Nông sản miền Nam tìm đường ra Bắc: Vì sao cung 'nóng', cầu 'lạnh'?

Trái với khí thế 'hừng hực' của những nhà sản xuất phương Nam muốn 'lao' ngay ra thị trường miền Bắc, thì các đầu mối kết nối cung - cầu, tức hệ thống siêu thị, đơn vị bán lẻ ở phía Bắc lại khá thờ ơ.

Dừa là mặt hàng nông sản mà các doanh nghiệp phía Nam muốn tiêu thụ ở miền Bắc

Không khí trên được PLVN ghi nhận tại Chương trình Tư vấn, kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm giữa các doanh nghiệp phía Nam với hệ thống phân phối phía Bắc do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng qua (23/5).

Sẵn sàng “tiến quân” ra Bắc

Các doanh nghiệp miền Nam, dưới sự tổ chức của Hiệp hội Dừa Việt Nam tiến ra Bắc lần này với nhiều thành phần tham dự, từ các doanh nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa đến hạt điều, cacao. Những phát biểu của họ đều rất trân trọng và kỳ vọng vào cơ hội tiến ra Bắc lần này.

Ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đang tìm đường ra Bắc đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm thị trường, kiểm soát hàng hóa... Theo ông Khoa, những nông sản miền Nam hiện nay đang xuất hiện ồ ạt ở đất Bắc đa phần đều là những sản phẩm “chưa đạt chất lượng” do các sản phẩm đạt chuẩn đều đã được xuất khẩu.

Cũng theo vị này, hiện nay các doanh nghiệp phía Nam gần như đang bỏ ngỏ thị trường miền Bắc, bởi ở miền Tây và phía Nam có hơn 30 loại trái cây đạt chuẩn, trong khi miền Bắc mới chỉ tiếp cận được khoảng 30% số lượng trái cây phía Nam. Việc đưa nông sản ra Bắc phải chung tay của nhiều ban ngành; các doanh nghiệp phía Nam cũng dần nhận ra thị trường ngay gần phía mình.

Do đó, Hiệp hội Dừa và Bộ Công Thương quyết định tổ chức hội nghị kết nối lần thứ nhất giữa các doanh nghiệp phía Nam và hệ thống phân phối miền Bắc để người dân trong nước có thể được sử dụng những sản phẩm chất lượng; đồng thời các doanh nghiệp cũng không phải chi phí quá nhiều cho phân phối và công tác tìm đầu ra cho sản phẩm, điều quan trọng nữa là xác suất rủi ro về thanh toán tài chính cũng được giảm thiểu.

Bà Lê Vân Anh - Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất nông sản Thành Đạt cùng cho biết, sau 9 năm chuyên xuất thô hạt điều ra nước ngoài, công ty này đã quyết định chuyển hướng, nhắm vào thị trường trong nước. Từ năm 2015, Thành Đạt đã chú tâm vào sản xuất hàng giá trị gia tăng và tiêu thụ nguyên liệu trong nước (từ vùng trồng điều Bình Phước). Đầu năm 2017, Thành Đạt đã hoàn tất nhà máy sản xuất và chuẩn bị từng bước “tiến quân” ra Bắc.

Tương tự, bà Hoàng Thanh Thủy - Giám đốc Điều hành Công ty Vụ mùa Việt Nam cũng bày tỏ việc mong muốn đưa các sản phẩm chế biến từ dừa ra Bắc. Bà Thủy cho biết, hiện sản phẩm của Công ty Vụ mùa Việt Nam đã xuất hiện tại các cửa hàng, chuỗi cửa hàng cao cấp,... Sản phẩm này cũng đã xuất hiện tại miền Bắc khoảng 4 năm theo kênh phân phối hẹp, nhưng tỉ lệ lấy hàng và phát triển sản phẩm cũng tương đương như miền Nam.

Các đại diện khác tham dự hội nghị như Hoa Cúc, Trầm Hương Thiên Tâm, Vietnamcacao cũng đều thể hiện mong muốn có được những kênh phân phối ổn định ở phía Bắc để có thể cung cấp nguồn hàng đạt chuẩn ra thị trường, nâng cao chất lượng sử dụng nông sản của người tiêu dùng miền Bắc theo các kênh siêu thị, chuỗi cửa hàng…

Hệ thống phân phối vắng mặt…

Trái ngược với sự hồ hởi của các nhà sản xuất, thực tế đang là một khoảng trống mênh mông ngay trên sân nhà của các siêu thị, chuỗi cửa hàng và doanh nghiệp đầu mối thu mua ở phía Bắc. Bởi phải có sự xuất hiện của các đại diện sàn thương mại điện tử mới bước vào chuỗi cung ứng hàng hóa trên hệ thống mạng và điện thoại thông minh.

Thực tế tại hội nghị, khi Ban tổ chức mời đại diện của Công ty Cổ phần Phát triển Siêu thị - thì đều không có lời đáp lại hay đại diện của đại siêu thị V+ - một siêu thị rất chú trọng phát triển nền sản xuất Việt và ưu tiên cung ứng hàng Việt cũng vắng mặt, dù có để lại lời mời các doanh nghiệp miền Nam sẽ ghé thăm siêu thị vào buổi chiều. Tương tự, đại diện của Hapromart cũng không xuất hiện trong hội nghị, và chỉ để lại lời mời đi thực tế các siêu thị và cửa hàng tiện ích của doanh nghiệp này vào chiều 23/5.

Chỉ một thông tin hữu ích xuất hiện tại buổi hội nghị được ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra đó là việc Bộ này đã dành khoảng 4.000m2 ở địa chỉ 49 Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội), phối hợp với một đơn vị lớn để xây dựng trung tâm thương mại. Được biết, Trung tâm này sẽ dành để trưng bày hàng hóa từ các doanh nghiệp phía Nam, sau đó cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bằng những trục phân phối theo lộ trình hợp lý.

Khi được hỏi quan điểm về hội nghị này, đại diện Hiệp hội Dừa dù khẳng định “thành công” nhưng vẫn cho rằng “do lần đầu tiên nên có nhiều khiếm khuyết”. Một chuyên gia trong lĩnh vực siêu thị thì nhận định, với số lượng siêu thị xuất hiện trên địa bàn Hà Nội cũng như tiềm năng trong phát triển siêu thị, sự không có mặt của bất kỳ một siêu thị nào cho thấy hội nghị đã không thực hiện được “việc kết nối” như mong muốn của những doanh nghiệp phía Nam.

Dường như con đường nông sản miền Nam ra Bắc đã trục trặc ngay từ bước đi đầu tiên. Ngoài khó khăn trên, còn nhiều khó khăn khác, đặc biệt là khuynh hướng lựa chọn sản phẩm của người Bắc mà các doanh nghiệp phía Nam còn phải đối mặt?

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieng-noi-da-chieu/nong-san-mien-nam-tim-duong-ra-bac-vi-sao-cung-nong-cau-lanh-336265.html