấn khởi với bà con các dân tộc thiểu số từ chương trình này là tỉnh Đắk Nông đặc biệt chú trọng việc kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đắk Wer là xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Đắk Nông. Dọc những con đường bê tông, người dân trồng hoa, trồng cây tạo cảnh quan bắt mắt. Tại mỗi khu dân cư có những bể thu gom rác bằng bê tông, người dân tự giác giữ gìn vệ sinh thôn, bon sạch sẽ. Chị Thị Oanh, dân tộc M’Nông, người có uy tín của bon Bu Ndoh, xã Đắk Wer cho biết, hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của bon nói riêng, xã nói chung đã thay đổi rất nhiều, việc làm ăn, sản xuất cũng phát triển hơn. Đặc biệt, nghề dệt truyền thống đã được phát huy, tạo việc làm và nâng cao đáng kể thu nhập cho nhiều hộ dân:

“Bà con rất vui, tự hào vì nghề dệt truyền thống, không chỉ làm trang phục để bà con mặc trong các dịp lễ hội, bảo tồn văn hóa truyền thống mà đã thành sản phẩm để bán. Từ đó, nghề dệt cũng đã mang lại thu nhập cho nhiều chị em”, chị Oanh nói.

Đường nông thôn mới tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông

Tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đang từng bước giúp vùng biên giới này khởi sắc. Bà Thị Nớ, dân tộc M’Nông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, ban đầu cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín trong cộng đồng gương mẫu đi đầu thực hiện, và giải thích, vận động bà con làm theo, từ đó mà triển khai hiệu quả các chương trình, dự án. Với sự cố kết cộng đồng cao, nên khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới, bà con ở các bon làng đều thống nhất, đồng thuận thực hiện.

“Xã Quảng Trực hiện nay đã đổi thay rất nhiều. Các chương trình, dự án mà Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư vào xã cũng rất hiệu quả. Bà con ở bon làng rất đoàn kết, khi triển khai thì sự đồng thuận cao sẽ giúp các chương trình, dự án thuận lợi. Như dự án cây mắc ca ở xã, có định hướng, có cách làm và có sự đồng thuận của người dân nên đã thành công, mang lại thu nhập khá cao, đời sống, kinh tế của bà con trong xã được nâng lên đáng kể”, bà Thị Nớ cho hay.

Bà Thị Nớ, dân tộc M’Nông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, với sự cố kết cộng đồng cao, khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới, bà con ở các bon làng đều thống nhất, đồng thuận thực hiện

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Đắk Nông có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt gần 17 tiêu chí, không còn xã nào dưới 10 tiêu chí. Tỉnh cũng đã có một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Gia Nghĩa.

Việc huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông những năm qua được đánh giá cao. Riêng từ năm 2020-2023, tổng nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn là gần 73.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình là 575 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng là 154 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, nguồn vốn tín dụng thương mại, vốn doanh nghiệp.

Lấy văn hóa làm nền tảng, là động lực cho sự phát triển, tỉnh Đắk Nông đang từng bước hướng đến xây dựng những vùng quê, những bon làng vững kinh tế, giàu bản sắc, đậm nghĩa tình

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang mang lại hiệu quả tích cực, giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, từng bước góp phần sớm đưa tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Tây Nguyên theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Trong đó, tỉnh Đắk Nông đặc biệt chú ý đến việc vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

“Đối với Đắk Nông có 40 dân tộc anh em, việc xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới và cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều gắn với bản sắc văn hóa. Phát huy tính sáng tạo và làm sao để các dân tộc anh em trong 40 dân tộc giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, ông Lê Trọng Yên cho biết.

Lấy văn hóa làm nền tảng, là động lực cho sự phát triển, tỉnh Đắk Nông đang từng bước hướng đến xây dựng những vùng quê, những bon làng vững kinh tế, giàu bản sắc, đậm nghĩa tình.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nong-thon-moi-dak-nong-vung-kinh-te-giau-ban-sac-dam-nghia-tinh-post1075086.vov