Nông sản Lâm Thao vào vụ Tết

Tết Nguyên đán đã cận kề. Những ngày này, bà con nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lâm Thao đang hối hả xuất đi những chuyến hàng cuối cùng của năm cũ với nhiều niềm vui, hi vọng…

Vườn bưởi cho năng suất, chất lượng cao của hội viên nông dân Đào Quang Hùng - khu 4, xã Vĩnh Lại.

Lâm Thao là huyện đồng bằng, có địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, mạng lưới giao thông đa dạng như: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nối các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. Là huyện đạt Nông thôn mới từ năm 2016, những năm qua, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị, các hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đồng thời tạo những sản vật đặc trưng của huyện.

Do có vị ngọt, thơm, mọng nước nên sản phẩm cam V2, xã Vĩnh Lại được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Trong đó, giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao và đang được khuyến khích trồng tại huyện là cây bưởi với hai giống bưởi chính là bưởi diễn và bưởi đỏ. Hiện đang trồng 200 gốc bưởi tại vườn nhà, ông Đào Quang Hùng - hội viên nông dân khu 4, xã Vĩnh Lại cho biết: Gia đình tôi trồng cả bưởi diễn và bưởi đỏ, nhưng chủ yếu tập trung phát triển giống bưởi đỏ để trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương, lộ trình là xây dựng thương hiệu bưởi đỏ Vĩnh Lại theo tiêu chuẩn Viet Gap và GlobalGAP. Mặc dù mới trồng thí điểm nhưng quả bưởi có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, ăn mềm, ngọt đậm, không he, không đắng, ráo, giòn tôm, để được lâu nên khách hàng rất ưa chuộng. Chưa đến Tết Nguyên đán mà số lượng bưởi bán ra không đủ nhu cầu của thị trường…

Ngoài ra, gia đình ông Hùng còn trồng 400 gốc cam Xã Đoài và cam V2 cho năng suất và chất lượng tốt, giá bán khoảng 20 - 25 nghìn đồng/1kg, cũng đã được thu hoạch và bán hết từ trước Tết.

Hạt mắc ca được trồng tại huyện Lâm Thao.

Vào vụ Tết, ngoài các sản phẩm nông sản truyền thống, sản phẩm hạt mắc ca của hội viên nông dân Lê Xuân Cương - khu 3, xã Vĩnh Lại cũng được rất đông khách hàng yêu thích. Ông Cương cho biết: Gia đình tôi trồng hơn trăm gốc mắc ca, mỗi cây được khoảng 10kg hạt khô, giá bán 250 nghìn đồng/1kg; trung bình mỗi cây thu được khoảng 2 triệu đồng. Đem lại nguồn thu nhập khá tốt cho gia đình; hạt mắc ca sau khi thu hoạch, chế biến không đủ bán. Trước Tết khoảng một tháng tôi đã phải từ chối nhận đơn mới của khách vì không đủ hàng để cung cấp, chỉ bán cho những khách đã đặt trước…

Nông dân Lê Xuân Cương - khu 3, xã Vĩnh Lại đóng gói hạt mắc ca trước khi bán cho khách hàng.

Bà Trần Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Cùng với bưởi, hạt mắc ca, trên địa bàn huyện Lâm Thao còn rất nhiều các sản phẩm nông sản tiêu biểu như: Chuối ở xã Xuân Huy; bầu, bí ở xã Phùng Nguyên; gạo nếp ngọc lan ở xã Bản Nguyên, ổi Vĩnh Lại… Các sản phẩm nông sản nhìn chung đều được huyện quan tâm đầu tư phát triển, chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chế biến nên nhanh chóng có vị trí trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển thì bản thân người nông dân cũng phải thích nghi với biến đổi thị trường để có sự điều chỉnh về cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có chính sách ổn định, đầu tư hỗ trợ dài hạn, tạo điều kiện liên kết tiêu thụ, liên kết vay vốn, ưu đãi về lãi suất góp phần phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện.

Xưa kia, bà con sản xuất nông nghiệp luôn canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, nhiều khi phải chờ đến cuối năm xuất bán được hàng mới biết gia đình có Tết. Giờ đây, chú trọng vào chất lượng, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Lâm Thao đang dần khẳng định vị thế và chỗ đứng trên thị trường. Có lẽ cũng vì vậy năm nay bà con nông dân huyện Lâm Thao cũng được đón cái Tết nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn…

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/nong-san-lam-thao-vao-vu-tet/190446.htm